Chạy đua phát triển 5G, ai được lợi?

Nhìn lại bài học từ phát triển 4G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các doanh nghiệp viễn thông vừa mạnh tay chi hàng chục ngàn tỷ đấu thầu bằng tần 5G. Tuy nhiên, khi có băng tần 5G, việc phát triển nội dung như thế nào lại là bài toán làm “đau đầu” các nhà mạng.

Sau 7 năm thương mại hoá 4G, người dân Việt Nam lướt web tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần với giá cước không đổi so với 3G.
Sau 7 năm thương mại hoá 4G, người dân Việt Nam lướt web tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần với giá cước không đổi so với 3G.

Sau 7 năm thương mại hóa 4G, người dân Việt Nam lướt web tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần với giá cước không đổi so với 3G. Ngày 9/7 ghi nhận bước ngoặt của viễn thông Việt Nam khi cả 3 khối băng tần được quy hoạch để triển khai 5G đã lần lượt có chủ. Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa phát triển mạnh mẽ 5G để xây dựng hệ sinh thái đồng bộ, tăng tốc chuyển đổi số.

Tuy nhiên, việc trúng đấu giá mới chỉ là bước đầu để tiến tới việc thương mại hóa công nghệ này. Ba nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đã chi tổng cộng gần 13 nghìn tỷ đồng để trúng đấu giá quyền sử dụng tần số và sẽ còn phải chi hàng nghìn tỷ đồng nữa để xây dựng hạ tầng khai thác 5G.

Điều khiến các nhà mạng lo lắng nhất là bài toán kinh doanh, mà cụ thể là lượng người dùng không đủ lớn. Việc này đặt trong bối cảnh băng thông 4G đang đáp ứng tốt nhu cầu dữ liệu của khách hàng và được nhận định vẫn sẽ là công nghệ chủ đạo đến năm 2030.

VietTimes xin gửi tới quý độc giả tuyến bài về góc nhìn về khai thác để tối ưu công nghệ 4G và triển khai 5G tại Việt Nam hiện nay.

Phát triển 5G thế nào khi 4G vẫn đáp ứng tốt nhu cầu người dùng?

Cầm trên tay chiếc điện thoại iPhone 11 Promax còn mới, một chuyên gia kỳ cựu của lĩnh vực tần số vô tuyến điện cho biết thiết bị này không được hãng hỗ trợ 5G ngay từ thiết kế. Để phục vụ công việc, ông phải dùng thêm chiếc smartphone đời cao hơn.

Theo chuyên gia này, thiết bị là một trong những khó khăn nhãn tiền trong việc tiến tới phổ cập dịch vụ 5G mà Việt Nam và nhiều quốc gia đang tập trung phát triển trong vài năm gần đây, nhất là trong bối cảnh đa phần người dân Việt Nam không đầu tư quá nhiều cho thiết bị di động. Trong khi dòng điện thoại 4G đang có độ phủ rất tốt, với giá chỉ từ 400.000 đồng/chiếc.

Thực tế này cũng được nêu ra tại hội nghị công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao (99,8%, so với 99,4%). Ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đang chiếm trên 90% thị phần viễn thông. Trong đó, Viettel nắm giữ vững vị trí số 1 về viễn thông với 56,5% thị phần thuê bao di động. Khoảng 34% thị phần viễn thông còn lại do MobiFone và VNPT, công ty mẹ của VinaPhone nắm giữ.

Về hiệu quả kinh doanh, Viettel xếp đầu thị trường, cao hơn hẳn "ông lớn" cùng ngành là VNPT. Doanh thu năm 2023 của Viettel đạt 172.520 tỷ đồng - gấp 3,4 lần, lợi nhuận đạt 35.267 tỷ đồng - gấp gần 10 lần so với VNPT. MobiFone xếp thứ ba, tụt lại rất xa so với hai tập đoàn này.

Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone trong tổng số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam đang là khoảng 85%, cũng ở mức cao so với thế giới (đang khoảng 63%). Với việc tắt sóng 2G đang triển khai, mọi người dân Việt Nam sẽ dùng điện thoại 4G vào cuối năm 2024.

kham-chua-benh-tu-xa-6-848638484394512160497.jpg
Các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam là tiến bộ do công nghệ 4G mang tới.

Sau 7 năm chính thức thương mại hoá 4G (từ tháng 4/2017), người dân Việt Nam không chỉ lướt web tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần với giá cước giữ nguyên, mà còn được hưởng những tiện ích mới, chất lượng khác biệt hoàn toàn so với nền tảng 2G, 3G trước đây.

Mạng 4G đã trở thành nền tảng triển khai nhiều ứng dụng 4.0 phục vụ người dân Việt Nam. Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thông minh, quản lý an ninh, xem phim trực tuyến... ngày càng gần gũi. Thời gian tải một video 4K trên YouTube bằng 4G chỉ tốn vài giây, trong khi 3G phải mất tới chục phút. Hầu hết người dùng đều phản hồi tích cực về tốc độ đăng lên và tải xuống dữ liệu, thậm chí có thể xem phim độ phân giải cao trực tuyến mà không lo giật lag.

Cước phí data tại Việt Nam đang duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Vì thế, người dân có cơ hội sử dụng internet, tiếp cận không gian số. Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, giá cước dịch vụ dữ liệu di động của Việt Nam năm 2023 rẻ thứ 21/237 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong số các nước châu Á và đứng thứ 4 trong khối ASEAN.

Với những đặc điểm nêu trên, vị chuyên gia tần số vô tuyến điện cho rằng cùng chung dòng chảy với các quốc gia phát triển về viễn thông trên thế giới, 4G vẫn là công nghệ chủ đạo với số lượng thuê bao chiếm đa số cho đến năm 2030, sau đó mới bắt đầu giảm dần khi 5G bắt đầu chiếm lĩnh.

4G hiện đáp ứng tương đối tốt trước những yêu cầu của xã hội hiện nay, với nhu cầu chủ yếu là dịch vụ truy cập Internet, bản đồ - dẫn đường, ngân hàng, thương mại điện tử. Cũng vì thế, đa phần người dân hiện nay chưa có động lực chuyển mạng 5G. Nhu cầu sử dụng 5G chủ yếu liên quan các doanh nghiệp.

Cần mở rộng dung lượng mạng 4G song hành cùng triển khai 5G

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, những năm gần đây, một số nhà mạng tại Việt đầu tư ít cho hạ tầng mạng viễn thông, nên chất lượng mạng lưới chưa thật tốt. Muốn phát triển bền vững, nhà mạng mỗi năm phải đầu tư 15 - 20% doanh thu cho mạng lưới. Đối với VNPT và Viettel, con số này khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng.

Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu, tốc độ cao thì bình quân 1.000 dân có một trạm phát sóng. Tuy vậy, mạng di động tốt nhất hiện nay ở Việt Nam chỉ đạt bình quân 2.000 dân mới có 1 trạm phát sóng. Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng cần đầu tư mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng mạng lưới 4G và triển khai 5G.

cac-ki-su-viettel-len-phuong-an-toi-uu.jpg
Chi hàng ngàn tỷ đồng sở hữu quyền sử dụng tần số, doanh nghiệp viễn thông còn cần hàng ngàn tỷ đồng nữa để xây dựng hạ tầng 5G nhưng hiện lượng người dùng không đủ lớn.

Yêu cầu của Bộ trưởng Hùng cũng là bài toán thực tế triển khai của quốc tế khi tốc độ mạng 5G lên đến là 10 Gbps (nhanh hơn 10 lần so với mạng 4G), hỗ trợ nhiều nhu cầu sử dụng khác mà 4G không thể thực hiện được nhưng trong thời gian trước mắt 5G chưa thể thay thế hoàn toàn.

Các nhà mạng trong nước cũng xác định hướng phát triển này. Như Viettel, khi nhận giấy phép thiết lập mạng 5G, Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết Viettel sẽ tăng cường hạ tầng cho 4G, đồng thời quyết tâm sớm đưa 5G tới khách hàng trong năm 2024.

Lý do Viettel chi khoản tiền khổng lồ hơn 7.500 tỷ đồng, gấp 3 lần khoản chi của VNPT và MobiFone, để đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 2500 - 2600 MHz phần nhiều có liên quan việc phát triển 4G. Khối băng tần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G.

Trao đổi với VietTimes, bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, dự đoán thời gian cùng tồn tại của 2 thế hệ mạng này phải lên tới vài năm. Cùng chung quan điểm 4G là một trong những công nghệ mũi nhọn đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay và đến năm 2023, đại diện Ericsson nói rằng dữ liệu 4G sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn nữa. Đây là một trong những nền tảng tốt trong việc chuyển đổi sang 5G và nhà mạng nên tận dụng khoản đầu tư của họ vào 4G để chuyển sang 5G nhanh chóng và hiệu quả.

Dẫn nhiều ứng dụng đã trở thành gần gũi với người dùng Việt Nam như Marketplaces, Grab, Facebook, bà Rita Mokbel chỉ ra rằng đã có nhiều ứng dụng nội dung số mới làm thay đổi cuộc sống khi 4G xuất hiện. Tương tự vậy, việc phát triển 5G trong nước tới đây sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người Việt Nam được hưởng những lợi ích còn đang bị hạn chế bởi 4G.

mobifone-9241-1720519098.jpg
Kỹ thuật viên của MobiFone tại một trạm 5G thử nghiệm. Ảnh: Vnexpress

Trong bối cảnh các nhà mạng dồn mọi nguồn lực để phát triển 5G, chuyên gia về tần số vô tuyến điện cho rằng các nhà mạng cần hết sức cân nhắc về việc ưu tiên đầu tư khi phát triển 5G trong bối cảnh tiếp tục triển khai 4G hiệu quả, nhằm đảm bảo vừa tối ưu doanh thu hiện nay mà vẫn phát triển lâu dài.

Cụ thể, các nhà mạng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn của 4G trên mạng lưới, đặc biệt là về VoLTE để những người có điện thoại 4G vẫn có chất lượng cuộc thoại ổn định sau khi nhà mạng tắt sóng 2G. Hiện nay, xu hướng sử dụng các dịch vụ OTT như Viber, Zalo, Messenger thay thế dịch vụ thoại truyền thống nhưng nhu cầu thoại vẫn rất lớn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông cần tối ưu hoá mạng lưới để có sự phân bổ hợp lý về dịch vụ và đầu tư giữa mạng 4G và 5G. Trong đó, ở vùng thưa, nhà mạng ưu tiên phát triển 4G, những vùng đông dân cư, khu công nghiệp, trường học, nhà ga, phố đi bộ thì cần ưu tiên 5G để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

“Đối với Việt Nam, 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong nhiều năm nữa, nên việc tiếp tục đầu tư vào 4G là cần thiết. Sau đại dịch, mọi người chuyển dần sang thói quen làm việc online nên yêu cầu về mạng băng rộng di động rất lớn, cần mở rộng dung lượng mạng 4G, đồng thời triển khai 5G tại các điểm nóng, khu công nghiệp, thành phố lớn”, chuyên gia nói.

7 năm trước, sự phát triển của dịch vụ 4G làm nên bước nhảy thúc đẩy các dịch vụ nội dung số. Đến nay, 5G được nhận định sẽ tạo đà cho nền kinh tế số năng động, đặc biệt trong bối cảnh các nhà mạng sẽ tắt hoàn toàn sóng 2G vào giữa tháng 9 tới. Phương án kinh doanh 5G trong bối cảnh chi phí đấu giá quyền sử dụng băng tần vốn rất cao và đầu tư hạ tầng rất lớn đang là bài toán đau đầu với cả 3 doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobiFone tham chiến thị trường này.

Trong bài viết tiếp theo, VietTimes đề cập việc 5G rất tiềm năng nhưng lợi nhuận không đến ngay. Hiện nay, các doanh nghiệp trúng thầu đang gặp khó khăn gì trong việc xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả? Và trước sức ép tiến độ triển khai hạ tầng, các nhà mạng cần làm gì để không bị thu hồi giấy phép.