Ở phần trước bạn đã được xem qua 18 tựa game được đánh giá rất cao trên Steam . Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm 3 game đáng chơi nhất trên nền tảng này nhé.
19. Surviving Mars
Giá: 29,99 USD
Ảnh: Tech Radar |
Thể loại mô phỏng xây dựng luôn là một đề tài không bao giờ hết hot cho các nhà làm game. Surviving Mars đã nắm bắt xu hướng này, tuy nhiên không còn lấy bối cảnh ở trái đất mà nhà làm game đã cho bạn sinh tồn, sống sót trên Sao Hỏa. Nếu bạn là người yêu thích việc xây dựng thành phố, hay tự tay quản lý cả một căn cứ trên Sao Hỏa thì hãy thử qua tựa game này.
Giống như những tựa game xây dựng, Surviving Mars cũng theo phong cách quản lý vi mô, nghĩa là người chơi phải tự tay làm mọi thứ từ nhỏ đến lớn theo trình tự. Do Sao Hỏa là một hành tinh không dành cho người ở nên việc đầu tiên là bạn phải cải tạo nó, bắt đầu với việc tạo ra điện từ gió hoặc mặt trời, sau đó tới các đường dây để giúp hoạt động, khai thác mạch nước ngầm và lọc không khí lấy oxi. Từng công đoạn trong game đều được liên kết với nhau chặt chẽ, ví dụ các nhà máy sẽ không chạy nếu không đủ năng lượng, dân cư không thể sống nổi nếu thiếu oxi và mọi thứ sẽ sụp đổ bởi bụi cát trên Sao Hỏa nếu không có đồ thay thế.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, mọi thứ trong Surviving Mars tương hỗ lẫn nhau thành một mạng lưới có tuần tự, bạn dùng năng lượng tạo ra nước, trung hòa nước cùng polime biến thành dầu chạy máy, dùng dầu để vận hành động cơ nặng chế ra kim loại, và cuối cùng lấy kim loại đó phục vụ cuộc sống dân cư.
Tuy nhiên, quản lý một cách quá vi mô cũng khiến người dùng gặp đôi chút khó khăn. Gần như mọi việc đều được làm thủ công từ khai thác tài nguyên phân phối năng lượng tạo việc làm cho dân cư… Điều này khiến người dùng tốn khá nhiều thời gian để nâng cấp mọi thứ, khiến độ khó của game trở nên khá cao. Khi căn cứ rộng lên và số lượng công việc tăng theo cấp số nhân, bạn sẽ không đủ tay để điều khiển và não để nhớ mọi thứ, lúc này việc thiếu đi công cụ quản lý tự động thực sự là ác mộng. Nhiều game thủ đã phàn nàn về phần này, vì nó khiến họ phải làm đi làm lại quá nhiều công việc đan chéo nhau, khiến Surviving Mars trở nên quá mệt mỏi khi chơi lâu.
Cơ chế quản lý dân cư trong Surviving Mars khá đặc biệt khi những dân cư sống trên Sao Hỏa cũng có một số nhu cầu sinh hoạt cơ bản như mua sắm, nghỉ ngơi hoặc vui chơi. Bạn không thể bắt các dân cư làm việc liên tục bởi nó sẽ khiến họ bị trầm cảm dẫn đến đình công và đôi khi họ còn tự sát tập thể. Giữ cho chỉ số này cao là một công việc rất tốn công sức, vì cư dân chỉ sống trong các nhà vòm gọi là Dome với diện tích giới hạn, cân bằng làm sao giữa giải trí và làm việc là cả một nghệ thuật.
Đồ họa của tựa game được đánh giá không quá cao khi mọi chi tiết trong tựa game chỉ ở mức “tròn vai”. Âm thanh Surviving Mars ở mức khá, tuy vậy phần lồng tiếng lại chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là ở số cư dân. Tương tự như Cities: Skylines, Surviving Mars xây dựng cả một hệ thống mod tích hợp sẵn trong game, cho phép người chơi có thể dễ dàng đưa vào các nội dung mới từ mô hình nhà cửa, hình ảnh, công nghệ cho đến thiết lập hệ thống. Giống với GTA V, hệ thống này rất thành công khi chỉ với một vài bước bạn đã có hàng tá mod để sử dụng.
Game cũng còn một số điểm tồn đọng mà game thủ phê bình. Game còn thiếu một số tính năng nên có ở những tựa game xây dựng thành phố “sandbox” như tính năng khám phá mở rộng vùng đất. Yếu tố này hoàn toàn không có trong game, cộng với sự thiếu vắng trong dẫn dắt nội dung, Surviving Mars hoàn toàn không mang trong mình điểm nhấn của game khám phá không gian, tạo cho bất kì một ai đã quá quen thuộc với game xây dựng cảm giác không quá đột phá. Càng về cuối game người dùng càng cảm thấy lạc lõng, chán nản.
20. Wolfenstein II: The New Colossus
Giá: 38,99 USD
Ảnh: Tech Radar |
Không cần phải bàn quá nhiều vệ độ nổi tiếng cũng như thành công của dòng game Wolfenstein. Vậy nên, trước những ngày ra mắt Wolfenstein II: The New Colossus cũng đón nhận được không ít sự mong chờ từ những game thủ vốn đã là fan của dòng game này. Tựa game này đã đáp ứng được hầu hết các kỳ vọng của họ. Trước hết, điểm hay dễ nhận thấy nhất chính là đồ họa chất lượng cao của Wolfenstein II: The New Colossus. Chỉ ở mức cấu hình trung bình bạn đã có thể thấy độ chi tiết và góc cạnh của các vật dụng. Bộ giáp cồng kềnh của bọn Nazi trở nên “thật” hơn bao giờ hết khi mỗi chi tiết trên đó từ con ốc vít đến cái ống chất lỏng đều rõ nét. Các loại môi trường ở các hành tinh khác nhau được làm rất thật bởi độ làm mờ hợp lý. Cốt truyện của tựa game cũng được đánh giá khá cao khi nó mang trong mình rất nhiều yếu tố hấp dẫn, gợi mở. Lần đầu tiên, quá khứ của Blazkowicz được hé lộ trong phần cốt truyện game thông qua hồi tưởng cũng như ám ảnh của chính anh trong cơn thập tử nhất sinh.
Cốt truyện game là sự tiếp diễn sau phần game The New Order. Trong lúc Blazkowicz hấp hối các đồng đội đã kịp quay trở lại ứng cứu và tìm mọi cách cứu chữa. Ở thời khắc giữa sự sống và cái chết, Blazkowicz nhớ về quá khứ, người mẹ cam chịu, ông bố vũ phu của mình… Thật may mắn, sau khi hôn mê nhiều tháng anh đã tỉnh dậy, tuy nhiên lại đúng vào lúc quân Nazi đã tìm ra tung tích của nhóm và chuẩn bị tấn công. Blazkowicz phải tiếp tục cuộc chiến ngày càng khó với một cơ thể đã bệ rạc sau nhiều thương tích ở những trận đánh đã qua.
Tựa game này đã được bổ sung chăm chút thêm từng chi tiết nhỏ để tăng trải nghiệm người chơi. Đầu tiên là việc “súng bị cản”, nếu bạn đứng quá gần tường hay vật chắn, tay và súng của bạn sẽ đổi tư thế như thể súng bị vướng vật cản. Các vụ nổ quá gần bạn như lựu đạn, bình gas sẽ hất bạn ngã ra sàn và nếu không di chuyển bạn vẫn sẽ nằm dài trên sàn, kẻ địch húc hoặc chó cắn cũng đưa về hiệu ứng tương tự.
Hơn nữa, hiện nay bạn đã có thể cầm 2 loại súng khác nhau trên 2 tay thay vì phải cùng một loại. Hệ thống nhiệm vụ ám sát cũng được nâng cấp, mỗi khi bạn hạ gục tên chỉ huy thì sẽ rơi ra một mảnh Enigma Code, các mảnh code này sẽ dùng trên máy giải mã để xác định vị trí của những sĩ quan cao cấp trong hàng ngũ Nazi. Tương tác với môi trường cũng là một thứ được game thủ đánh giá cao khi giờ đây Blazkowicz đã có thể dùng súng Laser để đốt cháy các bức tường mỏng. Các vách tưởng mỏng như gỗ hay sắt khi bị đạn bắn vào sẽ bị thủng hoặc vỡ ra.
Đối với kẻ địch mặc giáp, nếu dùng súng đạn bình thường sẽ làm tróc từng mảng giáp trên người chúng để lộ phần bên trong. Bạn sẽ dễ hạ một tên giáp kín người bằng súng đạn thường bằng cách headshot.
Gameplay của Wolfenstein II: The New Colossus có một số điểm khác biệt với những phiên bản tiền nhiệm. Cơ chế nâng cấp vũ khí nay đã sử dụng thùng nâng cấp chung thay vì từng món đặc biệt như bản đồ cũ. Về Perks cũng tương tự khi các kỹ năng cần phải đạt được thử thách nào đó trong game, tuy nhiên phần này các kỹ năng tích theo giai đoạn, mỗi giai đoạn tương ứng 1 điểm cộng cho kỹ năng đó. Điểm đáng chú ý nhất là gameplay đã bám khá sát theo cốt truyện. Như đã nói ở trên Blazkowicz vừa mới tỉnh dậy sau khi hôn mê nhiều tháng nên anh chỉ có 50HP thay vì 100HP như những phiên bản trước.
Mặc dù Wolfenstein II: The New Colossus đã được nâng cấp hàng loạt tính năng cốt truyện cùng với gameplay hấp dẫn nhưng tựa game này vẫn còn tồn đọng khá nhiều điểm bất cập. Các bản đồ thiết kế rộng, nhiều ngóc ngách nên làm tăng thêm khó khăn trong việc tìm đến đúng vị trí nhiệm vụ. Game chỉ cho bạn thấy đánh dấu đó đúng 3 giây xong biến mất. Nếu bạn đứng gần vị trí đó có khi nó còn không hiện lên làm bạn phải mò tìm xung quanh. Giao diện trắng xám tạo cho người chơi cảm giác đơn điệu nhàm chán nhưng chữ trên giao diện cũng là màu trắng nên rất khó nhìn các thông tin. Thêm nữa, đoạn cắt cảnh đầu tiên khá dài nhưng không thể bỏ qua, tệ hơn nữa là bạn cũng không thể treo máy đi làm việc khác chờ video qua hết vì xen giữa là một số đoạn cần tương tác của người chơi.
Dẫu vậy, có thể thấy đây vẫn là một tựa game khá tốt với đồ họa đẹp, gameplay hay và nội dung hấp dẫn, rất xứng đáng để bạn trải nghiệm
21. Streets of Rage 4
Giá: 9,99 USD
Ảnh: Tech Radar |
Streets of Rage 4 được ra mắt với mong muốn đem lại sự hoài niệm cho người chơi khi mà phần chơi gần nhất đã được ra mắt cách đây 25 năm. Không lạ khi tựa game này được người chơi khắp thế giới đón nhận nhiệt liệt và rất kỳ vọng.
Lối chơi của Streets of Rage 4 rất đơn giản bạn chỉ cần "dọn dẹp" hết những tên côn đồ xuất hiện trong màn chơi. Đây là lối chơi mang tính giải trí rất cao không cần suy nghĩ nhiều - thứ đã làm nên thành công cho dòng game này vào 25 năm trước.
Có lẽ sự khác biệt duy nhất trong lối chơi nằm ở nhân vật. Sega Genesis đã thiết kế mỗi nhân vật đều có những kĩ năng, ưu nhược điểm khác nhau giúp đáp ứng đa số mọi cách chơi của game thủ. Ngoài ra game còn có khá nhiều chế độ chơi mới để tăng trải nghiệm người dùng. Hình ảnh trong tựa game này vẫn theo phong cách 2D và ngôn ngữ thiết kế đồ họa theo kiểu cổ điển của máy điện tử xèng từ nhân vật cho đến các chi tiết công trình. Tuy nhiên, có lẽ đây cũng là tất cả điểm mạnh của Streets of Rage 4.
Mặc dù không thể phủ nhận độ giải trí rất cao và đã tay khi được chiến đấu liên tục của Streets of Rage 4. Tuy nhiên, lối chơi này đồng nghĩa với việc bạn giữ một bộ chiêu thức cơ bản không thể nâng cấp hoặc thay đổi và chiến đấu với kẻ địch hết đợt này đến đợt khác, hầu như không đòi hỏi tính chiến lược. Điều này sẽ khiến người chơi cảm thấy chán, không có nhiều bất ngờ khi màn nào gần như cũng giống nhau. Việc thiết lập ném vũ khí và nhặt vật phẩm vào một nút chung khiến người chơi cảm thấy rất ức chế.
Streets of Rage 4 mang phong cách chiến đấu đơn giản cùng nội dung thú vị có thể khiến người chơi cảm thấy hài lòng trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy Streets of Rage 4 không đáp ứng hết được kỳ vọng ban đầu của người hâm mộ dòng game lâu năm này nhưng nó vẫn rất xứng đáng để trải nghiệm.
Dịch tổng hợp từ:
Tech Radar, Digital Trends, Roadtovr, Forbes