VEC-“ông trùm” đường cao tốc Việt Nam lớn cỡ nào

Trong tổng số khoảng trên 1.050km đường cao tốc mà Việt Nam đã và đang triển khai thi công thì VEC chiếm khoảng 70% từ 6 dự án lớn mà đơn vị này làm chủ đầu tư.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

-Phát triển hạ tầng giao thông là lĩnh vực đang được quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là kể từ khi có hiệp định riêng về đầu tư theo hình thức PPP hồi đầu 2015. Tính đến nay tổng chiều dài đường cao tốc tại Việt Nam đã hoàn thành còn rất khiêm tốn chỉ khoảng 567km, dự kiến đến hết 2015 cũng chỉ hoàn thành thêm khoảng 130km.

-Các dự án đang triển khai thi công có tổng chiều dài vào khoảng 457km. Trong số những nhà đầu tư vào đường cao tốc Việt Nam nổi bật nhất là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).


Việc đầu tư phát triển hạ tầng đường cao tốc Việt Nam cần thu hút một nguồn vốn rất lớn, trong khi đó nguồn vốn ODA cũng ngày một hạn hẹp. Do đó, 2004 Chính phủ đã cho phép lập VEC để chuyên phát triển đường cao tốc.

Sau 5 năm hoạt động thí điểm VEC vẫn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách khi đó không phù hợp với mô hình.

Mới đầu thành lập vốn điều lệ của VEC chỉ 1.000 tỷ đồng, khi đó toàn bộ nguồn vốn được tập trung cho dự án Cầu Giẽ -Ninh Bình. Theo VEC, nhu cầu vốn để xây dựng đường cao tốc là rất lớn trong khi đó VEC lại không được phép huy động lớn hơn 5 lần vốn pháp định, không cho phép phát hành trái phiếu quay vòng để trả nợ, trái phiếu có kỳ hạn tối đa là 15 năm nhưng dự án chỉ có thể hoàn vốn trên 30 năm…

Tuy nhiên, sau đó năm 2007, VEC đã được Chính phủ cho phép hoạt động theo cơ chế mới đó là được vay lại vốn ODA, được phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển, được quyết định mức phí đường bộ, được khai thác dịch vụ dọc tuyến cao tốc,…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 và 2013 (đã được kiểm toán) cho thấy tổng tài sản của VEC tăng mạnh qua các năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại không mấy khả quan, năm 2013 VEC lỗ hơn 100 tỷ đồng.

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nếu nhìn vào tổng số khối lượng đường cao tốc cũng như nguồn vốn đầu tư, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay VEC được xem như một “ông trùm” đường cao tốc Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn.

Trong tổng số khoảng trên 1.050km đường cao tốc mà Việt Nam đã và đang triển khai thi công thì VEC chiếm khoảng 70% từ 6 dự án lớn mà đơn vị này làm chủ đầu tư.

Có thể điểm danh một vài dự án đường cao tốc lớn đã hoàn thành như tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Đây là tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay đi qua 5 tỉnh, thành phố dài 245km, thiết kế với tốc độ 80km/h, với tổng mức đầu tư khoảng trên 1,46 tỷ USD; Cao tốc Long Thành-Dầu Giây dài 55km, có tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng; Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình dài 56km, có tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng; Cao tốc Bến Lức-Long Thành 57,8km, có tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng…

Nguồn số liệu: VEC

Bên cạnh những thành tựu mà “siêu” tổng công này đạt được thì VEC còn để lại những “vết chàm” trên những chặng đường cao tốc cần được khắc phục. Đơn cử như tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập và lựa chọn phương án thiết kế chưa tối ưu, công trình không đạt yêu cầu về kỹ thuật, thời gian lập dự án khả thi kéo dài,…khiến tổng mức đầu tư của dự án tăng gấp 2,5 lần từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng;

Hay như dự án đường cao tốc Nội Bài –Lào Cai dù mới đi vào hoạt động nhưng đã xuất hiện vết lún, nứt và Bộ GTVT cũng đã phải yêu cầu VEC xử lý bù phụ mặt đường trong quá trình theo dõi chờ lún, VEC cũng thừa nhận do công tác giám sát thi công còn hạn chế nên xuất hiện một số tồn tại.

Theo quy hoạch đầu tư đường cao tốc đến 2020, Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư xây dựng thêm khoảng khoảng 2.000km đường cao tốc trong vòng 5 năm tới. Vì thế, đây là “miếng bánh” khá lớn cho các công ty hạ tầng. Nguồn vốn để thực hiện các tuyến đường cao tốc này cũng khá lớn.

Ước tính tổng nhu cầu nguồn vốn (không tính các dự án hoàn thành năm 2015) khoảng 394.583 tỷ đồng, trong đó vốn do Nhà đầu tư huy động khoảng 213.321 tỷ đồng, phần còn lại do Nhà nước tham gia đầu tư.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt danh mục các dự án đường cao tốc Việt Nam đến 2020. Theo đó, tổng số lượng đường cao tốc vào khoảng 5.763km với nhu cầu vốn đầu tư lên tới trên 766 nghìn tỷ đồng.

Nhìn vào danh mục các dự án này cho thấy VEC vẫn được xem như một “ông trùm” đường cao tốc với mục tiêu hàng loạt dự án lớn đang triển khai, và đang chuẩn bị đầu tư. Có thể kể tới như cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi dài 140km, có tổng mức đầu tư khoảng 28.000 tỉ đồng, tuyến Ninh Bình-Thanh Hóa, tuyến Thanh Hóa Hà Tĩnh, tuyến Bến Lức –Long Thành…

Hiện nay với Hiệp định hợp tác công tư (PPP), mục tiêu mà VEC đề ra là hoàn thành khoảng 1.323 km đường bộ cao tốc đến 2020 đối với các dự án do VEC đầu tư.

Theo Trí thức trẻ