Những thước phim bí mật quốc gia về giây phút cuối đời của Hồ Chủ tịch được quay như thế nào?

VietTimes  – Khi tôi gọi điện đề nghị ông kể lại chuyện ông đã quay những thước phim bí mật quốc gia về giây phút cuối đời của Hồ Chủ tịch như thế nào, lúc đó tuy đã hơn 30 năm trôi qua, nhà quay phim Trần Anh Trà vẫn từ chối: “Chuyện bí mật đó kể sao được?” Tôi phải thuyết phục rất nhiều, sau mấy ngày suy nghĩ, ông mới đồng ý.  
Các đồng chí trong Bộ Chính trị bên giường bệnh của Hồ Chủ tịch

Bí mật được đánh thức

 Một ngày không đẹp trời, đang ở tòa soạn thì tôi nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Giọng phụ nữ miền Nam nhẹ như gió thoảng, tự giới thiệu chị là Lan, con gái nhà quay phim Trần Anh Trà. Rồi bất ngờ chị nghẹn ngào báo tin ba chị mới mất.

Sau khi ông ra đi, gia đình tìm thấy trong di vật của ông để lại, có một gói nhỏ cất riêng tờ báo của tôi viết về ký ức ông quay phim những ngày cuối đời của Hồ Chủ tịch, cùng những bức thư trao đổi của tôi với ông, có ghi cả số máy, nên chị gọi để báo tin buồn cùng tôi.

Tôi thấy tim mình đau thắt mặc dầu chưa một lần gặp ông, nhưng qua những cuộc trao đổi thư từ và điện thoại, tôi cảm nhận được sự gần gũi và đáng kính ở ông.

Thật cảm động khi ông đã lưu giữ cẩn trọng bài báo nhỏ, cùng những bức thư của tôi trò chuyện về quá khứ của ông – một quá khứ rất đáng tự hào. 

Hồi đó, tôi phải nhờ rất nhiều nhà điện ảnh mới biết được chính xác 2 người đã quay những thước phim cuối đời của Hồ Chủ tịch vốn là bí mật quốc gia, là ông Trần Anh Trà (một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc) và ông Nguyễn Thanh Xuân (một người họ hàng của Hồ Chủ tịch), đều công tác ở Xưởng phim Quân đội. Cũng phải hỏi rất nhiều người, tôi mới có được số máy của ông Trà. 

Mang theo những bí mật quốc gia, nhà quay phim Trần Anh Trà lặng lẽ sống cho đến cuối đời, tại 333-14/7, Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Rất ít người biết câu chuyện của ông, nên tôi là nhà báo hiếm hoi đã may mắn được chính ông kể cho nghe câu chuyện về những ngày đã trở thành một phần của lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bên giường bệnh Hồ Chủ tịch

Gần một tháng trong Phủ Chủ tịch vào mùa thu năm 1969, ông và ông Nguyễn Thanh Xuân đã ghi lại chi tiết những giây phút cuối đời của Hồ Chủ tịch trong 900 mét phim nhựa -  một tài liệu tuyệt mật của quốc gia.

Mãi đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, một phần nhỏ trong 900 thước phim này mới được công bố trong bộ phim tài liệu “Những giây phút cuối đời Bác Hồ”, do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh duyệt.

Khi nhà quay phim Trần Anh Trà đồng ý công bố những bí mật mà lẽ ra ông phải “sống để dạ, chết mang theo”, tôi và ông đã trao đổi rất nhiều. Ông cũng đồng ý gửi cho tôi bức ảnh (giấy) chụp ông đang quay phim ở Phủ Chủ tịch.

Lúc đó, điện thoại còn hiếm hoi, nên việc trao đổi giữa tôi với ông chủ yếu qua thư viết tay và mất khá nhiều thời gian mới hoàn thành bài viết mà cả tôi và ông đều hài lòng.

Thời khắc lịch sử

Trong những bức thư mà nhà quay phim Trần Anh Trà kể lại với tôi, thì vào đầu tháng 8/1969, khi vừa được điều ở chiến trường B ra, ông và nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân cùng Chủ nhiệm phim Thanh Vân của Xưởng phim Quân đội nhận lệnh vào Phủ Chủ tịch làm nhiệm vụ đặc biệt.

Nhóm quay phim được bố trí ở tầng dưới của Phủ Chủ tịch và yêu cầu không được tiếp xúc với ai. Ngay lúc bước chân vào, các ông đã được Đại tá Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục bảo vệ - khi đó, căn dặn là “làm nhiệm vụ đặc biệt và những gì thấy phải “sống để bụng, chết mang theo”.

Nhưng suốt gần một tháng, nhóm quay phim chỉ được quay một số cảnh Bộ Chính trị túc trực ngoài nhà H67, hay họp ở nhà sàn, chưa được quay về Bác.

(Điều này có lý do. Một lần, tôi trao đổi với ông Phạm Quốc Vinh -  người đã đạo diễn bộ phim tài liệu “Những giây phút cuối đời Bác Hồ” của Xưởng phim Quân đội - được nghe ông kể lại, rằng khi ông Vũ Kỳ làm cố vấn cho phim “Những giây phút cuối đời Bác Hồ”, ông Kỳ cho ông Vinh biết, khi đó, Hồ Chủ tịch dặn không được quay phim, chụp ảnh. Có thể vì Bác không muốn để lại những hình ảnh đau buồn. Giống như khi viếng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phát hiện có máy quay phim, Bác ra hiệu dừng lại. Lúc Hồ Chủ tịch đang nghẹn ngào cúi nhìn linh cữu lần cuối, lại nghe tiếng máy quay, Bác ngước lên và đập tay xuống, ra hiệu không được quay.)

Nhà quay phim Trần Anh Trà đang quay cảnh nhà sàn Bác Hồ 9/1969 (ảnh NVCC)

Nhưng rồi, một sáng cuối tháng 8/1969, đích thân ông Lê Văn Lương đến báo nhóm quay phim đi làm nhiệm vụ. Các nhà quay phim lập tức có mặt tại cuộc hội chẩn của các bác sĩ Việt Nam (vì còn có đoàn bác sĩ của Liên Xô và Trung Quốc), để quay.

Cuộc hội chẩn có rất ít ý kiến, hoặc có trao đổi thì bằng tiếng Pháp, nên ông Trà không thể biết được nội dung. Tuy nhiên, gương mặt của các bác sĩ đầy vẻ căng thẳng, lo âu, nên ông đoán là bệnh tình của Bác Hồ không được tốt.

“Sáng 2/9/1969, chúng tôi mới được vào chỗ Bác. Đã thấy đồng chí Vũ Kỳ ngồi bên giường, tay cầm miếng bông nhỏ, đưa qua đưa lại trên mũi Bác, như muốn tìm lại hơi ấm của Người… Xung quanh là các đồng chí Lê Văn Lương, Song Hào, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn và một số người nữa mà do bối rối nên tôi không rõ mặt. Tôi bắc ghế đứng cao lên để quay khỏi vướng đầu người phía trước thì Đại tá Kinh Chi cản lại để giữ trật tự. Tôi nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầu cứu, ông nhìn tôi không nói gì nên tôi tiếp tục quay.” - Nhà quay phim Trần Anh Trà kể lại.

Cả 2 nhà quay phim Trần Anh Trà và Nguyễn Thanh Xuân đều hiểu rất rõ rằng nhận nhiệm vụ quay phim vào thời khắc này là vinh dự nhưng cũng là trọng trách với lịch sử, bởi mỗi thước phim sẽ là tư liệu vô cùng quan trọng với cả dân tộc. Vì thế, cả 2 người đều hết sức cẩn trọng trong từng giây bấm máy...

Chứng kiến cảnh các nhà lãnh đạo “như con trẻ bỗng òa bưng mặt khóc” trong phút lâm chung của Hồ Chủ tịch, nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân đã nghẹn ngào đến mức không thể ghi được cảnh chi tiết, đành phải mở ống kính góc rộng để thu hết những hình ảnh thương đau đang diễn ra trong căn phòng…

Ông đã ghi được những khoảnh khắc lịch sử: Bàn tay của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sờ mãi lên trán, lên ngực Bác như không tin rằng Bác đã ra đi, rồi cùng nức nở.

Ông còn ghi được cảnh một mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng lặng bên thi hài Bác, nước mắt tuôn trào. Đây là lúc sau khi mặc niệm, mọi người ra ngoài hết, Đại tướng bỗng quay lại, đau đớn nhìn mãi gương mặt Hồ Chủ tịch…

Những ngày Bác ốm, mặc dù Bộ Chính trị đã cử 3 đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương và Trần Quốc Hoàn đặc trách việc săn sóc Bác, nhưng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh vẫn hàng ngày có mặt bên giường bệnh. Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày nào cũng đều đặn vào với Bác cả sáng, trưa, chiều, tối.

Nhưng khi dựng bộ phim “Những giây phút cuối đời Bác Hồ”, cả 2 đoạn phim trên đều không được đưa vào.

Đúng 10h sáng 2/9/1969, tức là sau khi Hồ Chủ tịch ra đi 13 phút, thi hài Bác được đưa đi trên chiếc xe cứu thương mang biển số FA 1460 đến Viện Quân y 108, để các chuyên gia Liên Xô xử lý y tế. Lúc này, chỉ có nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân đi theo ghi lại công việc của các chuyên gia Liên Xô. Nhưng cho đến nay, các thước phim này cũng chưa được công bố.

Giải mật

Ông Trần Anh Trà cho biết, ông chưa một lần được xem lại những thước phim với những hình ảnh “độc nhất vô nhị ấy”, bởi quay xong cuốn nào phải giao ngay cuốn đó. Quá trình in tráng 3 cuốn phim đều được bảo mật rất chặt chẽ.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chúc mừng đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã hoàn thành bộ phim “Những giây phút cuối đời Bác Hồ” (ảnh: Đạo diễn Phạm Quốc Vinh cung cấp)

Những thước phim tuyệt mật dài 900m nằm trong kho tư liệu suốt 20 năm. Đến năm 1989, ông Vũ Kỳ bàn bạc với Xưởng phim Quân đội dựng một bộ phim giới thiệu một số tư liệu về những phút cuối cùng của Bác. Lúc này, 3 cuốn phim mới được lấy ra và trao cho đạo diễn Phạm Quốc Vinh nghiên cứu, để đạo diễn và biên tập thành bộ phim “Những giây phút cuối đời Bác Hồ”.

Trong quá trình làm phim, đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa cho một cuốn sổ nhỏ, do đích thân ông ghi rõ diễn biến từng ngày của Hồ Chủ tịch những ngày cuối cùng:

“ -  Từ 24/8 trở đi, Bác mệt nặng…

    - 26/8: Hàng ngày, Bác vẫn hỏi: hôm nay miền Nam đánh thắng đâu?

   - 28/8: Buổi chiều, Bác hỏi việc chuẩn bị Quốc khánh 2-9 và dặn đồng chí Phạm Văn Đồng tổ chức lễ kỷ niệm cho thật vui, thật tốt. Tối có bắn pháo hoa!”

Khao khát cuối cùng của Hồ Chủ tịch là được gặp mặt đồng bào trong ngày Quốc khánh 2/9 năm ấy, nhưng mong ước cháy lòng ấy đã không thực hiện được, bởi Người ra đi đúng vào ngày Người đã bắt đầu!