Nọc độc IS bắt đầu ngấm sâu những thành trì phủ bóng cờ đen

Nhà nước Hồi giáo đang áp dụng các chính sách vừa mềm mỏng vừa hà khắc nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân sống tại những nơi chúng kiểm soát, từ đó thu phục lòng tin của họ.
Các tay súng Nhà nước Hồi giáo diễu hành trên đường phố. Ảnh: AP
Các tay súng Nhà nước Hồi giáo diễu hành trên đường phố. Ảnh: AP

Tại phía bắc Syria, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang sửa chữa đường điện, hệ thống nước thải và sơn lại biển báo trong khu vực chúng chiếm đóng. Ở Raqqa, IS tiến hành rà soát các khu chợ và lò mổ để loại bỏ thực phẩm hết hạn cũng như gia súc bị bệnh. Ở thành phố phía nam Deir al-Zour, IS đánh thuế nông dân và các chủ cửa hàng, đồng thời phạt nặng đàn ông không để râu dài.

Nhóm còn vận hành một tuyến xe bus băng qua biên giới tới thành phố Mosul, Iraq. Đây là nơi chúng thường xuyên xử tử công khai các tù nhân và huấn luyện trẻ em tham gia những chiến dịch du kích. Tháng trước, nhóm mở lại một khách sạn hạng sang và khuyến mại ba đêm nghỉ miễn phí cho các đôi vợ chồng mới cưới, theo New York Times.

Đầu độc nhận thức

10 tháng sau khi Mỹ và đồng minh mở chiến dịch không kích nhóm, IS vẫn không ngừng bánh trướng lãnh thổ và thi hành những chính sách vừa mềm mỏng vừa hà khắc nhằm bám rễ sâu và gia tăng ảnh hưởng tại nơi chúng chiếm đóng. Theo một số người dân tại địa bàn IS kiểm soát, nhóm hiện tăng cường thắt chặt an ninh, tạo việc làm cho người thất nghiệp. Chúng xây dựng một bầu không khí tưởng chừng như rất trật tự tại nơi mà xung đột xảy ra liên miên.

"Dân chúng đang dần quen với cuộc sống" dưới lá cờ đen IS, một người lao động ở Raqqa nói. Anh nhận được một khoản tiền tương đối hậu hĩnh khi làm công việc sơn lại các tòa nhà văn phòng cho IS. "Nếu tuân thủ đúng luật, những kẻ cực đoan sẽ không động đến bạn", người đàn ông này cho hay nhưng thêm rằng anh vẫn ao ước có cuộc sống yên bình hơn.

"Tất cả những thứ như bạo lực, tranh đấu hay chết chóc không phải cuộc sống của chúng tôi. Nhưng thực sự thì chúng đã giúp chúng tôi thoát khỏi sự chuyên chế của các nhà lãnh đạo Arab", anh nhấn mạnh.

Để củng cố nhà nước của riêng mình, IS ban hành vô số đạo luật. Chúng cấm đánh bắt cá bằng thuốc nổ, không cho phép người dân sử dụng các sản phẩm từ hãng công nghệ Apple, ép các giáo viên phải giảng dạy trong trường học của tổ chức, trao thưởng cho ai giết được các phi công Jordan hay khuyên nhủ những người bị thương rằng không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ để chữa trị bởi IS sẽ khiến họ có cảm giác thoải mái như ở nhà, theo tài liệu được biên soạn bởi Aymenn Jawad Al-Tamimi, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Trung Đông.

Lãnh thổ IS hiện được mở rộng hàng trăm km, từ vùng ngoại ô Aleppo, Syria, đến trung tâm Iraq. Dân cư ở đây tương đối thưa thớt nhưng hiện vẫn có hàng triệu người dân sống tại các thành phố ,làng mạc IS kiểm soát. IS khác biệt với các nhóm cực đoan khác như al-Qaeda ở chỗ chúng duy trì nhà nước bằng những đạo luật Hồi giáo hà khắc.

Chúng áp đặt quyền cai trị tại những lãnh thổ chiếm cứ bằng phương pháp "thanh lọc địa lý", theo Hassan Abu Hanieh, chuyên gia về các nhóm Hồi giáo, nói. Kẻ thù của tổ chức, quân đội chính phủ, cảnh sát hay những thành phần không phù hợp, ví dụ như các cộng đồng dân tộc thiểu số, thường bị nhóm đuổi khỏi thành phố hoặc giết hại.

Ngoài ra, IS còn điều hành bằng phương pháp "cai trị trong thời kỳ khủng hoảng". Theo đó, nhóm cung cấp cho người dân những dịch vụ mà họ còn thiếu thốn, đặc biệt là khi xảy ra chiến tranh, ông Abu Hanieh nhận định. "IS về mặt nào đó có thể mang đến cho người dân sự ổn định, trừng phạt kẻ trộm cướp và thực thi pháp luật", ông nhận xét. "Những người bình thường không mong điều gì hơn thế".

Theo Tamimi, nhiều người hiện trở nên phụ thuộc quá nhiều vào IS. "Hệ quả cuối cùng là nhóm trở nên mạnh mẽ hơn và rất khó để thoát khỏi chúng. Bạn có muốn đánh bom những thị trấn IS kiểm soát để rồi tước đi quyền được đến trường của bọn trẻ ở đó không?", ông đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, để tăng sức ảnh hưởng, IS chuyển hướng tập trung sang những người trẻ, cải cách chương trình dạy học cho trẻ em và đào tạo lại giáo viên. Video tuyên truyền của tổ chức thường cho thấy hình ảnh những đứa trẻ đặt bom tiêu diệt lực lượng an ninh Iraq, reo hò trước chiến thắng của phiến quân hay hồn nhiên chứng kiến các vụ hành quyết máu lạnh. Trong một đoạn băng mới được đăng tải gần đây, IS còn quay lại cảnh một đứa trẻ học cách chiến đấu, lăn lê bò toài như những chiến binh thực thụ và tham gia một cuộc đột kích.

"Việc lũ trẻ bị giảng dạy theo những cách vô cùng cực đoan là mối hiểm họa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt", một quan chức an ninh người Kurd chuyên theo dõi động thái của IS ở miền bắc Iraq, đánh giá. "Đây chính là quả bom hẹn giờ IS cài đặt cho tương lai".

Thực tế này khiên các bậc phụ huynh tại địa bàn IS kiểm soát lo lắng. Theo một cựu nhân viên môi giới nhà đất, dù ông căm ghét IS nhưng vẫn phải cố gắng hết sức để sống sót và thích nghi với những thay đổi ở Raqqa. Ông tháo radio khỏi xe để IS không thể buộc ông tội nghe thứ âm nhạc bị cấm đoán. Ông mua thuốc lá từ những kẻ buôn lậu vì IS coi việc hút thuốc như tội ác. Ông không dám chỉ trích IS khi ở nhà vì sợ rằng đứa con trai 8 tuổi sẽ lặp lại những gì ông nói ở nơi công cộng, khiến cả gia đình gặp nguy hiểm. Nhưng con trai ông lại nghe được những lời lẽ khác. Thỉnh thoảng, ông thấy cậu bé đứng ra bảo vệ IS.

Nhiều người lại cho biết sống dưới sự cai trị của IS đã thay đổi quan điểm sống của họ. "Nếu trước đây bạn hỏi tôi mong muốn điều gì, tôi sẽ nói rằng muốn là người giàu nhất thế giới với nhà và xe đẹp", một người dân Raqqa chia sẻ. "Nhưng sau khi ngồi với các giáo viên dạy giáo lý của IS, chúng tôi đã có cách nghĩ khác". Anh này thêm rằng đang cân nhắc việc gia nhập IS bởi nếu muốn kết hôn và sinh con ở Raqqa thì anh cần hiểu về "tôn giáo đích thực".

Nọc độc IS bắt đầu ngấm sâu những thành trì phủ bóng cờ đen ảnh 1

IS phá hủy các mặt hàng tịch thu được tại Raqqa, trung tâm đầu não của tổ chức ở Syria. Ảnh: Reuters

Niềm tin bị đánh mất

Theo New York Times, nếu so sánh với Deir al-Zour thì cuộc sống ở Raqqa có phần dễ dàng hơn nhiều. Tại thành phố này, phiến quân IS suốt một năm qua liên tục giao tranh với các bộ lạc địa phương và những nhóm nổi dậy trong vùng.

Máu vẫn đổ trên chiến trường và IS vẫn tiếp tục triển khai những cuộc đột kích, các nhà hoạt động địa phương cho biết. Để răn đe dân chúng, IS công khai hành quyết người vô tội, áp thuế nặng và thu nhiều loại phí sinh hoạt khác nhau.

Chiến lược của chúng là "dồn người ta vào cảnh chết đói" sau đó lôi kéo họ gia nhập tổ chức bởi đó là con đường sống duy nhất, một nhà hoạt động nói.

Một người khác cho hay cháu trai ông đã đầu quân cho IS và được nhận lương 100 USD mỗi tháng cộng với 100 USD khác cho cha mẹ và 40 USD cho mỗi anh chị em. Đây là chiến thuật giúp IS gây ảnh hưởng tới toàn bộ gia đình.

Trong một thông điệp được phát đi hồi tháng trước, Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo tối cao của IS đưa ra lời kêu gọi mới. Hắn tuyên bố những người không thuộc về tổ chức đều là "kẻ vô gia cư" và "đáng xấu hổ". Trái lại, người dân của IS được sống với "quyền lực và phẩm giá, được bảo vệ bởi thánh thần".

Dù cuộc sống trong khu vực IS cai quản không hề dễ dàng nhưng nhiều người vẫn muốn nhóm ở lại. Dân chúng ở một số vùng ở Syria cho biết cuộc sống của họ không lúc nào bình yên khi chiến sự giữa quân đội chính phủ Bashar al-Assad và các tay súng nổi dậy liên tục nổ ra. Vì thế, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo IS. Nhiều người Sunni ở Iraq thậm chí còn tin nhóm khủng bố này hơn chính quyền do người Shitte điều hành ở Baghdad.

"Chúng tôi hiện tại được hưởng sự tự do và an ninh, không có tình trạng bắt bớ, sách nhiễu, không hàng rào bê tông và những điểm giám sát mà phải mất hàng giờ mới có thể thông qua để vào thành phố", Mohamed Al-Dulaimi, người dân ở Falluja, nói. "Điều gì xảy ra khi quân nổi dậy tấn công thành phố ư? Chúng tôi sẽ cầm súng lên và chiến đấu, không phải vì chúng tôi là IS mà bởi nếu họ tới, chúng tôi sẽ chết hết".

Theo: VnExpress