Những thói quen tai hại khiến ôtô nhanh bị hỏng

Theo các chuyên gia kỹ thuật xe hơi, độ bền bỉ của ôtô phụ thuộc lớn vào quá trình vận hành của người điều khiển. Bên cạnh đó, những thói quen tưởng chừng như vô hại của tài xế lại khiến cho các bộ phận trên xe nhanh chóng bị xuống cấp.
Độ bền bỉ của ôtô phụ thuộc lớn vào quá trình vận hành của người lái. Ảnh ST.
Độ bền bỉ của ôtô phụ thuộc lớn vào quá trình vận hành của người lái. Ảnh ST.

Chuyển số về P trước khi kéo phanh tay

Một số tài xế thường có thói quen về số P trước khi kéo phanh tay, tuy nhiên việc này sẽ khiến hộp số bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trong khi xe đang chở nặng hoặc đang đỗ ở vị trí không bằng phẳng.

Theo các chuyên gia, tài xế nên đạp phanh chân cho xe dừng hẳn rồi mới chuyển về số N, tiếp theo kéo phanh tay, sau đó mới chuyển về số P để đảm bảo an toàn và không làm hư hại hộp số. 

Không kéo phanh tay khi đỗ xe

Theo thói quen, nhiều tài xế thường chủ quan chuyển số về P nhưng không kéo phanh tay khi dừng đỗ. Lúc này, các chi tiết trong hộp số đang phải chịu lực rất lớn từ trọng lượng xe, do đó có thể xảy ra tình trạng kẹt nhẹ cơ cấu chuyển số hoặc gãy chốt hãm. 

Vì vậy, các bác tài cần chú ý kéo phanh tay khi dừng đỗ để đảm bảo độ bền của động cơ.

Chuyển từ số R sang số D khi xe chưa dừng hẳn

Khi lùi xe quay đầu ở khu vực chật hẹp hoặc đông đúc, nhiều tài xế thường vội vàng chuyển sang số D trong lúc xe chưa dừng hẳn. Tuy nhiên, thói quen này sẽ làm cho các bánh răng số bị phá vỡ do mô men xoắn bị đảo chiều đột ngột gây hư hỏng nghiêm trọng trong hộp số.

Liên tục nhấn ga khi chưa nóng máy

Một số lái xe thường có thói quen nhấn chân ga ngay sau khi khởi động, điều này có thể làm ảnh hưởng đến động cơ bởi dầu máy chưa kịp bôi trơn hết các chi tiết. Đồng thời, khiến các bánh răng trong động cơ nhanh chóng bị hao mòn. 

Rà phanh khi xe xuống dốc

Trong quá trình xuống dốc, nếu tài xế liên tục rà phanh sẽ làm nóng dầu phanh bên trong bình chứa. Bên cạnh đó, do má phanh phải chịu lực ma sát lớn nên dễ gây hiện tượng cháy phanh và mất lái.

Theo kinh nghiệm của một số bác tài, trong khi đổ đèo thì nên chuyển về các cấp số thấp để tận dụng lực hãm của động cơ và hạn chế rà chân phanh. Hiện nay, nhiều ô tô số tự động cũng đã được trang bị chế độ chuyển số tay, giúp lái xe chủ động điều chỉnh các cấp số. 

Thường xuyên để bình nhiên liệu cạn

Bình chứa nhiên liệu được làm bằng kim loại nên rất dễ bị đóng cặn khi ở mức thấp. Vì vậy, nếu tài xế thường xuyên có thói quen để cạn bình nhiên liệu sẽ khiến bộ phận bơm xăng bị tắc nghẽn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ôtô bỗng nhiên chết máy khi lưu thông hoặc không khởi động được.

Chủ quan với đèn cảnh báo

Đa số các mẫu xe ôtô đều có chế độ thông báo lỗi hiển thị trên màn hình, đối với những chiếc xe cao cấp thì chế độ hiển thị càng chi tiết hơn. Vậy nhưng, một số bác tài thường chủ quan khi đèn cảnh báo phát sáng. Điều này, khiến hư hỏng ngày càng nặng nề và mất thêm nhiều chi phí cho việc sửa chữa phương tiện.

Theo Lao Động

https://laodong.vn/xe/nhung-thoi-quen-tai-hai-khien-oto-nhanh-bi-hong-768865.ldo