Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam thấp cuối bảng
Thuế thuốc lá ở Việt Nam rẻ, nên giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Theo điều tra của trường Đại học Y tế công cộng, trên thị trường có tới hơn 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá chưa đến 10.000 đồng/bao, rẻ hơn một hộp sữa 180ml, nên ai cũng có thể mua để hút. Việc này được đánh giá làm gia tăng các bệnh ung thư phổi, tim mạch, số người tử vong, giảm sức lao động, khiến chi phí y tế để điều trị các bệnh do thuốc lá tới khoảng 110 nghìn tỷ đồng/năm, tương đương 1,14% GDP, cùng khoảng 100 nghìn tỷ/năm do tổn thất môi trường vì rác thải thuốc lá.
Rõ ràng, không có thuốc lá, đất nước đã có thêm hơn 200 nghìn tỷ đầu tư cho phát triển kinh tế, đặc biệt là cho hệ thống y tế và với số tiền đó, mục tiêu miễn học phí, miễn viện phí toàn dân trong tầm tay.
Nhưng mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 3,85 tỷ bao thuốc lá mà chỉ thu được 0,76 tỷ USD tiền thuế, trong khi Thái Lan tiêu thụ 1,68 tỷ bao, thu thuế 2,09 tỷ USD; Philippines tiêu thụ 3,35 tỷ bao, thu 2,65 tỷ USD tiền thuế.

Vì thế, WHO và Health Bright Canada đều khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá; tăng giá thuốc lá chỉ 10% sẽ giúp giảm tiêu dùng 5%, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tăng nguồn thu và giúp đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Nguồn thu từ thuế thuốc lá sẽ là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng tổng cầu tiêu thụ nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tăng thu ngân sách
Mặc dù vậy, khi Quốc hội chuẩn bị bàn về tăng thuế thuốc lá, đã có một số ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và thất thu ngân sách.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, thực tiễn tại nhiều nước cho thấy tăng thuế thuốc lá 10% sẽ giúp tăng thu thêm 7%, đồng thời, khẳng định tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi, nhưng số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ thuốc lá vẫn tăng.
Theo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế, suốt 10 năm qua ở Việt Nam, ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tăng trưởng ổn định. Sản xuất và tiêu thụ thuốc lá chậm lại vào những năm tăng thuế (2016 và 2019), nhưng mức giảm không gây tác động đến nền kinh tế.
WHO dẫn chứng tại Thái Lan, từ năm 1993 đến 2017, thuế thuốc lá tăng 11 lần, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống 19,1%. Nhưng, sản lượng tiêu thụ thuốc lá ổn định ở mức gần 2 tỷ bao/năm, trong khi ngân sách tăng từ 500 triệu USD lên gần 2,3 tỷ USD.
Không làm tăng buôn lậu, giảm việc làm
Quan điểm “tăng thuế thuốc lá làm giảm việc làm trong nền kinh tế” đã được Ngân hàng Thế giới bác bỏ: Khi nhu cầu tiêu dùng thuốc lá giảm, nguồn chi tiêu của người dân sẽ chuyển sang các hàng hóa, tạo ra công ăn việc làm thay thế trong các ngành khác, là tác động tích cực của việc tăng thuế thuốc lá.
Riêng ngành thuốc lá chỉ chiếm 0,4% tổng số lao động ở Việt Nam, nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm là rất nhỏ.
Nghiên cứu của Đại học Thương Mại cho thấy nếu bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2020, thì tổng sản lượng kinh tế tăng 0,003% (486.894 triệu đồng) và tổng việc làm tăng 0,06% (33.831 việc làm).
Ngoài ra, lo ngại “tăng thuế thuốc lá làm gia tăng buôn lậu” cũng được các chuyên gia khẳng định đây là “luận điểm phổ biến nhằm phản đối việc tăng thuế thuốc lá”, bởi giá thuốc lá lậu thường cao hơn thuốc lá hợp pháp từ 30%-60%.
WHO phân tích dữ liệu từ 94 quốc gia và chỉ ra không có mối liên hệ trực tiếp giữa giá thuốc lá cao và buôn lậu, vì các nước có giá thuốc lá thấp như Ethiopia, Pakistan và Brazil chỉ 0,55-1,3 USD/bao lại có tỷ lệ thuốc lá lậu tới 33%-46%. Trong khi đó, các nước có giá thuốc lá cao như Hàn Quốc, Séc và Sri Lanka (4-7 USD/bao) lại có thị phần thuốc lá lậu thấp, chỉ từ 0,8%-2,9%.
Các cuộc điều tra tiêu dùng giai đoạn 2010-2017 cũng cho thấy tỷ lệ thuốc lá lậu tại Việt Nam giảm từ 20% năm 2010 xuống còn 13,6% năm 2017, trong khi thuế TTĐB tăng vào năm 2016.

Phù hợp chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ
WHO nhấn mạnh rằng thuế TTĐB giúp bổ sung ngân sách cho các chương trình thực hiện SDG. Điều này phù hợp với Việt Nam khi Thủ tướng vừa ra Chỉ thị số 05 ngày 1/3/2025 đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên.
Các bằng chứng đều cho thấy thuế TTĐB là chính sách hiệu quả để Việt Nam tiến gần hơn đến các mục tiêu về sức khỏe và phát triển bền vững. Vì thế, WHO khuyến cáo Việt Nam cần áp thuế ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Với việc tăng thuế thuốc lá, Việt Nam sẽ giảm số tiền chi cho y tế và môi trường mỗi năm, lại có thêm nguồn thu để đầu tư cho y tế, giáo dục, đúng chủ trương của Chỉ thị 05: Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.