Những tù nhân đặc biệt ở Tần Thành (Kỳ 4): Từ Tài Hậu tiền tham nhũng cả tấn, chết trong cô độc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáu năm trước, khi mùi thuốc pháo Tết 2015 còn chưa bay hết thì Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh tại Viện Quân y 301 Bắc Kinh.
Số tiền mặt thu được trong nhà Từ Tài Hậu lên tới cả tấn (Ảnh: Ifeng).
Số tiền mặt thu được trong nhà Từ Tài Hậu lên tới cả tấn (Ảnh: Ifeng).

Ngày hôm sau (16/3, tức 26 tháng Giêng âm lịch), tờ báo chính thức "Giải phóng quân Nhật báo" của Trung Quốc đã đăng một bài bình luận ký tên Tạ Chính Bình với tiêu đề rất ấn tượng: "Quan tài đã đậy nắp, nhưng chống tham nhũng không dừng". Bài báo bắt đầu như thế này:

“Từ Tài Hậu, vị tướng nổi tiếng một thời trong bộ quân phục, đã thân bại danh liệt vì tham nhũng và kết thúc cuộc đời bi thảm và tủi hổ của ông ta trên giường bệnh dưới sự giám sát”.

Đây là sự xác định khi đậy nắp quan tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với ông ta. Từ Tài Hậu, người đã tham gia quân đội 45 năm và là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nếu không phải chết vì bệnh, ông ta có thể cũng giống như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và người đồng cấp trong quân đội là Quách Bá Hùng, sống những ngày còn lại bên trong nhà tù Tần Thành, được hưởng ưu đãi không phải mặc quần áo tù, trồng rau, tập Thái Cực Quyền. Nhưng Từ Tài Hậu thậm chí còn không có cơ hội như vậy.

Cặp đôi "song Hổ" Từ Tài Hậu - Quách Bá Hùng làm mưa làm gió quân đội Trung Quốc một thời (Ảnh:Dwnews).

Cặp đôi "song Hổ" Từ Tài Hậu - Quách Bá Hùng làm mưa làm gió quân đội Trung Quốc một thời (Ảnh:Dwnews).

Từ Tài Hậu, được gọi là "Hổ Đông Bắc", từng là học viên tài năng một học viện quân sự, được học hành đầy đủ, đây chắc chắn là một lợi thế cho nhu cầu cán bộ của Trung Quốc vào đầu những năm 1980. Vì vậy, từ năm 1982 đến 1990, Từ Tài Hậu đã từ một sĩ quan trung đoàn bậc phó thăng tiến lên tới cấp trưởng quân đoàn.

Đối với một con em nông dân xuất thân nghèo khó không có chỗ dựa, tuổi trẻ và có trình độ học vấn cao là vốn liếng để Từ Tài Hậu bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển thăng tiến vùn vụt của ông ta sau đó được cho là liên quan đến sự tiến cử của một vị “Bá Nhạc” trong quân đội. Ngoài việc năm 1982, ông ta có một thời gian ngắn giữ chức vụ Trưởng phòng cán bộ hưu trí thuộc Cục Chính trị quân khu Cát Lâm, có lẽ ông đã “ghi điểm” đối với một số vị tiền bối; năm 1992, mới là một bước ngoặt lớn cho sự thăng tiến của Từ Tài Hậu trong quân đội.

Từ Tài Hậu khi ở đỉnh cao quyền lực (Ảnh: GPQB).

Từ Tài Hậu khi ở đỉnh cao quyền lực (Ảnh: GPQB).

Vào thời điểm đó, chính trường Trung Quốc bước vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, hệ thống quân đội vừa trải qua “sự kiện Dương gia tướng” (tức là loại bỏ ảnh hưởng của hai anh em Dương Thượng Côn, Dương Bạch Băng, năm 1992), quân đội Trung Quốc bắt đầu một cuộc thay máu lớn. Vào thời điểm đó, Từ Tài Hậu, đang là chính ủy Tập đoàn quân 16 được gọi về Bắc Kinh để lấp chỗ trống nhân sự vừa bị thanh lọc, được giao chức trợ lý Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị, cấp phó đại quân khu.

Có nhiều ý kiến ​​khác nhau về "Quân trung Bá Nhạc", người đã tiến cử đưa Từ Tài Hậu về trung ương. Năm 2014, truyền thông Hồng Kông "Tuần báo Phượng Hoàng" số 32 đăng bài trên trang bìa "Chuyện ít ai biết về vụ khám nhà quốc tặc Từ Tài Hậu" đã đề cập đến việc "Từ Tài Hậu dựa vào sự nâng đỡ của một quan chức cấp cao trong hệ thống công tác chính trị quân đội quê tỉnh Sơn Đông”. Từ Tài Hậu quả nhiên như mong đợi, được đưa vào Quân ủy Trung ương năm 1999.

Từ Tài Hậu khi bị quản chế tại bệnh viện (Ảnh: CCTV).

Từ Tài Hậu khi bị quản chế tại bệnh viện (Ảnh: CCTV).

Đặc biệt là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Từ Tài Hậu giữ chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị, bước vào hàng “lãnh đạo Đảng, nhà nước” cùng với một con hổ quân sự khác là Quách Bá Hùng cùng nhau kiểm soát mọi công việc của quân đội.

Cũng chính do nắm đại quyền bổ nhiệm nhân sự, cách chức và điều động các cán bộ lãnh đạo cao cấp quản lý hàng triệu quân của PLA và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang đã khiến Từ Tài Hậu không biết sợ và cuối cùng phạm tội “kẻ cắp quốc gia”. Mức độ tham nhũng của Từ Tài Hậu trong quân đội được coi là "không thể tưởng tượng nổi". Thông báo của ĐCSTQ về tội trạng của ông ta là "nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn".

Tranh ngọc tại nhà Từ Tài Hậu (Ảnh: CNS).

Tranh ngọc tại nhà Từ Tài Hậu (Ảnh: CNS).

Trên mạng, đã lưu truyền bài nói chuyện của Lưu Á Châu, Thượng tướng Không quân, Chính ủy Đại học Quốc phòng nói về Từ Tài Hậu: Lúc lâm nạn, Từ Tài Hậu đã nói hai câu được truyền lại từ miệng của các cán bộ điều tra, nên rất chính xác. Một là: “Vấn đề của Quách Bá Hùng nghiêm trọng hơn tôi rất nhiều”; và câu thứ hai là: “Trong số các tướng lĩnh cấp đại quân khu, chỉ có hai người không đưa tiền cho tôi, một người là Lưu Nguyên (con trai Lưu Thiếu Kỳ) và người còn lại là Lưu Á Châu (con rể Lý Tiên Niệm)”.

Người ta nói rằng khi Từ Tài Hậu bị điều tra, ông ta đã giấu hàng đống đô la Mỹ, euro và Nhân dân tệ trong tầng hầm của một biệt thự rộng 2.000 mét vuông trên đường Phụ Thành ở Bắc Kinh. Nghe nói, các máy đếm tiền dùng để kiểm đếm tiền tại chỗ đều bị bị cháy vì hoạt động quá công suất, các điều tra viên không thể kiểm đếm được nên đành phải dùng cân để xác định, số tiền mặt bị tịch thu cân được hơn một tấn.

Ngoài tiền mặt, còn có hàng tạ ngọc, nhiều loại gỗ quý và các sản phẩm bằng ngọc quý hiếm, cũng như các đồ cổ khác nhau và các bức tranh, thư pháp từ các triều đại cổ xưa. Tài sản bị tịch thu tại nhà Từ Tài Hậu phải sử dụng hơn chục chiếc xe tải quân sự mới chở đi hết.

Từ Tài Hậu và con gái Từ Tư Ninh (Ảnh: Dwnews).

Từ Tài Hậu và con gái Từ Tư Ninh (Ảnh: Dwnews).

Sự tham lam của Từ Tài Hậu đã trở thành tính, ngay cả khi không khí chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đang rất căng thẳng, ông ta vẫn không chùn bước hay né tránh. Khoảng năm 2012, khi mũi nhọn chống tham nhũng của PLA đã nhắm vào Cốc Tuấn Sơn, ông ta vẫn dám nhận của Cốc Tuấn Sơn 40 triệu NDT. Cuối cùng, cuộc điều tra Cốc Tuấn Sơn đã trở thành “cọng cỏ” cuối cùng khiến Từ Tài Hậu ngã ngựa.

Một năm sau khi Từ Tài Hậu bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang, ông bị đưa khỏi giường bệnh để điều tra, trong khi ông nằm trên giường Bệnh viện quân y 301 thấp thỏm lo lắng thì vợ, con gái ông, ... đều bị điều tra vì tham gia nhận hối lộ của ông ta. Trong thời kỳ cuối cùng trước khi qua đời, vợ Từ Tài Hậu đã từ chối gặp ông lần cuối.

Trung Quốc xưa nay có truyền thống “người chết thì hết chuyện”, Từ Tài Hậu được thoát án tù, Viện kiểm sát quân sự Trung Quốc ra quyết định không truy tố ông ta, nhưng điều này cũng để lại quá nhiều điều bí ẩn đối với thế giới bên ngoài.

Tranh bằng ngọc trong nhà Từ Tài Hậu (Ảnh: CNS).

Tranh bằng ngọc trong nhà Từ Tài Hậu (Ảnh: CNS).

Từ Tài Hậu rốt cục đã phạm tội gì? Tình hình liên quan là gì? Số tiền liên quan là bao nhiêu? Bên ngoài có rất nhiều đồn đoán, chẳng hạn việc bao nuôi nhiều tình nhân có đúng không? Ngoài ra, liệu ông ta có tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền lực ở cấp trên hay không ... Tất cả những điều này, với cái chết đột ngột của Từ Tài Hậu, đều "được miễn truy tố", thế giới bên ngoài khó biết được đáp án; chỉ có thể chờ đợi đến khi nào đó được công bố trong tương lai.

Ngày 13/1/2015, Thái Anh Đình, khi đó là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, trong một hội nghị truyền hình của Đảng ủy Quân khu đã nhấn mạnh: “Từ những bài học về vụ án của Từ Tài Hậu có thể phát hiện thấy những điểm tương đồng nổi bật với "mười đại gian thần" trong lịch sử Trung Quốc như Khánh Phụ, Bá Hi, Triệu Cao, Đổng Trác, Lý Lâm Phổ, Thái Kinh, Tần Cối, Nghiêm Sùng, Ngụy Trung Hiền và Hòa Thân”.

Vào ngày 25/5/2016, "Giải phóng quân báo" đã đăng bài viết "Phát huy đầy đủ vai trò huyết mạch của công tác chính trị", trong đó đề cập: "Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng tham lam đến mức khiến người ta ghê sợ, nhưng đó chưa phải là điều nguy hại nhất... Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng coi kỷ luật đảng và quy định của quân đội như trò chơi, dùng quyền lực trong tay làm công cụ để vơ tiền, mua chuộc lòng người, gây nên những tổn hại và ảnh hưởng mà các thế lực thù địch muốn làm từ nhiều năm nay nhưng không thể thực hiện được”.

Từ Tài Hậu và vợ là Triệu Lê (Ảnh: Dwnews).

Từ Tài Hậu và vợ là Triệu Lê (Ảnh: Dwnews).

Trong gia đình Từ Tài Hậu, ngoài ông ta chết vì ung thư được miễn truy tố, cả bà vợ là Triệu Lê và người con gái duy nhất là Từ Tư Ninh cũng đều bị bắt giam điều tra vì liên đới đến vụ việc của ông ta.

Vào tháng 6/2016, các cơ quan truyền thông đưa tin rằng sau khi vụ việc của Từ Tài Hậu bị phát hiện, Triệu Lê đã bị hạn chế quyền tự do và hỗ trợ điều tra. Triệu Lê nhanh chóng suy sụp, vài ngày sau, bà ta trở nên điên điên khùng khùng, gặp ai cũng nói: “Tôi có tội, tôi có tội!”. Khi Từ Tài Hậu ốm nặng, phía quân đội thông báo cho phép bà ta đến thăm, nhưng Triệu Lê đã từ chối.