Các cuộc vây hãm của quân đội chính phủ Syria ở Madaya nhằm tiêu diệt phiến quân nổi diễn ra từ tháng 7 năm ngoái, khiến mọi nguồn cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm của người dân bị cắt đứt. Theo New York Times, trong vòng xoáy nội chiến Syria, người dân thị trấn Madaya và Zabadani đã bị tách biệt với thế giới bên ngoài và chịu nhiều ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần.
"Tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ ngồi co ro trên giường", cụ Maleka Jabir, 85 tuổi, nói. Căn bệnh tim và những cơn đói khiến cụ gần như không thể bước đi.
'Hãy dội tên lửa để chúng tôi chết'
Theo nhân viên y tế Khaled Mohammad, ít nhất 28 người đã chết tính từ đầu tháng 12/2015. Mohammad cũng phải uống nước muối để cầm hơi qua ngày.
Hanaa Singer, quan chức cấp cao của UNICEF ở Syria, nói rằng trong chuyến viện trợ đến Madaya, cô đã bị ám ảnh bởi câu chuyện của người phụ nữ với 6 đứa con suy dinh dưỡng.
"Người phụ nữ ấy lao về phía tôi, hôn lên vai và cúi xuống tay tôi. Bà nói: 'Đứa con trai 17 tuổi của tôi đã chết vì đói. Làm ơn hãy giúp chúng tôi sống sót'", Singer kể lại.
Trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria, Liên Hợp Quốc ước tính 400.000 người đang bị mắc kẹt trong tình trạng hỗn loạn do quân đội chính phủ, chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) và quân nổi dậy chống chính phủ gây ra. Nạn đói trở thành một trong những vũ khí lợi hại nhất của các bên tham chiến.
Madaya và Zabadani nằm ở phía đông nam của dãy núi Qalamoun dọc biên giới Syria và Lebanon. Zabadani, nơi phiến quân địa phương nắm quyền kiểm soát từ năm 2012, đã trở thành thiên đường của quân nổi dậy từ các khu vực biên giới khác. Hầu hết tay súng ở Zabadani liên kết với nhóm Hồi giáo Syria có tên Ahrar al-Sham, còn lại liên kết với Quân đội Syria Tự do và nhóm khủng bố Nusra Front.
Lệnh ngừng bắn được đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng chiến dịch của Nga ở Syria nhằm sơ tán người bị thương và chấm dứt tình trạng vây hãm ở khu vực chưa bao giờ được thực hiện. Thay vào đó, tình trạng ở Madaya ngày càng tồi tệ hơn.
Phòng khám y tế ở Madaya bị đánh bom và được chuyển xuống tầng hầm. Mohammad, một bác sĩ gây mê, cho biết ông đã choáng khi có nhiều trường hợp như gãy xương, cụt tay chân hay bị thương ở bụng không thể xử lý theo cách thông thường chỉ vì thiếu thuốc men và thiết bị y tế. Thậm chí, các bác sĩ từng phải cầu xin binh bính Hezbollah để chuyển một cậu bé 16 tuổi bị nhiễm trùng bàng quang đến nơi khác điều trị.
"Chúng tôi sẵn sàng đầu hàng, nhưng chính quyền Syria đã đóng băng mọi thứ. Tôi chỉ muốn chính quyền của ông Bashar dội tên lửa và kết thúc cuộc sống của chúng tôi luôn tại đây", ông nói.
Đứa con mới chào đời của Rima, 25 tuổi, đã chết vì không có lồng ấp. Bầu sữa của phụ nữ mới sinh cũng cạn dần vì đói.
"Tôi đã không cho con ăn, không cho con đủ ấm. Giờ tôi chỉ có thể nhìn thấy con trong ảnh", cô nghẹn ngào.
Nhân viên cứu trợ và người dân cho biết các tay súng đều hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu. Chúng ăn hối lộ tại các điểm kiểm soát, tăng giá cắt cổ đặc biệt với những món đồ khan hiếm.
Firas, một nhà hoạt động chống chính phủ, cố vận chuyển từng túi lúa mì nhỏ đến tận nhà người dân Syria. Anh từng rất sốc khi mang đồ ăn đến nhà cụ Suleiman Fares, 63 tuổi, và phát hiện cụ đã chết.
Người dân Madaya thấp thỏm chờ đợi đoàn xe viện trợ mang theo thực phẩm và thuốc men. Ảnh:AP |
Trước khi có đoàn xe viện trợ ngày 11/1, chỉ có một lô hàng viện trợ nhân đạo từng được chuyển đến Syria vào tháng 10 năm ngoái. Một nửa số bánh quy đều đã hết hạn. Các quan chức Liên Hợp Quốc nói rằng có sơ suất trong quá trình vận chuyển ở Damascus.
Khi thị trấn Madaya bị bao vây, Nisrine vẫn dạy học khoảng vài tháng, nhưng cô đã phải dừng công việc này cách đây không lâu, do học sinh đều ốm yếu vì đói đến mức không thể đến trường. Nisrine không được nhận lương khi ngôi trường học bị dội bom. Con trai cô từ đó không còn được ăn sáng trước khi đi học.
Ăn cây cỏ để chống đói
Hamoudi, 27 tuổi, cho biết cha của anh đôi khi không chịu ăn vì muốn để dành cho con cái. Gia đình thường không ăn vào bữa sáng mà tiết kiệm đồ ăn đến tận bữa tối. Nhưng thức ăn mà chàng trai tốt nghiệp đại học này nhắc đến là nước, gia vị và cây cỏ.
"Giờ nơi này cũng không còn cỏ nữa. Toàn bộ khu vực đã bị tuyết bao phủ và đôi khi cỏ còn đắng", anh nói. Hamoudi cũng từng mang thịt lừa về nhà, dù đây là điều cấm kị trong đạo Hồi.
"Nạn đói không liên quan đến đạo. Không có halal và haram (điều được phép và bị cấm). Chúng tôi đang ăn tất cả mọi thứ", Hamoudi ngậm ngùi chia sẻ.
Tháng 12 năm ngoái, vài trăm phiến quân bị thương đã sơ tán khỏi Zabadani, Fouaa và Kfarya. Chồng của Nisrine, anh Ahmed, được chuyển từ Zabadani đến Beirut, sau đó bay sang Thổ Nhĩ Kỳ và tỉnh Idlib của Syria. Nisrine và cậu con trai 10 tuổi Abdullah vẫn bị kẹt lại ở Madaya.
"Tôi biết thằng bé đói, nhưng nó không muốn nói ra. Ngay cả đứa trẻ con cũng đang cư xử như người lớn. Con trai không còn vòi vĩnh kẹo ngọt như trước đây nữa. Nó chỉ cần bánh mì thôi", người cha ngậm ngủi chia sẻ. Anh kể rằng những người hàng xóm đã giết con ngựa cuối cùng trong thị trấn.
"Tôi không biết chính phủ muốn điều gì. Chúng tôi sẵn sàng rời đi, nhưng họ muốn chúng tôi muốn chết ở đó", Ahmed buồn bã nói.
Singer kể rằng khi cô đến cùng đoàn cứu trợ ngày 11/1, những đứa trẻ đã đứng vây quanh cô để xin bánh mì. Nhưng trong các túi hàng cứu trợ chỉ có lúa mì và dầu, không phải bột hay thứ mà lũ trẻ muốn.