Nhiều công ty ở Đài Loan lên sẵn kế hoạch "tháo chạy" trong bối cảnh căng thẳng quân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các công ty đa quốc gia owr Đài Loan đã lên kế hoạch sơ tán tài sản và nhân sự vì lo ngại viễn cảnh Trung Quốc tấn công hòn đảo này.
Nhiều công ty nước ngoài có sẵn kế hoạch rời khỏi Đài Loan, trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công (Ảnh: Reuters)
Nhiều công ty nước ngoài có sẵn kế hoạch rời khỏi Đài Loan, trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công (Ảnh: Reuters)

Mặc dù không có ai chắc chắn rời đi, nhưng giới phân tích cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc đã khiến cho một số công ty lên kế hoạch khẩn cấp hoặc từ bỏ những kế hoạch trước đây mà họ từng đưa ra nhằm giữ cho nhân sự và tài sản được an toàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc bao vây.

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận vây hãm Đài Loan từ thứ Năm tuần trước, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh để thực hiện chuyến thăm tới hòn đảo tự trị.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời của họ và cần tái thống nhất, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Các nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, trong đó có Mỹ, cam kết tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, trong đó nêu Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nhưng họ có thể không hoàn toàn nhất trí với điều đó. Washington không đưa ra quan điểm về hiện trạng của Đài Loan, nhưng họ phản đối mọi nỗ lực chiếm hòn đảo này bằng vũ lực.

“Nhiều công ty đang tạo nên các cấu trúc tốt hơn để kiểm soát và phân tích những thay đổi về địa chính trị, cùng lúc vạch ra nhiều viễn cảnh cho đội ngũ nhân viên và cả chuỗi cung ứng trong trường hợp Đài Loan bị phong tỏa,” Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Đài Loan, nói. “Căng thẳng gia tăng mà giới doanh nghiệp cảm nhận thấy càng trở nên lớn hơn do sự không chắc chắn về môi trường hòa bình trên eo biển Đài Loan, và thiếu lựa chọn trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.”

Có 7 công ty thuộc danh sách Fortune 500 đã yêu cầu công ty an ninh Global Guardian của Mỹ vạch ra những trường hợp mà họ nên di dời nhân sự, tài sản và cơ sở hạ tầng khỏi Đài Loan, Politico dẫn lời Dale Buckner, CEO của công ty trên, cho hay.

“Có một số công ty đang cân nhắc điều này một cách rất nghiêm túc bởi họ không muốn điều đã xảy ra ở Nga, từng khiến họ mất hàng tỉ USD tài sản, cả tài sản vật chất lẫn tài chính,” ông Buckner nói.

Có ít nhất 37 công ty đa quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực từ năng lượng, ngân hàng cho tới xe hơi, đã mất khoản tiền trong từ 100 triệu – 24 tỉ USD do cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine, theo công ty nghiên cứu thị trường Statista.

Trong thập kỷ vừa qua, các công ty đa quốc gia như Microsoft và Google đã mở rộng sự hiện diện của họ tới Đài Loan để thu hút nguồn nhân tài trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Apple cũng phải dựa vào một số công ty của Đài Loan để sản xuất các bộ phận iPhone và lắp ráp.

Cơ quan Kinh tế của Đài Loan báo cáo rằng có 729 dự án có vốn đầu tư nước ngoài tính từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, với tổng giá trị 3,1 tỉ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ở Đài Loan ở mức trung bình 569,95 tỉ USD trong giai đoạn 1996-2022, theo dữ liệu của Trading Economics.

“Chắc chắn rằng nguy cơ mà các công ty nước ngoài đang phải đối diện đã tăng lên do các cuộc tập trận quân sự, và nguy cơ xảy ra xung đột không mong muốn hoặc có ý định cũng tăng lên,” Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao đến từ hãng Capital Economics, trụ sở tại London, nói.

Các công ty này sẽ không thay đổi hoạt động làm ăn của họ ở Đài Loan trong ngắn hạn, ông Hammond-Chambers dự báo, và không có thành viên nào trong hội đồng cân nhắc tới việc rời khỏi Đài Loan. Các khoản đầu tư tới Đài Loan sẽ được giữ vững do “những cam kết” nghiên cứu phát triển và quan điểm cho rằng Đài Loan cung cấp sự bảo vệ “ưu việt” cho tài sản trí tuệ, ông nói.

Theo SCMP