|
Giá cổ phiếu của Raytheon tăng mạnh kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu (Ảnh: AP) |
Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động ở Ukraine đang gây ra nhiều quan ngại, và một trong số đó là quan ngại về một cuộc Thế chiến mới. Nhưng vấn đề ít được bàn luận hơn chính là lượng vũ khí trị giá gần nửa nghìn tỉ USD vũ khí mà ngành công nghiệp quốc phòng đang bơm cho cả hai phe, và khoản lợi nhuận từ đó.
Cuộc xung đột ở Ukraine hiện đang được xem là nguyên nhân khiến cho các khoản chi tiêu quốc phòng tăng mạnh. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố rằng họ sẽ mua và phân phối lượng vũ khí trị giá 450 triệu Euro cho Ukraine, trong khi Mỹ cam kết chi 350 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, ngoài ra còn 90 tấn trang thiết bị quốc phòng và 650 triệu USD viện trợ quân sự đã gửi cho Kiev trong năm ngoái.
Tính tổng cộng, Mỹ và NATO sẽ gửi khoảng 17.000 vũ khí chống tăng và 2.000 tên lửa chống không Stinger cho Ukraine. Một liên minh quốc tế gồm nhiều quốc gia cũng đã sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm Anh, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.
Đây được xem là cơ hội lớn dành cho các nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới. Ví dụ điển hình là, hãng Raytheon chế tạo tên lửa Stinger, và hợp tác với hãng Lockheed Martin để chế tạo tên lửa chống tăng Javelin. Hai loại tên lửa này đều đang được các nước như Mỹ và Estonia cung cấp cho Ukraine.
Giá cổ phiếu của Lockheed Martin và Raytheon tăng khoảng 16% và 3% (theo thứ tự) kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 1%. BAE Systems, hãng chế tạo vũ khí lớn nhất ở Anh và châu Âu, có giá cổ phiếu tăng tới 26%. Xét về doanh thu, trong số 5 nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới, chỉ có Boeing là có giá cổ phiếu giảm, do ngành hàng không bị ảnh hưởng và một số nguyên nhân khác.
|
Giá cổ phiếu của các hãng cổ phiếu tăng mạnh, trong khi chỉ số S&P 500 giảm. Màu cam: Lockheed Martin, Lục lam: Boeing, Vàng: Raytheon, Chàm: BAE Systems, Tím: Northrop Grumman, Xanh: S&P 500 (Ảnh: Asia Times) |
Cơ hội gõ cửa
Trước khi xung đột Ukraine xảy ra, các công ty vũ khí hàng đầu của phương Tây đã nói với các nhà đầu tư về khả năng lợi nhuận tăng mạnh. Gregory J Hayes, Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ, vào ngày 25/1 năm nay tuyên bố như sau:
“Chúng ta chỉ cần nhìn vào diễn biến trong tuần trước, khi vụ tấn công bằng drone ở UAE xảy ra…Và đương nhiên, căng thẳng ở Đông Âu, căng thẳng trên Biển Đông, tất cả những thứ đó đều gây sức ép về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Bởi vậy tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng chúng ta sẽ kiếm được chút ít lợi nhuận từ đó.”
Thậm chí vào thời điểm đó, ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu đã được dự báo sẽ tăng 7% trong năm 2022. Theo như lý giải của Richard Aboulafia – Giám đốc quản lý hãng tư vấn quốc phòng Mỹ AeroDynamic Advisory – thì rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư là “toàn bộ sự việc này là kế hoạch bấp bênh của Nga và sau đó mối đe dọa tiêu tan”, khiến các hãng không bán được vũ khí nữa.
Trong lúc chưa có dấu hiệu cuộc xung đột xảy ra, các công ty quốc phòng đã hưởng lợi theo nhiều cách. Ngoài việc trực tiếp bán vũ khí cho các bên đang lo ngại và cung cấp hàng cho các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine, họ còn nhận thấy nhu cầu vũ khí tăng ở các nước khác như Đức và Đan Mạch – những nước tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng.
Nhìn vào tổng thể ngành công nghiệp này, Mỹ dễ dàng là nước dẫn đầu, với 37% tổng thương vụ vũ khí của thế giới trong giai đoạn 2016-2020. Tiếp đến là Nga với 20%, Pháp với 8%, Đức với 6% và Trung Quốc với 5%.
Ngoài 5 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, còn nhiều bên hưởng lợi ích từ cuộc chiến ở Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp cảnh báo của Nga và khẳng định sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó bao gồm các loại drone công nghệ cao – mang lại món hời lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này, vốn cung cấp cho thị trường thế giới chỉ khoảng 1%.
Tại Israel – quốc gia chiến khoảng 3% tổng lượng vũ khí trên thị trường toàn cầu – một trong số những tờ báo của họ mới đây đăng tài bài viết nói rằng: “Bên chiến thắng sớm trong cuộc chiến của Nga: Ngành công nghiệp Quốc phòng Israel.”
Còn đối với Nga, họ vốn đã xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của mình như một cách phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2014. Chính phủ Nga đã đưa ra một chương trình nhập khẩu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào các loại vũ khí nước ngoài, đồng thời tăng cường xuất khẩu vũ khí. Cũng có một vài trường hợp Nga nhập từ nước ngoài, như từ Anh với trị giá 3,7 triệu Bảng, nhưng đã kết thúc từ năm 2021.
Là nhà xuất khẩu vũ khí đứng thứ 2 thế giới, Nga hướng tới hàng loạt khách hàng quốc tế. Xuất khẩu vũ khí của họ đã giảm 22% trong giai đoạn 2016-2020, nhưng điều này chủ yếu là do doanh số bán cho Ấn Độ giảm 53%. Cùng giai đoạn đó, Nga tăng cường bán vũ khí cho nhiều quốc gia như Trung Quốc, Algeria và Ai Cập.
Theo một bản báo cáo ngân sách Quốc hội Mỹ: “Vũ khí Nga có thể có giá rẻ hơn, dễ sử dụng hơn và dễ bảo dưỡng hơn so với các hệ thống của phương Tây”. Những công ty quốc phòng lớn nhất của Nga bao gồm nhà sản xuất tên lửa Almaz-Antey (khối lượng bán đạt 6,6 tỉ USD), Tập đoàn Máy bay Thống nhất (4,6 tỉ USD) và Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (4,5 tỉ USD).
|
Binh sĩ Ukraine sử dụng ống phóng tên lửa Javelin do Mỹ cung cấp (Ảnh: BQP Ukraine) |
Động lực tài chính to lớn
Theo tình hình chiến sự căng thẳng như hiện nay, Ukraine khó có thể “phi quân sự hóa” khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nhiều nỗ lực giảm căng thẳng tình hình, ví dụ như NATO công khai bác bỏ đề xuất lập vùng cấm bay của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhưng những nỗ lực này lại bị làm hỏng bởi những động lực tài chính to lớn, cụ thể là lợi nhuận mà việc buôn bán vũ khí đem lại.
Một điểm chung mà cả Nga và phương Tây đều chia sẻ là sở hữu một tổ hợp công nghiệp quốc phòng đồ sộ. Họ đều dựa vào và bị ảnh hưởng bởi ngành công nghiệp chế tạo vũ khí khổng lồ đó. Điều này càng được củng cố bởi sự xuất hiện của những khả năng tấn công công nghệ cao mới, từ các loại drone cho tới những hệ thống vũ khí tự động được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Nếu như mục đích cuối cùng của họ là giảm thang căng thẳng và hòa bình bền vững, họ sẽ cần phải dập được nguyên nhân gốc rễ về kinh tế đã gây ra căng thẳng quân sự. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói rằng Mỹ sẽ trực tiếp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến nó khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô, gây khó khăn cho việc bán vũ khí ra thị trường quốc tế của Nga.
Và khi ông Biden nói như vậy, bình luận của ông có thể tạo ra một cơ hội mới cho các nhà thầu phương Tây. Bởi cấm công nghiệp quốc phòng Nga sẽ tạo ra khoảng trống tạm thời để các công ty của Mỹ và châu Âu giành thêm lợi thế cạnh tranh, cuối cùng là càng làm tăng nhiệt cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu, tạo thêm động lực tài chính cho các cuộc xung đột mới.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, sau cuộc chiến ở Ukraine, thế giới nên tìm ra những cách để hạn chế sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ngành công nghiệp quốc phòng. Nỗ lực đó có thể bao gồm các thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế bán một số loại vũ khí cụ thể, sự ủng hộ đa phương đối với các nước cam kết giảm ngành công nghiệp quốc phòng của họ, và trừng phạt các công ty vũ khí vận động hành lang để tăng chi tiêu quốc phòng.