|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internert |
Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và VFA căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tiến hành rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Chính phủ trong Quý II/2017.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tiếp tục thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa với Lộ trình đã được ban hành theo các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy thực hiện Lộ trình có hiệu quả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan đánh giá cụ thể kết quả thực hiện Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020 thời gian qua; nghiên cứu việc quy định thực hiện Lộ trình này là điều kiện bắt buộc đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Mới đây, Quốc hội đã quyết định giữ nguyên kinh doanh xuất khẩu gạo trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các chuyên gia đã kiến nghị bãi bỏ một số điều kiện với xuất khẩu gạo. Đặc biệt, các điều kiện liên quan đến quy mô của doanh nghiệp được cho là bất hợp lý và không cần thiết, cản trở cạnh tranh, như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Còn theo Bộ KH&ĐT, việc quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo cũng không cần thiết, cần được bãi bỏ. Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, cũng như các quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể là phi thị trường, bởi sản xuất cái gì, bao nhiêu là do thị trường quyết định chứ không phải là các bản quy hoạch khô cứng.