Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu đã giảm thần kỳ từ 17% năm 2012 xuống chỉ còn dưới 3% tính đến cuối tháng 9/2015. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nợ xấu chỉ “sạch ảo”.
Đại biểu Quốc hội Thân Văn Khoa (đoàn Bắc Giang) cho rằng, phần lớn nợ xấu VAMC gom lại vẫn chưa được xử lý, nói cách khác, nợ xấu vẫn còn đó. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nợ xấu hiện nay vẫn chủ yếu được xử lý bằng thủ thuật bút toán chứ không phải giảm thực chất.
Theo số liệu mà ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cung cấp, tính đến cuối tháng 10/2015, VAMC đã mua về khoảng nợ xấu khoảng 230.000 tỷ đồng, song mới thu về được hơn 15 nghìn tỷ đồng từ xử lý nợ xấu. Như vậy, khoản nợ xấu nằm trong kho VAMC vẫn lên tới 10 tỷ USD và đây là thách thức lớn nhất của NHNN trong thời gian tới.
TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: “Cần phải lưu động vốn nhanh từ tài sản thế chấp để trả lại thị trường một nguồn vốn đang bị đọng do nợ xấu”.
Tuy vậy, để núi nợ này được nhanh chóng lưu thông, theo TS. Phước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý tài sản đảm bảo, hoàn thiện cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án. Đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng được quyền bán đấu giá mà không cần thông qua thủ tục phá sản, xử lý tài sản đảm bảo phức tạp, rườm rà…
Thực tế, theo các chuyên gia, với hành lang pháp luật hiện nay, dù có “tiền tươi” thì VAMC và các ngân hàng cũng rất khó có thể xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu. Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu một cách dứt điểm trong bối cảnh thiếu thông tin, thiếu thiện chí hợp tác, thiếu đồng thuận xã hội hiện nay là rất khó và một mình NHNN không thể làm được.
Theo Infonet