Cụ thể, báo cáo của VDSC nhấn mạnh vị thế thanh khoản đối với VND vẫn ở trạng thái dồi dào. Ngược lại, căng thẳng thanh khoản USD ngày càng gia tăng do Fed tăng lãi suất, mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế của NHNN và xu hướng dòng tiền USD.
Nhóm phân tích cho rằng, chênh lệnh tỉ giá USD/VND ngày càng rộng và tỉ giá hối đoái tăng ổn định đến từ sự phân kỳ chính sách giữa Mỹ và Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng tiền USD ra khỏi Việt Nam.
“Kết hợp với tác động của bất ổn toàn cầu đối với cán cân thương mại và dòng vốn FDI vào ròng làm suy yếu tương đối tăng trưởng, những yếu tố này sẽ gây ra căng thẳng kéo dài cho tỉ giá hối đoái. Hệ quả là một lượng USD đáng kể được bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới hơn 10 tỉ USD”, báo cáo viết.
Theo VDSC, các động thái của NHNN là phù hợp với mục tiêu duy trì lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Tỉ giá trên liên ngân hàng đang dao động quanh tỉ giá bán USD kỳ hạn 3 tháng của NHNN, đồng nghĩa có thể sẽ còn nhiều USD được bán qua các hợp đồng kỳ hạn hơn trong thời gian tới.
Ở một diễn biến đáng chú ý, ngày 21/6, NHNN bắt đầu thực hiện giao dịch bán hẳn tín phiếu với khối lượng nhỏ 200 tỉ đồng. Trong 3 ngày tiếp theo, NHNN thu về tổng cộng gần 70.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,7%/năm.
Bất chấp nỗ lực theo dõi nguồn cung tiền VND để thu hẹp chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi, lãi suất cho vay VND liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ lên mức 0,5% vào ngày 24/6 từ mức 0,3-0,4% vài ngày trước đó.
VDSC cho rằng việc tái khởi động kênh hút tiền của NHNN sẽ giúp điều chỉnh đà tăng của tỉ giá hối đoái và áp lực lên dự trữ ngoại hối./.