Những tù nhân đặc biệt ở nhà tù Tần Thành (kỳ 1): Bí thư Bắc Kinh Trần Hy Đồng tham nhũng và tha hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà tù Tần Thành Bắc Kinh, do Cục quản lý trại giam của Bộ Công an Trung Quốc trực tiếp quản lý là nơi bí ẩn nhất. Những người bị giam giữ ở đây đều là những chính trị gia, tướng lĩnh nổi tiếng.
Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng bị xét xử tại tòa án (Ảnh: Tân Hoa xã).
Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng bị xét xử tại tòa án (Ảnh: Tân Hoa xã).

Hiện tại, hầu hết các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên đều tập trung giam ở đây, như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Vương Lập Quân. Thân phận của họ không chỉ là những quan chức bị ngã ngựa, đằng sau sự thịnh suy, thăng trầm và gục ngã của họ không chỉ là sự khắc họa đời sống chính trị của cá nhân họ mà còn là sự phản chiếu thời đại. Trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trang tin Dwnews đã đăng một loạt bài về những thăng trầm, tình tiết tham nhũng, tội trạng và những đánh giá của bên ngoài về các cựu chính trị gia Trung Quốc trong nhà tù Tần Thành.

Từng là "khách cũ" trong nhà tù Tần Thành, ngay sau khi được tại ngoại để chữa bệnh, ông Trần Hy Đồng đã ăn trưa với vài người bạn trong một khách sạn cao cấp ở Bắc Kinh và kể về cuộc sống thực của mình ở Tần Thành. Đó là một ngày vào tháng 6/2007. Tờ "Tân chu báo" của Trung Quốc khi đó đưa tin rằng Trần Hy Đồng tinh thần vẫn rất tốt, tóc đã bạc một chút, nhưng cần có người giúp đỡ mới đi lại được.

Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng (phải) đưa vợ chồng Nhật Hoàng đi thăm Vạn Lý Trường Thành (Ảnh: VCG).

Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng (phải) đưa vợ chồng Nhật Hoàng đi thăm Vạn Lý Trường Thành (Ảnh: VCG).

Những người có mặt không dám hỏi về cảnh ngộ của ông trong tù, nhưng Trần Hy Đồng tự kể về mình: “Điều kiện của nhà tù không có gì xấu, có thể làm điều gì đó một mình. Tôi bị giám sát 24/24 giờ, nhưng dần dần cũng quen, việc ăn uống không có vấn đề gì, tuy tiêu chuẩn không thể so sánh với bên ngoài, nhưng so với người thường thì cao hơn rất nhiều. Mọi người có thể chơi cờ và quần vợt, đây là thói quen của tôi trong nhiều năm, nhà tù cử những người lính gác chơi cùng tôi”.

Lời kể của Trần Hy Đồng về cuộc sống của ông ở Tần Thành đã cho thế giới bên ngoài thấy được phần nào cuộc sống bên trong nhà tù bí ẩn nhất Trung Quốc. Vào ngày 31/5/2006, Trần Hy Đồng được ân xá có điều kiện với danh nghĩa bảo lãnh chữa bệnh. Sau khi được ân xá, ông chủ yếu sống trong một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, sau khi được chấp thuận, có thể gặp gỡ một số bạn cũ và cũng có người gửi thư đến thăm hỏi.

Kể từ năm 2008, bệnh tình của Trần Hy Đồng ngày càng nặng, ông không còn gặp người ngoài nữa, chủ yếu phục hồi sức khỏe tại nhà và vào bệnh viện mỗi khi bị ốm. Nghe nói ông đã sử dụng tên giả trên bệnh án.

Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng gặp các quan chức ngoại giao nước ngoài (Ảnh: VCG).

Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng gặp các quan chức ngoại giao nước ngoài (Ảnh: VCG).

Trần Hy Đồng là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị cách chức và kết án tù vì tội tham nhũng trong lịch sử Trung Quốc. Ông từng giữ các chức Thị trưởng Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ, Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Ngày 27/2/1998, ông bị bắt vì tội tham ô tài sản có giá trị, tha hóa trụy lạc, trục lợi bất hợp pháp và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng. Ngày 31/7/1998, Trần Hy Đồng bị Tòa án Nhân dân Bắc Kinh kết án 16 năm tù về tội tham ô và thiếu trách nhiệm. Ngày 20/8 cùng năm, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra phán quyết bác bỏ đơn kháng cáo của Trần Hy Đồng và giữ nguyên bản án ban đầu.

Theo bản án, lẽ ra ông chính thức mãn hạn tù vào ngày 1/8/2013. Tuy nhiên, ông đã qua đời vì bệnh ung thư trực tràng tại Bắc Kinh vào ngày 2/6/2013, hưởng thọ 83 tuổi.

Theo thời gian và sự nguội lạnh dần của dư luận, Trần Hy Đồng đã mờ nhạt trong mắt công chúng, nhưng vụ án Trần Hy Đồng đã gây chấn động một thời. Ngày 27/4/1995, Tân Hoa xã phát đi một bản tin vỏn vẹn 165 từ, gây chấn động mạnh trong và ngoài nước: Phó thị trưởng thường trực Bắc Kinh Vương Bảo Sâm tự sát chết vì lo sợ trước áp lực của phong trào chống tham nhũng; Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh xin từ chức vì liên đới trách nhiệm. Sự kiện Trần Hy Đồng do đó bắt đầu.

Phó thị trưởng Bắc Kinh Vương Bảo Sâm tự sát vì sợ tội tham nhũng (Ảnh: Dwnews)

Phó thị trưởng Bắc Kinh Vương Bảo Sâm tự sát vì sợ tội tham nhũng (Ảnh: Dwnews)

Trần Hy Đồng sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên năm 1930. Ông thi vào Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh năm 1948 và gia nhập Đảng CSTQ năm 1949. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là thành viên của Tổ công tác tiểu khu ở quận Tây Đơn, Bắc Kinh. Năm 1953, ông giữ chức thư ký của Lưu Nhân, người sau đó là Bí thư thứ hai thành ủy Bắc Kinh. Năm 1983, Trần Hy Đồng được bổ nhiệm giữ chức Thị trưởng Bắc Kinh; tháng 10/1992, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương và sau đó là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.

Trần Hy Đồng là Thị trưởng và Bí thư thành ủy nhiều năm, ngoại trừ các vị nguyên lão như Đặng Tiểu Bình, ông đều không coi ai ra gì. Vào ngày 5/4/1995, Vương Bảo Sâm đến vùng ngoại ô huyện Hoài Nhu để tự sát vì sợ bị hỏi tội. Ngày hôm sau, Trần Hy Đồng và Thị trưởng Lý Kỳ Viêm cùng nhau đệ trình "báo cáo xin từ chức" lên Ban Bí thư Trung ương. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đã chỉ thị: “Việc từ chức sẽ không được thảo luận trong thời điểm hiện tại, và vụ tự sát của Vương Bảo Sâm nên được thông báo cho các quan chức cấp phòng trở trên ở Bắc Kinh, trên dưới phải kiên trì cương vị”.

Vào giữa tháng 4, sau khi Thường vụ Bộ Chính trị nghiên cứu tình hình khẩn cấp ở Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc đó đã đi cùng Giang Trạch Dân nói chuyện với Trần Hy Đồng và đưa ra ý kiến ​ thuyên chuyển ông ta. Nhưng Trần Hy Đồng chọn cách “lui để tiến”. Ông ta kiên quyết xin từ chức, nêu ra 3 lý do: tuổi đã quá cao để thích hợp với công tác ở tuyến một; mặc dù Vương Bảo Sâm tự tử là vấn đề cá nhân, ông cũng phải chịu trách nhiệm; thư ký riêng của ông cũng có liên quan đến vụ Vương Bảo Sâm, nên ông có trách nhiệm trực tiếp.

Trần Hy Đồng là một nhà thư pháp có tiếng (Ảnh: zhihu).

Trần Hy Đồng là một nhà thư pháp có tiếng (Ảnh: zhihu).

Sau khi nghe, hai ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào vẫn không đồng ý để Trần Hy Đồng từ chức, nhưng tuyên bố với ông từ nay công việc của Bắc Kinh sẽ được báo cáo cho Hồ Cẩm Đào. Có thông tin cho rằng Giang Trạch Dân, sau đó là Thủ tướng Lý Bằng, và Hồ Cẩm Đào "có thái độ trị bệnh và cứu người, đã nói chuyện với Trần nhiều lần, nhưng ông ta chưa bao giờ nói ra sự thật phạm pháp của mình".

Ngày 26/4, Bộ Chính trị đã triệu tập hội nghị mở rộng và đồng ý để Trần Hy Đồng từ chức; đồng thời quyết định Úy Kiến Hành giữ chức Bí thư Bắc Kinh thay thế Trần Hy Đồng.

Ba năm sau, Trần Hy Đồng bị kết án 16 năm tù và vào nhà tù Tần Thành để thụ án. Theo báo cáo, Trần Hy Đồng không nhận tội sau khi bị kết án và đã đệ đơn chống án trong nhiều năm. Trong thời gian bị giam ở Tần Thành, ông ta thường cáu bẳn, được phép không mặc quần áo tù, được lựa chọn món ăn và thực hiện các hoạt động ngoài trời tùy theo nhu cầu của mình. Nhưng sự nghiệp chính trị gần 50 năm của ông đã phải kết thúc trong nhà tù này.

Vị trí nhà tù Tần Thành ở quận Xương Bình, Bắc Kinh (Ảnh: google).

Vị trí nhà tù Tần Thành ở quận Xương Bình, Bắc Kinh (Ảnh: google).

Sau khi Trần Hy Đồng ngã ngựa, hệ thống quyền lực của Bắc Kinh đã xảy ra “cơn địa chấn”. Riêng năm 1995, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành ủy đã trực tiếp lập hồ sơ 31 vụ án, liên quan đến 6 quan chức cấp cục trở lên và 10 quan chức cấp phó cục. Bà Thiết Anh, Tổng thư ký Chính quyền thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, có biệt danh "Người đàn bà sắt", và Phó Chủ tịch Chính Hiệp (CPPCC) Hoàng Kỷ Thành ... đã lần lượt bị bắt; Bắc Kinh thậm chí còn đồn đại rằng "Khu phức hợp Thành ủy có xe cảnh sát đi vào bất cứ lúc nào". Năm 1997, Trần Tiểu Đồng, con trai của Trần Hy Đồng, bị kết án 12 năm vì tội nhận hối lộ.

Trong nhiệm kỳ Thị trưởng Bắc Kinh của Trần Hy Đồng xảy ra Sự kiện Thiên An Môn (4/6/1989). Vai trò của ông trong Sự kiện Thiên An Môn cũng đã gây nhiều tranh cãi và ông thường được coi là một trong những nhân vật chủ chốt trong việc dẹp yên vụ này.

Là thành viên đầu tiên của Bộ Chính trị bị ngã ngựa do vấn đề kinh tế trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trần Hy Đồng chắc chắn đã mở ra một cục diện mới trong công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc.

Trần Tiểu Đồng, con trai thứ của Trần Hy Đồng nhận án 12 năm tù (Ảnh: sougou).

Trần Tiểu Đồng, con trai thứ của Trần Hy Đồng nhận án 12 năm tù (Ảnh: sougou).

Sau Trần Hy Đồng, các quan chức từ cấp ủy viên Bộ Chính trị trở lên, bao gồm Trần Lương Vũ, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu cũng bị hạ gục trong các chiến dịch chống tham nhũng sau đó. Vụ ngã ngựa của Chu Vĩnh Khang đã phá vỡ lời nguyền “hình bất thướng thường ủy” (không trừng phạt các thành viên ủy ban thường vụ Bộ Chính trị" của ĐCSTQ. Cũng giống như Trần Hy Đồng, họ (ngoại trừ Từ Tài Hậu, người đã chết trước khi ra tòa) đều đã có bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của mình ở nhà tù Tần Thành.

Là nhà lãnh đạo nổi bật trong chính trường Trung Quốc, Trần Hy Đồng đã đóng vai nhà cải cách trong công cuộc cải cách của Trung Quốc vào những năm 1980 và 1990. Theo Hạ Dương, cấp dưới cũ của Trần Hy Đồng và từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Cải cách thể chế Kinh tế thành phố Bắc Kinh, Trần Hy Đồng là người "say mê, tận tụy với công việc, năng nổ và hoạt bát, làm việc chăm chỉ và đặc biệt là kiên trì cải cách". Là một quan chức cùng thời, trong cuốn sách "Sóng gió cải cách Bắc Kinh" của mình, Hạ Dương đã mô tả Trần Hy Đồng là "một người nhiệt thành cải cách giống một tín đồ sùng đạo", “mọi công việc của Bắc Kinh, bất kể lĩnh vực gì, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, giáo dục, khoa học ông đều nói phải cải cách, không cải cách không được. Chỉ cần là cải cách, là cái mới là ông ấy đặc biệt say mê”.

Người ta nói rằng một số chi tiết nhân văn trong quản lý đô thị của Bắc Kinh đã được Trần Hy Đồng trực tiếp học hỏi từ nước ngoài. Theo ghi chép của Hạ Dương, Trần Hy Đồng đã ra nước ngoài điều tra và thấy rằng các xe cơ giới không được sử dụng còi ở các thành phố lớn, thấy rất hợp lý, sau khi trở về Trung Quốc, ông đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải thành phố Bắc Kinh quy định xe cơ giới không được sử dụng còi trong thành phố. Sau khi trời tối, xe cơ giới không được phép bật đèn pha trên đường mà chỉ được phép bật đèn chiếu gần. Những cải cách này trong quản lý thành phố sau đó đã được các thành phố khác ở Trung Quốc học hỏi.

Tại hội nghị công tác thí điểm cải cách cổ phần hóa toàn thành phố tổ chức vào tháng 9 năm 1992, Trần Hy Đồng đã có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết và kích thích rằng, Bắc Kinh đã chính thức thúc đẩy cổ phần hóa. Nhiều doanh nhân từng hoạt động trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc như Liễu Truyền Chí, , Phùng Luân, Phan Thạch Ngật, Nhậm Chí Cường, v.v., đều là những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ việc cổ phần hóa.

Người ta nói rằng trong chưa đầy hai giờ, Trần Hy Đồng đã đưa ra quyết định cuối cùng về phương án cải cách của "Công ty ô tô Thủ Đô". Có quan điểm cho rằng những tình tiết gay cấn bộc lộ ưu nhược điểm của Trần Hy Đồng với tư cách là một nhà lãnh đạo: ông là người nhiệt huyết và năng nổ, nhưng thiếu hiểu biết về quy luật kinh tế, quen sử dụng phương thức của phong trào quần chúng để lãnh đạo kinh tế.

Không nghi ngờ gì nữa, giống như nhiều quan chức bị ngã ngựa, kết cục cuối cùng của Trần Hy Đồng là do chính ông gây nên. Ông là đại diện của nhóm quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đã không chịu được sự cám dỗ lớn của quyền lực và kinh tế, đồng thời không kiên trì được giới hạn của sự liêm khiết trong bối cảnh thời kỳ cải cách và mở cửa của Trung Quốc.

Một trong 5 cô người tình của Trần Hy Đồng (Ảnh: Lantun).

Một trong 5 cô người tình của Trần Hy Đồng (Ảnh: Lantun).

Theo hồ sơ điều tra, Trần Hy Đồng đã nhận 22 món quà tặng của nước ngoài trị giá 550 ngàn NDT mà không nộp cho tổ chức; dựa vào sự phát triển của ngành xây dựng Bắc Kinh, thông qua cấp các giấy phép xây dựng để nhận 24 triệu USD và cung cấp nhiều nhà riêng cho nhiều người dẫn chương trình nữ trẻ đẹp. Sau đó, ông ta còn dính vào các vụ án tài chính với số tiền tới 2 tỉ USD. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Trần Hy Đồng bị kết án vì “các vấn đề chính trị”: ông không phục nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và cho rằng mình là người có sự từng trải dày dạn hơn.

Theo tạp chí “Lam Thuẫn” do Nhật báo Thiên Tân xuất bản, Trần Hy Đồng cũng nổi tiếng vì lối sống tha hóa trụy lạc. Ông cùng lúc bao nuôi 5 cô người tình trẻ đẹp, gọi là “Ngũ đóa kim hoa” gồm: hướng dẫn viên du lịch Hà Bình, biên đạo múa của Đài BTV Lưu Phương, em gái vợ là Hoài Bắc, tiếp viên phòng trà ca nhạc Lang Lang và Trương Mai, một cô gái không nghề nghiệp.

(Còn nữa)