Những ngân hàng “gia đình trị”

Việc nắm tỷ lệ cổ phần lớn chi phối trong ngân hàng nhằm tập trung quyền lực và điều phối hoạt động ngân hàng một cách thống nhất. Tuy nhiên, đây cũng là một cái bẫy nếu ông chủ quá lạm quyền.
Những ngân hàng “gia đình trị”

ACB

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang là ngân hàng có nhiều thành viên gia đình tham gia trong khối ngân hàng với sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng sau sự cố Bầu Kiên, chấn động ngành ngân hàng tháng 8/2012.

Tính đến 30/7/2015, tỷ lệ sở hữu cổ phần của 5 thành viên chủ chốt của gia đình ông Trần Mộng Hùng, thành viên Hội đồng quản trị khoảng 78,35 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 8,36% vốn điều lệ.Tỷ lệ này giữ nguyên so với số liệu trong Báo cáo thường niên năm 2014 của ACB.

Tính theo giá thị trường mức 20.400 đồng/cổ phiếu, số cổ phiếu ACB này có giá trị gần 1.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi tính thêm những người có liên quan của ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy, tổng sở hữu của gia đình vị Chủ tịch và các bên liên quan là 103,3 triệu cổ phần, tương đương 11,02%.

Tỷ lệ này cũng giảm so với mức 11,03% thời điểm cuối năm 2014.

  

OCB

Một trong những ngân hàng “gia đình trị” là ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khi gia đình ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB đang nắm giữ gần 15,86% cổ phần, riêng cá nhân ông Tuấn nắm giữ 4,08% cổ phần.

Hiện Tổng công ty Bến Thành và Vietcombank đang là các cổ đông tổ chức lớn trong nước của OCB.

Cổ đông chiến lược là ngân hàng BNP Paribas (BNPP) đang nắm tỷ lệ tối đa 20% đối với cổ đông nước ngoài.

Techcombank

Tại ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), một ngân hàng cổ phần có tiếng tại miền Bắc, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2014, các cá nhân nằm trong Hội đồng Quản trị và các bên liên quan đang nắm tỷ lệ cổ phần chi phối tại ngân hàng này với tổng tỷ lệ là 19,01%.

Nếu tính cả tỷ lệ của CTCP Tập đoàn Massan thì tỷ lệ này lên tới 38,58%.

Tính riêng gia đình Chủ tịch Techcombank là Hồ Hùng Anh đang nắm 5,47%, tương đương 48,6 triệu cổ phần. Đối với cá nhân ông Hồ Hùng Anh sở hữu trên 11,9 triệu cổ phần Techcombank, chiếm tỷ lệ 1,34% vốn điều lệ.

Tiếp đến là gia đình ông Nguyễn Thiều Quang, Phó Chủ tịch HĐQT nắm trên 27,3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 3,08% vốn điều lệ.

Gia đình ông Nguyễn Đăng Quang, Thành viên HĐQT cũng nắm tổng cộng gần 9,8 triệu cổ phần, tương đương 1,1% vốn điều lệ Techcombank.

Ông Nguyễn Cảnh Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT và các bên liên quan cũng sở hữu lượng lớn trên 83,1 triệu cổ phần, tương đương 9,36% vốn điều lệ.

Hiện CTCP Tập đoàn Masan (Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT và ông Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch) là cổ đông tổ chức lớn nhất tại Techcombank với tỷ lệ nắm giữ 19,57% cồ phần.

  

NamABank

Mặc dù đã lui về "hậu trường", nhưng sự ảnh hưởng của bà Trần Thị Hường với ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) vẫn rất lớn. Theo cơ cấu cổ đông sở hữu cổ phần NamABank thì gia đình bà Hường đang chiếm tỷ lệ 12,3% vốn điều lệ ngân hàng này.

Ông Nguyễn Quốc Toàn dù đã không còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị NamABank nhưng vẫn nắm giữ khoảng 5% cổ phần NamABank.

  

Gia đình ông Trầm Bê không còn “sở hữu” Sacombank

Nếu ông Trầm Bê không ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang toàn bộ cổ phiếu sở hữu của mình cho Ngân hàng Nhà nước tại hai ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), gia đình ông Trầm Bê là một đại gia ngân hàng lớn khi có cổ phần cùng lúc tại 02 ngân hàng này.

Trước ngày 1/10/2015 khi chính thức sáp nhập 2 ngân hàng này, tỷ lệ sở hữu vốn của ông Trầm Bê tại ngân hàng khá lớn.

Tại Southern Bank tính đến 30/6/2014, Phó Chủ tịch HĐQT ông Trầm Trọng Ngân nắm tỷ lệ cổ phần chi phối tới 20,14% (trong đó có đại diện vốn cho ông Trầm Bê là 8,36% và ông Trầm Khải Hòa là 7,36%).

Tại Sacombank, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 6,7% vốn điều lệ với hơn 84 triệu cổ phiếu, khoảng gần 1.200  tỷ đồng theo thị giá STB là 14.300 đồng/cổ phần.

Áp lực thoái vốn

Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ; tổng số cổ phần của các cổ đông cá nhân và người có liên quan cũng không được vượt 20% vốn của một ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 7/2015, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn còn 5 ngân hàng thương mại có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, 5 đơn vị có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.

Theo một chuyên gia ngân hàng, mặc dù mỗi cá nhân chỉ được sở hữu không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng, nhưng những cá nhân và bên liên quan mới là điều đáng lo ngại khi tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng vượt quy định. Cần phải giảm tỷ lệ này xuống để việc quản trị ngân hàng được minh bạch và giảm rủi ro cho ngân hàng.

Theo Bizlive