Những cách hiệu quả để phân biệt điện thoại giả với điện thoại “xịn” ai cũng nên biết

VietTimes -- Nếu đang có ý định mua điện thoại mới, hay mua điện thoại đã qua sử dụng, bạn nên tham khảo những cách phân biệt điện thoại giả, điện thoại do ăn cắp mà có với điện thoại “xịn” sau để tránh “tiền mất tật mang”.
Bằng mắt thường đôi khi vẫn có thể phân biệt được đâu là chiếc điện thoại giả
Bằng mắt thường đôi khi vẫn có thể phân biệt được đâu là chiếc điện thoại giả

Lang thang trên mạng thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp một vài câu chuyện về một người nào đó bị lừa mất hàng trăm USD vì mua phải điện thoại giả. Có thể trông bề ngoài chiếc điện thoại giả không khác gì chiếc điện thoại “xịn”, nhưng bên trong thì toàn đồ giả: camera rẻ tiền, chip cũ, và nhiều bộ phận khác được làm giả tinh vi.

Làm giả các dòng điện thoại cao cấp của Samsung là một ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc. Theo một bài viết về nạn điện thoại giả, kém chất lượng năm 2017 của AnTuTu, thì các loại điện thoại của Samsung chiếm đến 36% thị trường điện thoại giả, vượt xa tỷ lệ 7,7% của iPhone và 3,4% của Huawei. Dòng điện thoại Galaxy S7 Edge ở châu Âu là mẫu điện thoại bị làm giả nhiều nhất trong danh sách này. Báo cáo năm 2017 của Samsung cho thấy có 2,64% trong số 17.424.726 chiếc điện thoại mang nhãn hiệu này là hàng giả. Hiện nay đã có hơn 1 tỷ chiếc điện thoại trên thị trường, thì chắc chắn cũng đang có hàng triệu chiếc điện thoại trong số đó là đồ giả.

Những hãng điện thoại bị làm giả nhiều nhất năm 2017 (Ảnh AnTuTu)
  Những hãng điện thoại bị làm giả nhiều nhất năm 2017 (Ảnh AnTuTu)

Mua một chiếc điện thoại mới từ một cửa hàng bán lẻ uy tín là cách tốt nhất mà bạn nghĩ là đảm bảo không bị mua phải hàng giả, nhưng trường hợp này không phải lúc nào cũng đúng. Thị trường điện thoại đã qua sử dụng và điện thoại nhập khẩu giá rẻ ngày càng phát triển chính là điều kiện không thể thuận lợi hơn cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc và điện thoại giả phát triển.

Các dấu hiệu cần phải kiểm tra: bề ngoài có nhiều điểm xấu, lỗi

Cách thông thường và rõ ràng nhất để phát hiện một chiếc điện thoại giả là xem xét thiết kế bên ngoài của nó; các nút đặt sai vị trí, viền màn hình không được trơn mượt, hay camera không bật lên khi cần. Tuy nhiên, với các loại điện thoại được làm giả một cách tinh vi thì rất khó để phát hiện giả hay thật nếu chỉ nhìn vào bề ngoài; bạn chỉ thực sự phát hiện đó là đồ giả khi bắt đầu sử dụng, và lúc đó thì đã quá muộn.

Nếu mua hàng từ một cửa hàng tư nhân, thì đầu tiên cần phải chắc chắn là chiếc điện thoại đã được bật nguồn. Thậm chí nếu bạn không trực tiếp ở đó, thì cũng phải yêu cầu người bán gửi cho bạn các hình ảnh màn hình đang bật, thậm chí là gửi video hay hình động qua giao diện người dùng (UI). Đừng bao giờ ngại yêu cầu phải được xem cận cảnh màn hình, thậm chí để phát hiện xem có vết xước nào không.

Phần mềm giả mạo thường là một dấu hiệu nhận biết chắc chắn nhất để phân biệt điện thoại giả với điện thoại xịn, đặc biệt là nếu UI hay các biểu tượng ứng dụng không giống như trên điện thoại xịn. Bạn có thể tìm hiểu một chiếc điện thoại trước khi mua bằng cách xem các đánh giá trên YouTube về chiếc điện thoại đó. Đặc biệt chú ý đến những lần khởi động và các biểu tượng khác lạ, các tính năng hoặc menu bị thiếu, hay các ứng dụng cài trước không chuẩn.

Bằng mắt thường rất khó để phân biệt được đâu là một chiếc Galaxy S9 giả (Ảnh minh họa)
Bằng mắt thường rất khó để phân biệt được đâu là một chiếc Galaxy S9 giả (Ảnh minh họa) 

Tính năng cũng là một yếu tố quan trọng không kém, và đây là điểm chính mà các nạn nhân mua phải điện thoại giả mới biết sau khi đã mua. Các loại điện thoại giả thường dùng các loại chip rẻ tiền, và loại chip này yếu đi rất nhanh qua quá trình sử dụng hàng ngày. Một số ứng dụng và mạch thậm chí là không chạy bởi vì hệ điều hành yếu, vì thế người mua chắc chắn phải tìm hiểu thật kỹ hệ điều hành và một vài ứng dụng để đảm bảo mọi tính năng đều chạy tốt. Nếu bạn không thể trực tiếp kiểm tra, thì phải luôn yêu cầu người bán có video làm chứng. Nói chung đây là một tư vấn rất tốt cho những người muốn mua điện thoại đã qua sử dụng – và cũng rất có ích để phát hiện xem những loại điện thoại đã qua sử dụng rồi có ấn đề gì về pin hay chip không.

Luôn luôn ghi nhớ rằng cần phải tuân thủ các quy định mua bán đối với các loại điện thoại đã qua sử dụng: đó là không trả tiền ngoài khu vực bạn không được đảm bảo, gặp mặt tại địa điểm hai bên thống nhất với nhau từ trước, và tránh đưa tiền mặt trong lần gặp gỡ đầu tiên. Những kẻ lừa đảo thường không trả lời các câu hỏi chi tiết, đây cũng là một điểm cần chú ý.

Kiểm tra phần cứng xem có giống với điện thoại xịn không

Một chiếc điện thoại giả sẽ sử dụng các phần cứng rẻ tiền hơn để người bán kiếm lời. Những thủ đoạn phổ biến nhất mà những người làm giả hay áp dụng là sử dụng các camera kém chất lượng, bỏ bộ phận NFC hoặc quét vân tay, hay thậm chí là chạy phần mềm tự viết trên các con chip giả. Người mua hiện nay rất dễ tìm thấy các thông tin tính năng kỹ thuật chính thức từ nhà sản xuất trên mạng để xem điện thoại mình mua có đúng là thật không.

Thứ nhất, cần đảm bảo chắc chắn tất cả các phần cứng đều hoạt động tốt. Thử bật tắt các tính năng kết nối Wi-Fi, Bluetooth, GPS, NFC hay bất cứ tính năng nào khác. Kiểm tra tùy chọn quét vân tay có trong phần cài đặt bảo mật không, dù người bán đôi khi không muốn bạn làm vậy trước khi mua.

Không bao giờ quên kiểm tra camera. Cần đảm bảo chắc chắn là các camera trước và sau đều hoạt động và có đẩy đủ tính năng như cam kết. Cuối cùng, bạn nên chụp một bức ảnh và kiểm tra độ phân giải bằng cách bấm vào phần nút info trong ứng dụng gallery mặc định hoặc qua Google Photos.

Chạy CPU-Z

Như đã nói, con chip giả là “trái đắng” lớn nhất mà người mua phải nuốt nếu bị lừa mua phải điện thoại giả, vì thế chắc chắn cần phải so sánh con chip trong điện thoại với các thông số kỹ thuật từ nhà sản xuất.

Người mua có thể cài đặt rất nhanh CPU-Z từ Play Store. CPU-Z sẽ cho bạn biết tóm tắt các bộ phận xử lý cơ bản và phần mềm đời thấp đang chạy trong điện thoại, đây là minh chứng rõ ràng nhất không thể chối cãi được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Qua CPU-Z, bạn có thể dễ dàng kiểm tra các chi tiết về CPU và GPU trên trang mở. Nếu bạn không phải là người giỏi về kỹ thuật, thì thanh Device sẽ cho bạn biết tên của con chip đang chạy, giúp bạn dễ dàng so sánh với thông số kỹ thuật của nhà sản xuất. Bạn cũng có thể biết được về RAM và độ phân giải màn hình trên trang này để xem đó có phải điện thoại xịn không. Muốn tham khảo thêm các thông tin, bạn cũng có thể cài đặt AIDA64.

So sánh mã số IMEI

Tất cả những cách trên sẽ giúp bạn biết được chiếc điện thoại mình mua có phải là điện thoại giả hay không, nhưng đối với những loại điện thoại ăn cắp thì không có tác dụng. Để biết được đó có phải là một chiếc điện thoại do ăn cắp mà có không, bạn phải kiểm tra số IMEI (mã số nhận dạng thiết bị di động quốc tế) để so với mã số do người bán cung cấp.

Modem của mỗi chiếc điện thoại đều được in một mã số IMEI gồm 15 chữ số. Mã số này được đăng ký thành số sản xuất và số model của điện thoại, được dùng để đăng ký và khóa điện thoại với một số mạng nhất định và cũng có thể bị lưu lại để khóa máy hoặc SIM nếu máy bị mất trộm.

Bạn có thể tìm thấy mã số IMEI ở phần About Phone trong menu Android Settings. Hoặc chỉ đơn giản là bấm *#06# trong trình quay số của điện thoại thì mã số IMEI sẽ hiện lên. Mã số IMEI cũng được in trên vỏ hộp điện thoại, nên người mua sẽ dễ dàng kiểm tra nếu điện thoại vẫn nguyên hộp. Hoặc bạn có thể truy cập vào website imei.info để biết được tình trạng máy. Số IMEI cũng giúp người mua biết được chiếc điện thoại đó có bị khóa với một số mạng nhất định không. Đôi khi nhiều người bán cũng không để ý đến thông tin này, người mua thì không để ý sẽ rất dễ mua phải điện thoại chưa unlock như được cam kết.