Những tù nhân đặc biệt nhà tù Tần Thành (Kỳ 3): Cốc Tuấn Sơn dâng con gái cho cấp trên để tiến thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong số những quan tham cỡ bự Trung Quốc bị giam giữ tại nhà tù Tần Thành, tội lỗi của họ muôn màu muôn vẻ; nhưng chạy quyền chạy chức bằng cách đem con gải ruột dâng cho cấp trên thì chỉ có một người.
Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần, quan tham dâng con cho sếp để tiến thân khi bị bắt (Ảnh: Dwnews).
Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần, quan tham dâng con cho sếp để tiến thân khi bị bắt (Ảnh: Dwnews).

Vào tháng 8/2015, Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bị kết án tử hình, nhưng do sau đó đã “khai ra hành vi phạm tội của người khác và được xác minh là đúng, được cho là có công lớn, hơn nữa đã thu hồi được hết tang vật vụ án, nên theo quy định pháp luật, bị cáo được hưởng khoan hồng” nên đã đổi thành mức án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm.

"Công lớn" của Cốc Tuấn Sơn chính là đã khai ra Từ Tài Hậu – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vị tướng lĩnh, quan chức cấp cao của PLA rất thích "đi đường lối cấp trên” (thuật ngữ mang tính giễu cợt ở Trung Quốc chỉ việc đưa hối lộ cấp trên để chạy cấp, chạy chức) này đã liên tiếp thăng cấp và ra sức tham nhũng vơ vét trong quân ngũ năm này qua năm khác, chỗ dựa “vững chắc” nhất của ông ta là Từ Tài Hậu, người phụ trách công tác chính trị của PLA trong hơn mười năm.

Cốc Tuấn Sơn (trái) và quan thầy Từ Tài Hậu (Ảnh: lsgushi).

Cốc Tuấn Sơn (trái) và quan thầy Từ Tài Hậu (Ảnh: lsgushi).

Năm 2018, tướng Lưu Nguyên, con trai của cố chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, đã xuất bản cuốn sách "Mơ về Vạn Lý, bảo vệ Trung Hoa - Nhớ lại người cha Lưu Thiếu Kỳ và quốc phòng, quân đội, quân sự", hồi tưởng lại những năm tháng ông là "tiên phong chống tham nhũng".

Lưu Nguyên kể trong cuốn sách, vào tháng 11 năm 2011, ông đã báo cáo vấn đề của Cốc Tuấn Sơn cho Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Từ Tài Hậu ngay lập tức tìm gặp ông để nói chuyện, "ám chỉ cho tôi, nhất thiết cứ phải chỉnh người khác hay sao? Lưu Nguyên, ông tố cáo Cốc Tuấn Sơn, có khi Cốc Tuấn Sơn sẽ hạ gục ông đấy!". Lưu Nguyên viết: “Trong hơn mười năm khi Từ Tài Hậu phụ trách công tác chính trị, ô nhiễm và tác hại gây ra đối với việc lựa chọn và sử dụng nhân sự là có tính toàn cục và chí mạng, đã gây ra thiệt hại và phá hoại rất lớn đối với sự nghiệp của đảng và quân đội".

Tướng Lưu Nguyên (phải), người đã tố cáo Cốc Tuấn Sơn lên Quân ủy và ông Hồ Cẩm Đào (Ảnh: Dwnews).

Tướng Lưu Nguyên (phải), người đã tố cáo Cốc Tuấn Sơn lên Quân ủy và ông Hồ Cẩm Đào (Ảnh: Dwnews).

Ngoài thông báo chính thức, những câu chuyện nội bộ kinh hoàng về vụ án Cốc Tuấn Sơn hầu hết đều được phơi bày từ các bài phát biểu và bài viết của cựu chính ủy Đại học Quốc phòng Lưu Á Châu và Giáo sư Công Phương Bân của trường này.

Ngay sau khi Cốc Tuấn Sơn bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra, ông Công Phương Bân đã đăng một bài viết trên blog của mình "Vụ án tham nhũng của Cốc Tuấn Sơn nói lên điều gì", viết rằng Cốc Tuấn Sơn "không tin vào chủ nghĩa Mác và Lênin, nhưng tin vào ma quỷ và thần thánh”, coi các thày phù thủy, thày bói là thượng khách, thường mời họ đến nhà để gieo quẻ, xem bói. Để cầu xin các vị thần linh phù hộ, ông ta đã xây dựng một công trình xây quy mô lớn gọi là “Tướng quân phủ” theo mẫu kiến trúc Cố Cung Bắc Kinh tại quê nhà ở Bộc Dương và xây dựng một lăng mộ sang trọng cho cha mình ở nơi "phong thủy vượng". Sau khi bị bãi chức, ông vẫn rất tin lời của thày bói “sang đầu năm mới sẽ phục hồi chức tước”. Khi bị “song quy” (đình chức để điều tra), Cốc Tuấn Sơn vẫn giấu một mảnh gỗ đào nhỏ trong túi quần, với ý nghĩa dùng “gỗ đào” thay cho “chạy trốn” để mong thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Tướng Lưu Á Châu, người công khai chuyện Cốc Tuấn Sơn mang con gái dâng cho Từ Tài Hậu (Ảnh: Dwnews).

Tướng Lưu Á Châu, người công khai chuyện Cốc Tuấn Sơn mang con gái dâng cho Từ Tài Hậu (Ảnh: Dwnews).

Công Phương Bân tiết lộ trong bài báo, ông Hồ Cẩm Đào, khi đó là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, biết rất rõ về hành động của Cốc Tuấn Sơn. “Lãnh đạo Tổng bộ Hậu cần lần đầu báo cáo lên Hồ Cẩm Đào trong 2 tiếng đồng hồ, đề nghị thuyên chuyển Cốc Tuấn Sơn khỏi Tổng bộ Hậu cần, nhưng Hồ Cẩm Đào không đồng ý. Ông nói, con người như Cốc Tuấn Sơn điều đi đâu thì cũng sẽ gây họa hại. Chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người đã quyết tâm trị Cốc Tuấn Sơn và đưa ông ta ra trước công lý nên mới trừng phạt được”.

Câu chuyện nội bộ thậm chí còn gây sốc hơn qua một bài nói chuyện của Thượng tướng Lưu Á Châu. Sau khi Cốc Tuấn Sơn bị bắt quy án, tại một hội nghị chuyên đề dành cho giáo viên và sinh viên của Đại học Quốc phòng, Lưu Á Châu kể rằng khi Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Từ Tài Hậu về Quân khu Tế Nam giữ chức Chính ủy, Cốc Tuấn Sơn lúc đó là Cục trưởng Cục Sản xuất của Quân khu. "Cốc Tuấn Sơn mang quà biếu đến gặp Từ Tài Hậu nhưng bị từ chối không tiếp. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, Từ Tài Hậu mở cửa và thấy Cốc Tuấn Sơn vẫn đứng ở cửa với món đồ trên nay... Từ Tài Hậu đã đầu hàng trước những cú đánh như bão táp của Cốc Tuấn Sơn".

Thang Sán, nữ ca sĩ quân đội nổi tiếng, một trong số những người đẹp được Cốc Tuấn Sơn dâng cho Từ Tài Hậu (Ảnh: Dwnews).

Thang Sán, nữ ca sĩ quân đội nổi tiếng, một trong số những người đẹp được Cốc Tuấn Sơn dâng cho Từ Tài Hậu (Ảnh: Dwnews).

"Ví dụ, Cốc Tuấn Sơn đã dâng tặng Từ Tài Hậu những nữ ca sĩ hạng sao, nữ diễn viên và nữ nhân viên phục vụ. Điều đó chưa đủ, Ông ta còn mang cả con gái của mình dâng cho Từ Tài Hậu. Điều khiến tôi cảm thấy “kính phục” nhất là khi Từ Tài Hậu đang mây mưa với con gái mình ở phòng trong, Cốc Tuấn Sơn vẫn ngồi đợi ở phòng ngoài được”. Báo chí cho biết thêm, con gái Cốc Tuấn Sơn là Cốc Diễm Lệ khi đó mới bước qua tuổi 20.

Lưu Á Châu nói rằng Cốc Tuấn Sơn có tất cả những đặc điểm xấu xa của nông dân Trung Quốc. Lần cuối Cốc Tuấn Sơn đến cầu cứu Từ Tài Hậu giúp đỡ, Từ Tài Hậu nói: “Anh đã xóa sạch uy tín của tôi trong quân đội”, Cốc Tuấn Sơn hằn học nói: “Ông thì có uy tín gì!" rồi sập cửa bỏ đi.

Phủ tướng quân do Cốc Tuấn Sơn cho xây ở quê Bộc Dương (Ảnh: Dwnews).

Phủ tướng quân do Cốc Tuấn Sơn cho xây ở quê Bộc Dương (Ảnh: Dwnews).

Những hành vi vô luân thường đạo lý như thế đủ cho thấy sự xấu xa của Cốc Tuấn Sơn. Các thông tin công khai sau đó đã chứng minh điều này. Cơ quan kiểm tra kỷ luật đã tìm thấy trong nhà ở quê Cốc Tuấn Sơn cả kho rượu Mao Đài không đếm xuể; Cốc Tuấn Sơn chiếm hàng chục mảnh đất quân đội ở khu vực đất vàng Bắc Kinh; ông ta có hơn 30 căn hộ, mỗi căn 170m2. Ở Thượng Hải một miếng đất quân đội được bán với giá hơn 2 tỷ NDT, trong đó 6% thuộc về chiết khẩu của Cốc Tuấn Sơn. Khi khám nhà Cốc Tuấn Sơn các nhân viên điều tra đã tìm thấy một con tàu bằng vàng với ý nghĩa “thuận buồm xuôi gió”, một chậu rửa bằng vàng là biểu tượng “vàng ngọc đầy bồn”, một tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng, tài sản tham ô chất đầy 4 xe tải ...

Tượng Mao Trạch Đông bằng vàng, quà biếu thu được ở nhà Cốc Tuấn Sơn (Ảnh: sina).

Tượng Mao Trạch Đông bằng vàng, quà biếu thu được ở nhà Cốc Tuấn Sơn (Ảnh: sina).

Việc thăng tiến của Cốc Tuấn Sơn đã thể hiện một cách hoàn hảo sự “thành công” của tệ nạn “đi đường lối cấp trên”.

Theo thông tin công khai, sau khi nhập ngũ năm 1971, Cốc Tuấn Sơn được đưa về Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 16 không quân thuộc Quân khu Thẩm Dương. Do năng lực kém cỏi, nhiều lần xếp loại yếu khi đánh giá đảng viên, và đã bị Trương Long Hải, lúc đó là Phó chính ủy trung đoàn phê bình công khai. Nhưng sau đó Cốc Tuấn Sơn bắt đầu theo đuổi Trương Tố Yến, con gái của Trương Long Hải và hai người nhanh chóng kết hôn.

Năm 1985 trùng hợp với việc giải trừ quân bị, Trương Long Hải, người từng công khai phê bình Cốc Tuấn Sơn, lúc này đã là bố vợ của ông ta. Thông qua mối quan hệ với Quân khu Tế Nam, Trương Long Hải đã chuyển Cốc Tuấn Sơn đến Phân quân khu Bộc Dương, Hà Nam bằng cách biếu quà khắp nơi, Cốc Tuấn Sơn cũng giành được sự ủng hộ của lãnh đạo Phân quân khu.

Bên trong khuôn viên "Tướng quân phủ" được xây dựng theo kiến trúc Cố Cung (Ảnh: Dwnews).

Bên trong khuôn viên "Tướng quân phủ" được xây dựng theo kiến trúc Cố Cung (Ảnh: Dwnews).

Năm 1996, Từ Tài Hậu được điều động từ Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị PLA về làm Chính ủy Quân khu Tế Nam, sau đó xảy ra câu chuyện mà Lưu Á Châu đã kể lại ở phần trên. Bằng kiểu “đi đường lối cấp trên”, Cốc Tuấn Sơn được ràng buộc chắc chắn với Từ Tài Hậu.

Không có gì ngạc nhiên, ít lâu sau, khi Từ Tài Hậu quay trở lại Quân ủy Trung ương, Cốc Tuấn Sơn cũng được kéo về Bắc Kinh và thăng tiến vùn vụt: năm 2001 được bổ nhiệm Cục phó Doanh trại/ Tổng bộ Hậu cần; năm 2003 được phong quân hàm Thiếu tướng; năm 2007 được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Doanh trại Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Văn phòng Cải cách Nhà ở Quân đội; năm 2009 được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần; năm 2011, được thăng quân hàm Trung tướng.

Ngay cả trước khi cuộc điều tra chính thức được tuyên bố, dù biết rằng thời thế của mình đã kết thúc nhưng Cốc Tuấn Sơn vẫn nhiều lần đưa Từ Tài Hậu nhiều khoản hối lộ, tổng cộng hơn 40 triệu NDT. Tuy nhiên, vào thời điểm này Từ Tài Hậu đã khó có thể tự bảo vệ được chính bản thân mình.

Một khu nhà của Cốc Tuấn Sơn (Ảnh: lsgushi).

Một khu nhà của Cốc Tuấn Sơn (Ảnh: lsgushi).

Sau khi bị "song quy", khi ngày càng nhiều vấn đề được đào lên, Cốc Tuấn Sơn cảm thấy không ai có thể bảo vệ được mình như đã hứa, nên bắt đầu khai báo trung thực các vấn đề, trong đó có các lần đưa hối lộ Từ Tài Hậu lên tới hàng triệu USD. Vào giây phút cuối cùng, Cốc Tuấn Sơn, kẻ suốt nhiều năm chỉ dựa vào quà cáp và hối lộ để tiến thân, cuối cùng đã phải đối mặt với sự thất bại của “đường lối cấp trên". Cùng với hậu đài Từ Tài Hậu, ông ta đã trở thành một điển hình cho sự tham nhũng dơ bẩn nhất trong quân đội Trung Quốc.

Cốc Tuấn Sơn sinh 1956, quê Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng Bộ Hậu cần PLA năm 2009, được thăng Trung tướng năm 2011, bị điều tra vì tham nhũng năm 2012. Cốc Tuấn Sơn bị Viện Kiểm sát quân sự khởi tố tháng 3/2014 vì các tội tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ, chiếm dụng tiền công và lạm dụng chức quyền. Ngày 10/8/2015 Cốc Tuấn Sơn bị Tòa án quân sự kết án tử hình, hoãn thi hành 2 năm, tịch thu toàn bộ tài sản, tước quyền lợi chính trị suốt đời, tước quân hàm Trung tướng.

(Còn tiếp)