Nợ xấu dưới 3%
Tại tham luận gửi tới hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do báo BizLIVE tổ chức vào ngày 23/10, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tỷ lệ nợ xấu đến 8/2015 chỉ còn 3,21%, ước tính đến ngày 30/9/2015, tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 3%.
Nợ xấu tại Việt Nam được xử lý theo phương thức đặc thù, chủ yếu bằng chính sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết.
Cũng theo số liệu mà Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đưa ra đến cuối tháng 8/2015, 91,2% nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, theo ông Phước, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, lãi suất cho vay liên ngân hàng thấp và ổn định quanh mức 5%/năm. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ mức 83% vào cuối năm 2011 xuống mức ổn định khoảng 79% vào cuối tháng 9/2015.
Một trong những biện pháp cơ bản của tái cơ cấu là sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Cho đến nay đã đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác; 4 tổ chức tín dụng được mua lại.
Các trường hợp vi phạm về sở hữu chéo cũng được tích cực chỉ đạo xử lý. Chẳng hạn các trường hợp tại ngân hàng TMCP Nam Việt, Phương Tây, Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Phương Nam, Sacombank, Eximbank, Đông Á,....
Theo thống kê của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay. Các tổ chức tín dụng còn vi phạm về sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật đều đã có phương án xử lý để thực hiện đúng quy định của pháp luật chậm nhất đến tháng 2/2016.
Đến cuối tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ an toàn vốn 13,32% cao hơn nhiều so với mức tối thiểu theo quy định là 9%.
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng nhấn mạnh, quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước, kể cả đối với việc mua lại các ngân hàng yếu kém, do đó không làm gia tăng chi ngân sách nhà nước.
Giải pháp nào cho tái cơ cấu?
Hiện nay có 17 ngân hàng thương mại cổ phần có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, trong đó 9 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài.
Theo số liệu tham luận Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đưa ra, đến tháng 8/2015, vốn điều lệ của các đơn vị này liên tục tăng lên và đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với năm 2011, vốn chủ sở hữu đạt trên 500.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2011.
Việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I/2015 không còn tồn tại cả số liệu nợ xấu theo báo cáo của tổ chức tín dụng và theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nợ xấu minh bạch hơn.
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng kiến nghị 5 giải pháp cho quá trình tiếp theo của tái cơ cấu: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tiếp tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại; đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các ngân hàng thương mại nhà nước với vai trò là lực lượng chủ đạo; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại; hoàn thiện mô hình VAMC, đồng thời tăng cường năng lực và nguồn lực cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu.
Theo Bizlive