Bộ Giao thông yêu cầu VEC “bán” ba đường cao tốc

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) “bán” 3 đường cao tốc là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Trước yêu cầu này của Bộ GTVT, lãnh đạo VEC cho biết, trong phương án chuyển nhượng các dự án do VEC quản lý và khai thác, trước mắt đơn vị đề nghị thành lập các công ty cổ phần dự án (CTCP) là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo lãnh đạo VEC, CTCP dự án có quyền và trách nhiệm vận hành, khai thác thu phí, bảo trì các tuyến đường cao tốc, khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường và hoàn trả phần vốn VEC đã vay cho dự án và vốn của các nhà đầu tư trong thời gian được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Bộ GTVT cho rằng, để nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc do VEC đang quản lý và khai thác thì VEC cần thành lập các CTCP dự án hoặc các công ty TNHH của Nhà nước, sau đó tiến hành cổ phần hóa với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi nhuận của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân.

Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC phải đánh giá tổng thể từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai, cơ chế huy động vốn, cơ chế tài chính, suất đầu tư đến công tác quản lý vận hành, thu phí của ba dự án đã đưa vào khai thác để có những đề xuất, kiến nghị cho phù hợp.

Theo Bộ GTVT, VEC là đơn vị chủ lực trong công tác đầu tư, phát triển đường cao tốc thì phải làm được ít nhất 2.000km so với mục tiêu quy hoạch xây dựng 6.400km trong cả nước, vì thế vấn đề tái cơ cấu và cổ phần hóa VEC là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp một cách bền vững đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên trên thực tế, để tiến hành cổ phần hóa trước tiên cần phải xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp trước khi cổ phần nhằm kêu gọi các cổ đông chiến lược và cổ đông khác tham gia, vậy nhưng mức vốn điều lệ hiện nay của VEC chỉ có 1.018 tỷ đồng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, VEC đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho VEC trước khi CPH từ 1.018 tỷ đồng lên 22.161 tỷ đồng, bao gồm: vốn điều lệ của VEC (1.1018 tỷ đồng), tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành (20.876 tỷ đồng) và kinh phí sau đấu thầu các trạm thu phí (267,6 tỷ đồng).

Theo DT