Nhìn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung:

Bài 1: Nhìn ta và nhìn người

VietTimes -- Vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đang giảm nhanh từ tất cả các nguồn chính. Điều này hầu như trái ngược hoàn toàn với nhiều nhận định lý thuyết, rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đón dòng vốn FDI chuyển hướng từ Trung Quốc.

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không như kỳ vọng từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Internet)
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không như kỳ vọng từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Internet)

LTS: Ngày 20/8, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là một chủ trương lớn. Để từng bước thực hiện chủ trương này, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện từ bối cảnh quốc tế đến thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

VietTimes xin trân trọng giới thiệu những nhận định, phân tích của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên phức tạp, khó lường đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn FDI. Loạt bài viết cũng đưa ra những gợi ý về định hướng ứng xử trước cuộc thương chiến này và giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

______

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra hơn một năm và những tác động của nó đã bắt đầu được nhận diện rõ ràng, đặc biệt là từ các biện pháp thuế quan mà hai bên áp đặt cho hàng hóa của nhau. Nửa đầu năm 2019, đã có tới 70% nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, có độ mở cao, liên hệ chặt chẽ với cả thị trường Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam chịu tác động trực tiếp và đáng kể từ bối cảnh này. Sớm nhận diện được tình hình, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có những hành động rất quyết liệt với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Mặc dù vậy, những tác động khách quan từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tới kinh tế Việt Nam là không thể tránh khỏi, đặc biệt là tới kết quả xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường chúng ta cần cân nhắc thêm một số biện pháp bổ sung để đối phó trực tiếp với tình hình này, qua đó nỗ lực giảm thiểu các tác động bất lợi đến nền kinh tế, ít nhất là từ góc độ xuất khẩu và thu hút FDI.

Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát, Việt Nam được dự đoán là một trong những nền kinh tế có cơ hội hưởng lợi lớn nhất thông qua việc tận dụng khoảng trống thị trường mà hàng hóa Trung Quốc và Mỹ để lại và đón nhận các dòng vốn FDI chuyển hướng từ hoặc ra khỏi Trung Quốc.

Trên thực tế, các số liệu về kết quả xuất nhập khẩu và thu hút FDI sau 1 năm vừa qua lại cho thấy Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không như kỳ vọng từ cuộc đối đầu thương mại. Đồng thời, nền kinh tế cũng bị đặt trước nguy cơ trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước tình hình này, tôi cho rằng chúng ta cần phải phân tích một số chỉ số kinh tế, đặc biệt là tình hình xuất nhập khẩu và thu hút FDI của Việt Nam, từ đó nhận diện đúng hoàn cảnh của mình để ra giải pháp ứng phó cấp thiết.

Biểu đồ: Kim ngạch, tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 6 tháng đầu năm, giai đoạn 2011-2019. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Biểu đồ: Kim ngạch, tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 6 tháng đầu năm, giai đoạn 2011-2019. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Xuất khẩu giảm mạnh

Các số liệu về xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI nửa đầu năm 2019, trong so sánh với các số liệu tương tự của cùng kỳ 2018 (giai đoạn liền trước thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát) cho thấy Việt Nam đang chịu thiệt hại đáng kể, đặc biệt là từ góc độ xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI.

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang bị giảm tốc nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam là 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2018. Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, nhưng chỉ bằng một nửa tốc độ tăng nửa đầu năm 2018 (16%).

Xét theo từng thị trường, ngoại trừ thị trường Mỹ có sự gia tăng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; tất cả các thị trường xuất khẩu lớn khác đều chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 so với nửa đầu năm 2018. Thị trường Nhật Bản giảm tốc khoảng ¼, ASEAN giảm gần 2/3, Hàn Quốc giảm 4/5; cá biệt, thị trường Trung Quốc có mức giảm tốc tới 28 lần so với nửa đầu 2018 (từ 28% xuống chỉ còn 1%). Thị trường EU thậm chí còn tăng trưởng âm (-0.4%).

Như vậy, dù Việt Nam vẫn có tăng trưởng xuất khẩu dương trong nửa đầu năm 2019 nhưng đã giảm so với nửa đầu 2018. Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng rằng xuất khẩu Việt Nam sẽ khởi sắc với việc giữ vững tăng trưởng ở các thị trường và có thêm lợi thế ở thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Nguyên nhân của sự giảm tốc này đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Thứ nhất, căng thẳng thương mại làm kinh tế thế giới giảm tốc, nhu cầu hàng hóa cho cả sản xuất và tiêu dùng ở các thị trường đều giảm. Dự báo của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB đều cho thấy bức tranh không lạc quan về GDP và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác ở nhiều khu vực kinh tế trọng yếu trong thời gian tới trước các tác động của căng thẳng thương mại. Trên thực tế, không chỉ Việt Nam mà nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới cũng ở tình trạng giảm kim ngạch hoặc giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Ví dụ, theo Cơ quan thống kê liên bang Đức, kim ngạch xuất khẩu ra thế giới (không tính EU) của nước này nửa đầu 2019 giảm 10.7% so với cùng kỳ 2018. Một phần lý do được cho là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến việc bán máy móc, thiết bị của Đức cho Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu của Đức sang các nước EU cũng sụt giảm 8% trong nửa đầu 2019 do “cầu” yếu ở các thị trường EU.

Thứ hai, căng thẳng thương mại khiến hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng từ Mỹ sang các thị trường khác, làm cho cạnh tranh tại các thị trường này khốc liệt hơn. Trong bối cảnh phần lớn hàng hóa Việt Nam đều cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc, đây thực sự là một bất lợi lớn.

So sánh số liệu xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc ở cùng các thị trường trong nửa đầu năm 2019 cho thấy mặc dù cùng giảm tốc do nhu cầu thị trường giảm, mức độ giảm tốc của xuất khẩu Việt Nam ở nhiều thị trường sâu hơn nhiều so với Trung Quốc. Ví dụ, ở thị trường EU, trong khi xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng âm (giảm 0.4%) từ mức 12.3% của nửa đầu 2018 thì Trung Quốc vẫn có tăng trưởng 6%, dù là giảm so với mức 11.6% nửa đầu 2018. Tương tự, ở thị trường Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam giảm chỉ còn 1/5 (từ 31.8% xuống còn 6%) thì xuất khẩu của Trung Quốc giảm còn 1/3 (từ 8.9% xuống 2.5%).

Căng thẳng thương mại có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cánh cửa vào thị trường Trung Quốc ngày càng hẹp. (Ảnh: Internet)
Căng thẳng thương mại có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cánh cửa vào thị trường Trung Quốc ngày càng hẹp. (Ảnh: Internet)

Thứ ba, căng thẳng thương mại có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cánh cửa vào thị trường Trung Quốc ngày càng hẹp trong khi đây lại là thị trường lớn nhất của nông thủy sản và là thị trường quan trọng của nhiều sản phẩm công nghiệp khác của Việt Nam.

Nông thủy sản là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức tăng trưởng của nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ 2018 là -9.7% (từ mức 16,5% năm 2018) và thủy sản là -3.9% (từ mức 18.2% năm 2018). Trên bề mặt, xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc giảm chủ yếu là do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nông thủy sản và buộc một số loại nông sản phải nhập khẩu theo đường chính ngạch. Vấn đề là ở chỗ phần lớn những quy định này vốn đã có trong pháp luật liên quan của Trung Quốc từ một vài năm nay. Và chỉ tới đầu 2019, khi căng thẳng thương mại leo thang, sản xuất ở Trung Quốc, bao gồm cả sản xuất nông thủy sản xuất hiện tình trạng dư thừa cung nội địa, Trung Quốc mới siết chặt việc thực thi các quy định này, qua đó hạn chế bớt nguồn nhập khẩu.

Theo dự báo, những tác động đối với thị trường xuất khẩu thế giới từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ còn tiếp tục, thậm chí trầm trọng hơn trong thời gian tới (theo sự leo thang của các biện pháp thuế hoặc kể cả khi hai Bên đã đạt được thỏa thuận nhất định thì các biện pháp thuế hiện tại không chắc sẽ được dỡ bỏ ngay). Nếu các dự báo này là đúng, xuất khẩu Việt Nam sẽ còn phải chịu nhiều tác động không thuận trong thời gian tới.

Thu hút FDI giảm tốc

Về thu hút FDI, vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đang giảm nhanh từ tất cả các nguồn chính.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ 2018.

Vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đang giảm nhanh từ tất cả các nguồn chính. (Ảnh: Internet)
Vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đang giảm nhanh từ tất cả các nguồn chính. (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý là FDI từ tất cả các nguồn chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2018 (ví dụ FDI từ Nhật Bản giảm 70%, từ Hàn Quốc giảm 46%, từ Thái Lan giảm 35%, từ Mỹ giảm 9%, từ Singapore giảm 8%...) ngoại trừ Trung Quốc và các nguồn có liên quan tới Trung Quốc (Hong Kong, Đài Loan).

Điều này hầu như trái ngược hoàn toàn với nhiều nhận định lý thuyết, rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đón dòng vốn FDI chuyển hướng từ Trung Quốc.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này cũng gắn với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung:

Thứ nhất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến kinh tế thế giới bất ổn, tác động trực tiếp tới các tính toán kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên khắp thế giới, từ đó ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của họ. Do đó dòng đầu tư FDI trên toàn thế giới cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo thống kê của JETRO, tổng vốn FDI của Nhật đầu tư trên toàn thế giới quý IV 2018 đã giảm 21% so với quý III 2018, quý I 2019 đã có cải thiện hơn nhưng vẫn chưa bằng 90% so với quý III 2018. Vì vậy thu hút đầu tư FDI của Việt Nam giảm cũng nằm trong vòng xoáy chung. Và nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, tình hình thu hút FDI thậm chí còn có thể có chiều hướng đi xuống. Số liệu từ MPI cho biết tổng vốn FDI 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ (trong khi số liệu 6 tháng đầu năm là giảm 9.2%).

Thứ hai, để đối phó với khó khăn từ căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế, trong đó có các biện pháp ưu đãi, thu hút FDI vào các lĩnh vực Trung Quốc mong muốn. Về phía các nhà đầu tư, một bộ phận đáng kể đầu tư vào Trung Quốc không phải để xuất khẩu đi Mỹ mà là để tận dụng thị trường rộng lớn của chính Trung Quốc, để tranh thủ các ưu đãi theo Chương trình Made in China 2025 (MIC 2025) hoặc để xuất khẩu đi các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Do đó, mặc dù bị chững lại một thời gian, nguồn FDI đang có xu hướng tiếp tục đổ vào Trung Quốc. Bằng chứng là mặc dù giảm sâu vào tháng 1/2019, vốn FDI tháng 6/2019 vào Trung Quốc đã quay trở lại xấp xỉ bằng với mức vốn FDI mà nước này thu hút được cùng kỳ 2018.

Thứ ba, trong trường hợp dịch chuyển vốn FDI khỏi Trung Quốc, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, mà trong đó Việt Nam không hẳn đã là lựa chọn tốt nhất. Ví dụ, theo dữ liệu từ JETRO, vốn FDI Nhật Bản quý III 2018 sụt giảm sâu ở thị trường Trung Quốc và tăng đột biến ở thị trường Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, nhưng giảm ở Việt Nam. Đến khi vốn FDI Nhật Bản tăng trở lại Trung Quốc vào quý IV 2018, vốn đầu tư vào các thị trường nói trên giảm, nhưng Việt Nam giảm sâu hơn. Tình trạng được cải thiện vào Quý I 2019, khi FDI Nhật vào tất cả các thị trường tăng trở lại, tuy nhiên mức tăng vào Việt Nam lại thấp hơn so với mức tăng vào nhiều thị trường khác.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Internet)
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Internet)

Như vậy, ít nhất từ các góc độ này và với các số liệu thực tế thời gian qua, có thể thấy trong tổng thể căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực tế và triển vọng thu hút FDI của Việt Nam.

Tình hình sẽ còn phức tạp hơn khi các tác nhân ảnh hưởng nói trên đều là những yếu tố sẽ vẫn còn hiện diện trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang.

Tư Giang (ghi)

(Còn nữa)

(*) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII, XIV, là Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII, XIII, XIV.