Theo đó, ông Nguyễn Vạn Lý và ông Hà Tôn Trung Hạnh sẽ không còn đại diện cho phần vốn của Sacombank mà Eximbank nắm giữ. Phần vốn này chiếm tỷ lệ 9,73% trước khi Sacombank nhận bàn giao Ngân hàng TMCP Phương Nam và tương đương 6,4% sau khi sáp nhập.
Nhà nước nắm giữ hơn 51% cổ phần Sacombank
Tháng 3 năm ngoái, Eximbank đã rút ông Phạm Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sacombank, và đến ngày 23-10-2014 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấp thuận đề nghị của Eximbank bổ nhiệm ông Phú làm Tổng giám đốc Eximbank trong thời hạn một năm.
Đến nay ông Phú đã hết thời hạn được bổ nhiệm, nhưng chưa thấy NHNN có văn bản bổ nhiệm tiếp theo.
Với việc rút hết người đại diện, nhiều khả năng Eximbank sẽ không còn nắm giữ vốn tại Sacombank. Nhớ lại thương vụ đầu tư hồi đầu năm 2012, Eximbank sở hữu 103 triệu cổ phiếu STB, với giá 16.000 đồng/cổ phiếu, trị giá 1.650 tỉ đồng và được giao dịch thỏa thuận trên sàn.
Với giá đóng cửa STB ngày 23-10-2015 là 14.300 đồng/cổ phiếu, và số cổ phiếu tăng lên 120 triệu đơn vị (sau các đợt chia tách và thưởng, trả cổ tức), giá trị khoản đầu tư của Eximbank hiện có giá thị trường 1.716 tỉ đồng, tức Eximbank có lãi 66 tỉ đồng, chưa kể cổ tức tiền mặt được chia qua các năm.
Nguồn gốc số cổ phiếu mà Eximbank mua là khoản đầu tư của Ngân hàng ANZ vào Sacombank từ nhiều năm trước đó. Sự xuất hiện của Eximbank ở vai trò đầu tư tài chính đã thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc thâu tóm ở Sacombank lúc bấy giờ.
Ít ai, kể cả những nhà quan sát thị trường tài chính lâu năm, hiểu vì sao Eximbank lại bỏ ra một số tiền lớn đến vậy để tham gia vào Sacombank. Năm tháng sau khi nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê tiếp quản Sacombank, và Eximbank cử người đại diện vào hội đồng quản trị Sacombank, thị trường mới vỡ lẽ phần nào.
Eximbank có nằm trong số nhóm nhà đầu tư thể nhân và pháp nhân liên quan đến ông Trầm Bê hay không? Câu hỏi này có tầm quan trọng đặc biệt.
Theo thông báo của NHNN vài tháng trước, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Trầm Bê đã ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang toàn bộ số cổ phần họ đang nắm giữ ở ngân hàng Phương Nam, Sacombank và Sacombank sau sáp nhập cho NHNN. Giả sử Eximbank nằm trong số nhóm nhà đầu tư liên quan, thì số cổ phần trên có thể đã được ủy quyền cho NHNN.
Giả thiết này không phải không có cơ sở. NHNN cho biết hiện nay thông qua số cổ phần được ủy quyền, Nhà nước đã nắm giữ hơn 51% cổ phần Sacombank. Nói cách khác, Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, nắm quyền kiểm soát, chi phối Sacombank.
Nên nhớ hầu hết số cổ phần mà nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê sở hữu trước khi ủy quyền cho NHNN đều được thế chấp để vay vốn ở một số ngân hàng. Nay để rút được số cổ phần đó ra để ủy quyền cho NHNN, họ phải đưa tài sản đảm bảo khác vào thay thế hoặc trả hết nợ vay. Số tiền vay (nghĩa vụ nợ) là không nhỏ căn cứ trên giá trị cổ phiếu của Sacombank.
Làm sao trong một thời gian gấp gáp mấy tháng qua kể từ khi có thông báo của NHNN về việc ủy quyền, họ có thể thay đổi tài sản đảm bảo hoặc trả hết nợ? Do đó, không loại trừ khả năng số cổ phần do Eximbank nắm giữ, không được thế chấp để vay vốn ở đâu, có thể đã được ủy quyền cho NHNN. Nhờ thế Nhà nước đã ngay lập tức nắm giữ trên 51% cổ phần Sacombank.
Mối nhân duyên sở hữu chéo
Theo đại diện NHNN, trong tháng 11-2015 Sacombank sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông, bầu hội đồng quản trị mới, trong đó có đại diện của Nhà nước do NHNN đề cử.
Ông Trầm Bê sẽ rời khỏi vị trí Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Sacombank. Ông và những người liên quan có trách nhiệm bổ sung thêm tài sản, nếu cần, để xử lý các nghĩa vụ nợ trong quá trình tái cơ cấu Sacombank.
Một quan chức cấp cao NHNN nhấn mạnh lần này NHNN sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp sở hữu chéo bởi điều kiện đã cho phép. Nhận xét về Ngân hàng Phương Nam và ảnh hưởng của việc sáp nhập nó vào Sacombank, ông cho biết gần như toàn bộ dư nợ cho vay của Phương Nam tập trung vào lĩnh vực bất động sản. “Hoạt động ngân hàng không phải là tiệm cầm đồ. Tín dụng phải phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế”, ông nói.
Sở hữu chéo dường như là mối nhân duyên kiến tạo nên cuộc tình Sacombank - Eximbank. Lần lại dấu ấn các sự kiện, từ cuối quí 3-2012 nhóm cổ đông liên quan đến Ngân hàng Á Châu (ACB) đã liên tục bán ra các khoản đầu tư cổ phiếu Eximbank để thu hồi vốn, xử lý nợ.
Theo nguồn tin đáng tin cậy, lúc cao điểm nhóm nhà đầu tư trên đã từng sở hữu chừng 23-24% cổ phần Eximbank, nay họ chỉ còn nắm giữ khoảng 6%.
Đại diện NHNN khẳng định sẵn sàng chấp thuận cho nhóm cổ đông ACB chuyển nhượng số cổ phần Eximbank còn lại, nhưng bên nhận chuyển nhượng phải trả tiền thật. “Một cổ phiếu Eximbank chuyển nhượng được rút ra phải tương đương số tiền trị giá của cổ phiếu đó chuyển trả vào tài khoản. Không có chuyện cổ phiếu được rút ra trước, mang thế chấp vay tiền ở đâu đó, rồi mới mang tiền trả cho bên bán”, đại diện NHNN nhấn mạnh.
Trong một lần trả lời phỏng vấn TBKTSG, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng cho biết các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank đã mua vào để số cổ phần mà nhóm cổ đông liên quan đến ACB bán ra trước đây, không lọt ra ngoài.
Qua kết quả thanh tra Eximbank vừa được NHNN công bố, và sau khi tham khảo ý kiến NHNN, được biết số cổ phần mà một số thành viên hội đồng quản trị Eximbank đứng tên, thực chất là thuộc quyền sở hữu của nhóm nhà đầu tư liên quan đến một thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.
Nay nhóm nhà đầu tư này được hướng dẫn thu hồi lại để xử lý các nghĩa vụ nợ của họ. Việc đứng tên, số lượng cổ phiếu đầu tư từ tiền vay ngân hàng tại Eximbank đang từng bước được tháo gỡ.
Sacombank đã trở thành ngân hàng nửa quốc doanh! Nhà nước có thể cử hai đại diện vào hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc của Eximbank thông qua số cổ phần do Vietcombank nắm giữ và một số lượng nhất định cổ phần được một số cổ đông ủy quyền cho NHNN.
Còn quá sớm để dự đoán liệu NHNN có gia tăng sở hữu ở Eximbank. Ba ngân hàng 0 đồng cũng đã khoác áo quốc doanh. Trong lĩnh vực ngân hàng, cổ đông Nhà nước đang trở lại và kiểm soát mạnh mẽ hơn hệ thống các ngân hàng cổ phần.
Tạm thời ngân hàng dân doanh đang thoái trào sau giai đoạn phát triển quá “nóng” 2006-2012. Một thời kỳ củng cố, tái cơ cấu tính bằng năm đang tiếp diễn có thể đặt nền móng cho sự hồi sinh của ngân hàng tư nhân sau này.
Theo Hải Lý - TBKTSG