Các nhà khoa học Nga đã tham gia gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch mong muốn hợp tác với Đại học Y Hà Nội ở lĩnh vực nào?

VietTimes  – “Trong nhiệm vụ thiêng liêng gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch suốt nửa thế kỷ qua, đa phần các chuyên gia Việt Nam làm việc với các chuyên gia Nga đều học ở Đại học Y Hà Nội. Trường Đại học Y Hà Nội cũng là nơi có nhiều tiềm năng về nghiên cứu khoa học, nên mong muốn được mở rộng hợp tác cùng các nhà khoa học Nga, để phát huy hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển ngành y tế, phục vụ nhân dân”.
Các nhà khoa học tên tuổi của Nga và lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội, đại diện Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các nhà khoa học tên tuổi của Nga và lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội, đại diện Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đó là chia sẻ của GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trong buổi làm việc với các nhà khoa học lớn của Nga đã tham gia gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào chiều 30/8.

Theo GS.TS. Tạ Thành Văn, trong dịp 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch, tên tuổi các nhà khoa học Nga thêm một lần được báo chí Việt Nam nhắc đến với tình cảm sâu nặng, vì đã gắn với công việc gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch suốt nửa thế kỷ qua. Vì thế, Trường Đại học Y Hà Nội rất vinh dự khi được làm việc với các nhà khoa học tên tuổi của Nga và mong muốn được hợp tác, phát triển trong lĩnh vực dược liệu và y học cổ truyền (YHCT).

Viện sĩ Sidelnikov Nikolai Ivanovich - Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam
Viện sĩ Sidelnikov Nikolai Ivanovich - Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam

“Việt Nam có truyền thống y học phương Đông lâu đời cùng kho dược liệu quý phong phú. Trường Đại học Y Hà Nội có Trung tâm Dược lý học và Khoa YHCT với nhiều nghiên cứu có giá trị, nên chúng tôi mong muốn được kết nối với Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga, để phát triển lĩnh vực này”- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội  - bày tỏ vinh dự khi được kết nối với các nhà khoa học tên tuổi của Nga
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - bày tỏ vinh dự khi được kết nối với các nhà khoa học tên tuổi của Nga

Trong buổi làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội, có Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga Sidelnikov Nikolai Ivanovich - Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga và GS.TS. Matveychuk Igor Vasilievich -  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva thuộc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga

Đại tá, TS. Bùi Hải Sơn - Tư lệnh BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý (BQL) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - đánh giá cao việc GS.TS. Tạ Thành Văn đã có hơn 10 năm đồng hành cùng nhiệm vụ gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là thành viên Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành viên Hội đồng Khoa học y tế kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tá, TS. Bùi Hải Sơn - Tư lệnh BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tá, TS. Bùi Hải Sơn - Tư lệnh BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Đại tá, TS. Bùi Hải Sơn, đây là năm đầu tiên có sự tiếp xúc giữa Hội đồng với các chuyên gia bên ngoài, trước nhu cầu thực tế và yêu cầu đổi mới thông tin. Cuộc gặp hôm nay cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là mở rộng sự hỗ trợ, hợp tác với các nhà khoa học. Nếu có sự hợp tác của các nhà khoa học của Trường Đại học Y Hà Nội với Viện 69 (BTL Bảo vệ Lăng), sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh cho cả 2 bên. Cuộc gặp hôm nay là dịp để các chuyên gia của Viện 69 và Trường mở rộng quan hệ với các chương trình hợp tác nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế.

Viện sĩ Sidelnikov Nikolai Ivanovich và GS.TS. Tạ Thành Văn trao đổi về sự hợp tác cùng phát triển
Viện sĩ Sidelnikov Nikolai Ivanovich và GS.TS. Tạ Thành Văn trao đổi về sự hợp tác cùng phát triển

Viện sĩ Sidelnikov Nikolai Ivanovich - Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga – chia sẻ: Tôi và GS.TS. Tạ Thành Văn đã làm việc cùng nhau nhiều năm, cùng trong Hội đồng Khoa học y tế kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo kết quả với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng nghiên cứu để gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch chỉ là một trong các nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga. Viện còn trồng, chiết suất các loại thảo dược để lấy tinh dầu, có cả các loại cây nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trước đây, Viện đã từng hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam, nhưng việc này đã ngừng từ khi Liên Xô sụp đổ. Giờ đây, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam ở Trường Đại học Y Hà Nội ở mức cao hơn.

Các nhà khoa học Nga
Các nhà khoa học Nga lắng nghe trao đổi về YHCT của Trường Đại học Y Hà Nội

Viện sĩ Sidelnikov Nikolai Ivanovich cũng cho biết, Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva đã hợp tác với Việt Nam 50 năm để gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch và tới đây, với sự đồng ý của Thủ tướng, sẽ tiếp tục hợp tác với công nghệ ngày càng hiện đại.  Để gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch tốt nhất theo nhiệm vụ được giao, cần có sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong y tế giữa các nhà khoa học Nga và Việt Nam.

Các nhà khoa học Nga thăm Khoa YHCT của Trường Đại học Y Hà Nội
Các nhà khoa học Nga thăm Khoa YHCT của Trường Đại học Y Hà Nội

PGS.TS. Trần Sinh Vương – Trưởng Bộ môn giải phẫu của Trường – mong muốn được các nhà khoa học Nga hợp tác và cho phép sử dụng phương pháp ướp xác của Nga, để phục vụ giảng dạy, vì việc ướp xác theo phương pháp trước đây đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Kết thúc buổi làm việc, các chuyên gia Nga và lãnh đạo BTL Bảo vệ Lăng và Viện 69 đã thăm Khoa YHCT và Bộ môn giải phẫu của Trường Đại học Y Hà Nội, mở đầu cho sự hợp tác về khoa học trong tương lai.