Nhóm của ông Trump cân nhắc thúc đẩy cải tổ WHO, muốn Mỹ lãnh đạo tổ chức

Chính quyền Trump đang xem xét một kế hoạch cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có đề xuất để người Mỹ nắm giữ vị trí lãnh đạo, nhằm duy trì tư cách thành viên của Mỹ tại cơ quan y tế toàn cầu này.
Logo của Tổ chức Y tế Thế (WHO) giới được nhìn thấy tại trụ sở của tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 28/1. Ảnh: Reuters.

Tài liệu này, được chia sẻ với các cố vấn của Tổng thống Donald Trump trước lễ nhậm chức ngày 20/1, đề xuất rằng Mỹ nên nhanh chóng tuyên bố rút khỏi WHO và áp dụng một "cách tiếp cận hoàn toàn mới" đối với tổ chức này, bao gồm việc thúc đẩy một quan chức Mỹ đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc khi nhiệm kỳ của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kết thúc vào năm 2027.

Sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO là một trong những động thái chính sách đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức, và nếu được thực hiện, WHO sẽ mất đi nhà tài trợ lớn nhất vào tháng 1/2026. Lệnh này cáo buộc tổ chức đã xử lý sai đại dịch Covid-19 và chịu ảnh hưởng quá mức từ các quốc gia khác, điều mà WHO phủ nhận.

Ông Trump sau đó gợi ý rằng Mỹ có thể quay lại WHO nếu tổ chức này được "thanh lọc", nhưng không đưa ra chi tiết về yêu cầu cụ thể.

Tranh cãi về cải tổ WHO

Đề xuất cải tổ WHO đã được thảo luận từ trước khi ông Trump nhậm chức, nhưng không rõ liệu chính quyền của ông có thực hiện các khuyến nghị khác trong tài liệu hay không, theo hai nguồn tin được Reuters dẫn lại.

Người phát ngôn Nhà Trắng, ông Kush Desai, cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền Trump "sẽ tiếp tục xem xét các quy trình hiện tại và các cơ quan y tế để thực hiện những cải cách cần thiết". Tuy nhiên, ông không bình luận về các cuộc thảo luận liên quan đến WHO.

Được một chuyên gia chính sách độc lập biên soạn theo yêu cầu của nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, tài liệu nhận định rằng WHO đã trở thành "cơ quan hỗn loạn nhất và kém hiệu quả nhất của Liên hợp quốc".

Tài liệu này cáo buộc WHO không thực hiện được những cải cách được đề xuất trong 2 thập kỷ qua, dẫn đến sự suy thoái trong quản lý và chuyên môn khoa học. Nó thừa nhận rằng việc Mỹ rời khỏi WHO có thể gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, nhưng cũng lập luận rằng việc tiếp tục ở lại mà không có cải cách cũng không mang lại lợi ích.

Ông Søren Brostrøm, Giám đốc cải tổ của WHO, đã bác bỏ những chỉ trích này trong một cuộc phỏng vấn, khẳng định rằng tổ chức đã tiến hành những cải cách quan trọng nhất từ trước đến nay dưới sự lãnh đạo của ông Tedros.

"Chúng tôi đã cải tổ hoàn toàn và vẫn đang tiếp tục", ông Brostrøm nói, dẫn chứng việc WHO tăng cường tính độc lập tài chính, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các giám đốc quốc gia bên ngoài trụ sở chính và minh bạch hơn trong chi tiêu.

Ông Brostrøm cho biết WHO có phạm vi hoạt động rộng hơn so với các cơ quan khác của Liên hợp quốc, nhưng nhấn mạnh rằng phản ứng của tổ chức này với các cuộc khủng hoảng y tế không hề hỗn loạn. "Nếu các quốc gia thành viên có thêm yêu cầu về cải tổ, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện", ông nói.

Mỹ có thể rút lui hoàn toàn?

Tài liệu đề xuất kêu gọi bổ nhiệm một đặc phái viên Mỹ vào năm 2025, báo cáo trực tiếp lên ông Trump và Nhà Trắng, để giám sát các cuộc đàm phán với WHO về những cải cách tiềm năng trước khi lệnh rời khỏi tổ chức có hiệu lực vào năm 2026.

Hiện tại, sự phối hợp của Mỹ với WHO do Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đảm nhiệm. Đặc phái viên này sẽ thúc đẩy một quan chức Mỹ lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí lãnh đạo WHO.

"Từ trước đến nay không có lý do chính thức nào cho việc này, và việc thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong WHO là một yếu tố quan trọng khiến nguồn tài trợ của Mỹ bị lãng phí và hiệu quả của tổ chức suy giảm", tài liệu lập luận.

Ông Brostrøm cho biết bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể đề cử ứng viên cho vị trí Tổng Giám đốc. Hội đồng điều hành WHO sẽ chọn ra danh sách ứng viên rút gọn, và người giành được ít nhất 2/3 số phiếu bầu của các quốc gia thành viên sẽ được chọn.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 18% tổng ngân sách hằng năm của tổ chức, bao gồm 400 triệu USD tiền tài trợ tự nguyện và 130 triệu USD tiền đóng góp bắt buộc theo quy mô nền kinh tế. WHO cảnh báo rằng tổ chức này có thể phải cắt giảm ngân sách nếu không có các nguồn tài trợ khác bù đắp phần thiếu hụt từ Mỹ.

Mỹ đã ngừng hợp tác với WHO, bao gồm cả lệnh cấm trao đổi với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), một đối tác lâu năm trong việc xác định và kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn có đại diện tham dự cuộc họp Hội đồng điều hành WHO diễn ra từ ngày 3-11/2 tại Geneva, nơi sẽ quyết định ngân sách và ưu tiên hoạt động sắp tới của tổ chức, theo ông Brostrøm.

Tuần trước, 43 nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi ông Trump xem xét lại kế hoạch rời khỏi WHO vì sức khỏe của người dân Mỹ và thế giới. Các nhà hoạt động y tế công cũng đang tìm cách ngăn chặn động thái này, bao gồm cả việc có thể kiện pháp lý để thách thức quyết định.