Những dấu ấn trong phòng, chống lao và bệnh phổi từ nền móng của nhà khoa học truyền nhiễm lừng danh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

BS Phạm Ngọc Thạch là người đặt nền móng cho công cuộc phòng, chống bệnh lao vốn hoành hành ở Việt Nam, để hôm nay tỷ lệ mắc lao đã giảm mạnh, đồng thời, tạo tiền đề để BV Phổi Trung ương triển khai kỹ thuật ghép phổi, điều trị bệnh nhân nặng.

Nhà khoa học truyền nhiễm lừng danh

Sáng nay, BV Phổi Trung ương tổ chức lễ kỷ niệm 116 ngày sinh BS Phạm Ngọc Thạch (7/5/1909 – 7/5/2024) - Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương (1957) và 5 năm thành lập Trung tâm ghép phổi với sự tham dự của nhiều đơn vị trong ngành y.

BS Phạm Ngọc Thạch là nhà khoa học lớn, Anh hùng Lao động, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những cống hiến cho sự nghiệp y tế. Ông là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, Thứ trưởng Chủ tịch Phủ đầu tiên của Việt Nam, cũng là Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương đầu tiên– tiền thân của BV Phổi Trung ương.

Dấu ấn của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là đã xây dựng một nền y tế nhân dân, đề xuất các phương châm nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh kết hợp chặt chẽ phòng bệnh với chữa bệnh; y học cổ truyền với y học hiện đại; coi phòng bệnh là nhiệm vụ chính trong công tác bảo vệ sức khỏe.

z6576876135369_198c3a52797fdcf07d5d28cf26eccc10.jpg
Giám đốc BV Phổi Trung ương ghi nhận những cống hiến của BS Phạm Ngọc Thạch với sự nghiệp phòng chống lao và bệnh phổi

TS.BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia - khẳng định: BS Phạm Ngọc Thạch là nhà khoa học của nhân dân, người lãnh đạo tài năng về khoa học quản lý ngành y tế, nhất là chuyên ngành lao - bệnh phổi.

Quan điểm của ông mang tính xuyên suốt của chuyên ngành: "Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm"; việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi.

“Tinh thần BS Phạm Ngọc Thạch với tư duy “khó mấy cũng làm” là “sợi chỉ đỏ” trong quá trình hình thành, phát triển của BV Phổi Trung ương, để không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần phục vụ người bệnh và thành công trong triển khai các kỹ thuật cao về bệnh phổi và kiểm soát lao, đặc biệt là ghép phổi, một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng”- ông Lượng nhấn mạnh.

5 năm có gần 50% số ca ghép phổi của Việt Nam

Dịp này cũng đánh dấu 5 năm ra đời của Trung tâm Ghép phổi (BV Phổi Trung ương) với thành tựu đáng tự hào là góp tới gần 50% số ca ghép phổi tại Việt Nam.

PGS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc BV Phổi TW - chia sẻ: Hơn 30 năm ghép tạng, Việt Nam có gần 10.000 ca ghép, nhưng chỉ có 14 ca ghép phổi, trong đó, 6 ca thực hiện tại BV Phổi Trung ương, trong đó ca ghép đầu tiên đã được 5 năm. 2/6 ca vừa được ghép trong 1 tuần của tháng 4/2025, góp phần đưa kỹ thuật ghép phổi trở thành thường quy tại BV.

4.jpg
Ca ghép phổi theo tiêu chuẩn Mỹ tại BV Phổi Trung ương

Hai ca ghép phổi mới nhất đều đã ổn định sức khoẻ. Ca ghép của chị Quách Thị Thực (37 tuổi, Thanh Hoá) từ tạng hiến của nam thanh niên 35 tuổi chết não tại BV Bạch Mai kéo dài 7 tiếng, kết thúc vào 1h sáng ngày 19/4 vừa qua.

Điều kỳ diệu là sau mổ chỉ 8 tiếng (thay vì phải sau gần 20 tiếng), bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và thở bằng hai lá phổi mới. Sau 1 tuần bệnh nhân đã tự thở bình thường. Đây là “kỳ tích đặc biệt”, vì tương đương với tiêu chuẩn y khoa tại các nước phát triển.

Ca mổ giúp chị Thực tái sinh bởi trước khi ghép, chị bị u cơ trơn bạch tạo các kén khí trong phổi, làm mất chức năng của phổi. Một năm qua, chị liên tục khó thở, sút 5 kg và phải thở ôxy 14 – 16 tiếng/ngày, nguy cơ tử vong cận kề.

Bà Cấn Thị Phương (54 tuổi, Hà Nội) được ghép từ phổi hiến của nam bệnh nhân 38 tuổi ở TP.HCM, sau khi ekip lấy và ghép của BV Phổi Trung ương, BV E đưa tạng “xuyên Việt” vào đêm 11/4 vừa qua. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng với hàng chục chuyên gia, phẫu thuật viên tham gia đã thành công.

Bà Phương bị bệnh phổi giai đoạn cuối không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa. Bệnh nhân có kén khí trong 2 phổi từ 2018, 80% nhu mô phổi của người bệnh bị thay thể bởi các kén khí và suy hô hấp mạn tính, khó thở, đi lại khó khăn dù chỉ 200m. Từ năm 2023, bệnh nhân phải thở ôxy 6 tiếng/ngày tại nhà, tiên lượng tử vong rất cao.

5.jpg
Bệnh nhân hồi phục nhanh sau ca ghép

Sau khi được ghép phổi, bà Phương đang hồi phục tốt. Bà chia sẻ: Mở mắt ra thấy mình sống, thật không có gì tả nổi niềm vui nhất là nghe các con reo lên “Mẹ tỉnh rồi, mẹ sống rồi”. Những ngày qua, tôi được bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc chu đáo, tận tình, rất cảm động. Ca ghép cho tôi thực hiện khát khao được sống và khỏe mạnh để các con có nơi đi về. Các con tôi đều biết ơn các bác sĩ.

Với những thành công của các ca ghép theo tiêu chuẩn của Mỹ, Trung tâm Ghép phổi sẽ tiếp tục trở thành đơn vị nòng cốt để trở thành Trung tâm ghép phổi vùng, phục vụ người bệnh trong nước (khoảng 900 người cần ghép phổi) và người bệnh quốc tế.