Những dự án 'nhúng chàm' của siêu tổng công ty VEC

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong suốt quá trình thành lập đến nay bên cạnh việc gặt hái những thành công thì cũng có những “vết đen” sai phạm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi tháng 1/2014, Kiểm toán Nhà nước đã ra văn bản thông báo kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đây là công trình do VEC làm chủ đầu tư với mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại công trình này sai từ công tác khảo sát đến lập dự án, cụ thể, việc lập đề cương khảo sát không có nội dung thủy văn, thay vào đó lại sử dụng số liệu điều tra, tính toán thủy văn của một số dự án tương tự.

Công tác khảo sát địa chất công trình cũng không khoan bổ sung khi gặp nền đất yếu theo quy định của Tiêu chuẩn 22TCN 263-2000, chưa đề xuất được phương án tối ưu theo quy định ở công tác lập thiết kế cơ sở nên phải thay đổi hướng tuyến 2 lần. Không những vậy, công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu đã dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.

Kiếm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, việc khảo sát, thiết kế, lập và duyệt dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình áp dụng định mức hạng mục “Giếng cát đường kính D400 mm” là không đúng quy định, do đó, ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu. Việc dự án bóc tách sai khối lượng so với với khối lượng trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm tăng giá trị dự toán công trình trên 1,7 tỷ đồng và việc áp dụng sai hệ số quy đổi đất đắp tại công trình dẫn tới làm tăng giá trị dự toán trên 1,6 tỷ đồng. Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước sai lệch trong công tác dự toán so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt là hơn 300 tỉ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, lỗi chậm xây dựng công bố định mức giếng cát thuộc về Bộ Xây dựng, sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán thuộc về Bộ GTVT, còn VEC phải chịu trách nhiệm việc quản lý vốn không chặt chẽ.

Ngoài ra, Kiểm toàn Nhà nước cũng phát hiện nhiều mẫu bê tông nhựa và thành phần hạt của các lớp kết cấu không đạt yêu cầu, độ bằng phẳng ngang mặt đường cũng không đạt yêu cầu kỹ thuật dự án.

Từ những sai phạm trên, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu VEC giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện đến tháng 6/2013 trên 346 tỉ đồng, phải khẩn trương thu hồi số tiền tạm ứng chưa thu hồi hết theo quy định của hợp đồng là 30 tỉ đồng; mở rộng phạm vi kiểm định đối với những chỉ tiêu có sai sót: thành phần hạt của các lớp cấp phối đá dăm và các lớp bê-tông nhựa… Và VEC cũng phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trước những vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước nêu và là rõ trách nhiệm của BQL dự án, tư vấn giám sát.

Đồng thời, cũng đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan của bộ trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu.

Sau khi có kết quả dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình của Kiểm toán Nhà nước, VEC đã có văn bản giải trình, theo đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.733,3 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng bởi trong quá trình chuẩn bị xây dựng dự án này do thay đổi hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình nên dự án đã phải chịu thêm phần lãi suất vay ngân hàng (có lúc lên đến 16%/năm) cùng với những biến động lớn về giá.

Theo VEC, việc tăng tổng mức đầu tư chủ yếu là do các nguyên nhân bất khả kháng và các hạng mục khác tăng là do cơ chế quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước có sự thay đổi, thời điểm lập Dự án và thực hiện Dự án kéo dài. VEC cho rằng, nguyên nhân gây tăng tổng mức lớn nhất do giải phóng mặt bằng chậm; tăng khối lượng công trình cầu vượt, cống chui theo yêu cầu của địa phương; địa chất, địa mạo diễn biến phức tạp, bất thường; biến động giá bất thường vào thời điểm năm 2007-2008.

VEC cũng lý giải việc thi công cọc cát và giếng cát D400 là theo Định mức xây dựng cơ bản số 1242/1998/QĐ-BXD chỉ có định mức AC.24000, phương pháp giống như các công đoạn thi công không có tính chất đặc thù riêng cho bất kỳ dự án nào trong công trình giao thông cũng như các lĩnh vực xây dựng cơ bản khác nên việc sử dụng định mức AC.24000 để lập dự toán cho các gói thầu phục vụ công tác đấu thầu là phù hợp.

Bên cạnh đó, VEC khẳng định, việc lập dự toán cho dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình  không gây thất thoát vì việc lựa chọn nhà thầu thi công thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh, giá gói thầu được xác định thông qua kết quả đấu thầu, không theo giá trị dự toán do cơ quan tư vấn thiết kế lập được chủ đầu tư phê duyệt.

Tháng 6/2014, Bộ GTVT cũng đã có thông báo việc xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn 1). Theo thông báo này, riêng đối với VEC, Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Tổng công ty đã để xảy ra những tồn tại Kiểm toán Nhà nước đã nêu.

Thống nhất với đề xuất của VEC về hình thức xử lý cấm không cho tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư trong thời gian 2 năm đối với các phòng thí nghiệm: Phòng thí nghiệm Gói thầu số 5 LAS XD 160; Phòng thí nghiệm Gói thầu số 6: LAS XD 620; đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công không thanh toán chi phí thí nghiệm đối với các hạng mục còn tồn tại về chất lượng theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và kết quả kiểm định của CONINCO.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT giao VEC nghiên cứu, xem xét yêu cầu kéo dài thời gian bảo hành công trình đối với các gói thầu thi công có khiếm khuyết. Tiếp tục tiến hành thu hồi, giảm trừ số tiền 2,105 tỷ đồng ngoài số tiền mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu trong Thông báo số 28/TB-KTNN.

Theo ANTT