Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tháng 11 năm 2019, hoạt động xuất siêu đạt 100 triệu USD, giảm mạnh so với mức 1,86 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, con số 100 triệu USD này cũng đã giúp xuất siêu trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao kỷ lục 9,12 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó khu vực trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 32,6 tỷ USD (bao gồm dầu thô). Bộ Công thương tin tưởng rằng, 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Số liệu từ 11 tháng đầu năm cho thấy, có đến 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 10 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là mặt hàng điện thoại và linh kiện (48,73 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD).
Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại Việt Nam (Nguồn: VietTimes tổng hợp)
|
Bộ Công thương nhận định, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đang cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Đây có thể xem là điểm sáng của thị trường trong việc nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.
Một điểm đáng chú ý khác là sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước. 11 tháng đầu năm nay, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).
Đảo chiều, nhập siêu trong tháng cuối năm?
Hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua được hỗ trợ mạnh mẽ từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mà nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên diễn biến xuất nhập khẩu trong tháng cuối năm 2019 có thể sẽ đi theo hướng ngược lại.
Đối với tháng cuối năm 2019, Bộ Công thương nhận định Việt Nam sẽ thiên về nhập siêu nhiều hơn. Vì đây là thời điểm nhu cầu nhập lượng lớn hàng hóa sản xuất, tiêu dùng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng cao. Bên cạnh đó, Samsung dự kiến tăng nhập khẩu các linh kiện điện tử phục vụ cho đợt ra mắt sản phẩm mới vào quý I/2020, sẽ góp phần không nhỏ vào chiều nhập khẩu của Việt Nam vào tháng cuối cùng năm 2019.
Hoạt động xuất khẩu bên cạnh đó, lại đang đứng trước nhiều thách thức do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Xuất khẩu sang Mỹ tuy tăng nhanh, nhưng cũng có kéo theo hệ lụy là nước bạn tăng kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam./.