Những “bí mật” trong bức tranh xuất nhập khẩu 2019

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, những thành tựu trong xuất nhập khẩu năm 2019 là rất rõ ràng. Nhưng nhìn nhận nó như thế nào để tiếp tục đạt được những thành tựu tốt hơn nữa lại là câu chuyện hoàn toàn khác, không thể xem nhẹ.

Thành tựu “kép” và những mặt ưu

Cho dù phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, nhưng xuất nhập khẩu năm 2019 đã đạt được thắng lợi kép.

Trước hết, trên bình diện toàn cầu, 2019 là năm thứ tám giá hàng hóa trên thị trường thế giới hầu như liên tục tụt dốc, khiến cho các “rổ hàng hóa” xuất nhập khẩu đều “co lại”. Đây là điều chưa từng có trong sáu thập kỷ trở lại đây. Trong bối cảnh quốc tế như vậy, những nền kinh tế có độ mở càng lớn, như Việt Nam, thì tác động của thị trường thế giới đối với hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thị trường trong nước càng mạnh.

Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, so với mức đỉnh năm 2011, giá hàng năng lượng 11 tháng đầu năm 2019 giảm tới 41%; giá hàng phi năng lượng giảm 31,8%, trong đó giá phân bón giảm 40,3%, nông sản giảm 31,7% và giá kim loại và khoáng sản giảm 30,9%.

Sức kéo của “đoàn tàu xuất khẩu”, cũng như của thị trường trong nước đối với sự phát triển của nền kinh tế đang ngày càng giảm.

Trong điều kiện đó, việc kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt trên 263 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,1%, tuy chỉ cao hơn chút ít so với mục tiêu, nhưng là một thành tựu lớn. Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, nếu không bị giá xuất khẩu làm “co lại” thì kim ngạch xuất khẩu và nhịp tăng còn cao hơn nhiều.

Điều này cũng có nghĩa sức chịu đựng áp lực giảm giá của nền kinh tế Việt Nam là rất đáng kể, vì cùng chịu áp lực đó nhưng xuất khẩu của hàng loạt các nền kinh tế khác đều “co lại”.

Chẳng hạn, các số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tại thời điểm này cho thấy, tổng kim ngạch trong 10 tháng đầu năm 2019 của 12 quốc gia có quy mô xuất khẩu từ 200 tỉ đô la trở lên đã giảm 2,68%, có tới 10 trong tổng số 12 quốc gia có mức tăng trưởng âm, bao gồm cả ba “ông kẹ” trong “làng xuất khẩu thế giới” là Trung Quốc, Mỹ và Đức.

Trong khi xuất khẩu tăng trưởng hơn cả mong đợi như vậy, nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mong đợi cũng là thành tựu không kém quan trọng, bởi cùng với chúng là kết quả xuất siêu kỷ lục. Trong khi “quota” nhập siêu là dưới 3%, tương ứng với mức nhập siêu dưới 7,9 tỉ đô la, thì Việt Nam lại xuất siêu tới 9,9 tỉ đô la.

Rất có thể, nguyên nhân khiến các nhà quản lý bốn năm liên tiếp bị “bất ngờ” về cán cân thương mại trong hoạch định mục tiêu này nằm ở việc giá hàng hóa trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh như đã nói ở trên.

Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, cho dù những biến động về giá cả của thị trường thế giới gây khó khăn ngày càng lớn cho xuất khẩu, nhưng với cơ cấu “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta, nó lại là yếu tố thuận lợi không chỉ riêng đối với hoạt động ngoại thương, mà còn góp phần rất tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Khoảng tối và nét mờ 

Cho dù vậy, cũng không thể phủ nhận một thực tế là, sức kéo của “đoàn tàu xuất khẩu”, cũng như của thị trường trong nước đối với sự phát triển của nền kinh tế đang ngày càng giảm.

Số liệu thống kê cho thấy, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 đã đạt 2.720 đô la, tăng bình quân 8,8%/năm kể từ năm 2011 trở lại đây, còn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã đạt 2.903 đô la/người, tăng bình quân tới 13,67%/năm, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.225 đô la/người, tăng bình quân 9,42%/năm.

Điều đó cho thấy, để đạt được 1 đô la Mỹ GDP bình quân đầu người thì doanh thu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bình quân đầu người phải lên tới 1,88 đô la, cao hơn rất nhiều so với 1,5 đô la năm 2010 và 1,05 đô la trước đó 10 năm.

Nguyên nhân của thực trạng này rất có thể nằm ở chỗ, công nghiệp chế biến, chế tạo của nước ta cho dù phát triển mạnh trong những năm gần đây và đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của nền kinh tế, nhưng quy mô nhập khẩu của nhóm ngành này cũng “khổng lồ” tương ứng.

Thực tế đó có nghĩa là, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, chúng ta tiếp tục phải nhập khẩu rất nhiều thành phẩm, cũng như các sản phẩm trung gian, tức là giá trị gia tăng trong các sản phẩm “Made in Vietnam” vẫn còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, điều có lẽ còn đáng quan ngại hơn nữa là, trong bối cảnh thương chiến Trung - Mỹ bùng nổ, xuất nhập khẩu của nước ta lại có hai động thái hầu như ngược chiều nhau, cho dù các nhà quản lý đã rất quyết liệt trong việc kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng “đội lốt” hàng Việt Nam để né thuế.

Đó là, trong khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng tới 27,7% với kim ngạch chiếm tới 23% “rổ hàng xuất khẩu”, thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc cũng tăng rất mạnh 14,9% và chiếm 29,7% “rổ hàng nhập khẩu”. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hầu như “giậm chân tại chỗ”, còn nhập khẩu từ Mỹ tuy đã tăng mạnh, nhưng cũng chỉ đạt 12,1%. Do vậy, tình trạng đối lập nhau của cán cân thương mại với hai thị trường này càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tóm lại, trong điều kiện hết sức khó khăn, xuất nhập khẩu năm 2019 đã gặt hái được những thành tựu nổi bật và góp phần rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn còn đó những điểm yếu cố hữu trong các hoạt động này, cũng như đã xuất hiện yếu tố mới đe dọa sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo TBKTSG

Theo https://www.thesaigontimes.vn/td/299171/nhung-bi-mat-trong-buc-tranh-xuat-nhap-khau-2019.html