Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ kết quả chuyển giao kỹ thuật cho y tế huyện vùng cao

Một phụ nữ người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Bắc Quang (Hà Giang) chửa ngoài dạ con bị vỡ, chảy máu ồ ạt đã được cứu sống, nhờ một chỉ đạo “tình cờ” nhưng mang tính chiến lược của chuyên gia tuyến trên.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh cùng các chuyên gia của BV Việt Đức có mặt tại các địa phương vùng cao ngay trong bão lũ YAGI để hỗ trợ chuyên môn

Những bệnh nhân may mắn

Trong chuyến công tác chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Khu vực (BVĐKKV) Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc BV Hữu Nghị (HN) Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam - đi kiểm tra các phòng mổ của BV.

Thấy BV có 4 phòng mổ, chỉ 3 phòng hoạt động, còn một phòng để làm kho vì thiếu thiết bị, PGS. Khánh lưu ý BV phải dọn dẹp ngay để sẵn sàng phòng mổ cho những trường hợp cấp cứu.

Thật bất ngờ khi chỉ ít phút sau, khi các bác sĩ đang phẫu thuật cho 3 bệnh nhân ở 3 phòng mổ, thì một phụ nữ chửa ngoài dạ con vỡ, chảy máu ồ ạt, rất nguy kịch, được đưa vào cấp cứu.

Bệnh nhân lập tức được đưa vào phòng mổ thứ tư, nhưng vì phòng này không có máy thở, các bác sĩ phải chuyển máy đang dùng cho bệnh nhân mổ, đưa sang cấp cứu thai phụ, còn các bác sĩ thay nhau bóp bóng bằng tay cho ca mổ tiếp tục.

Được cấp cứu kịp thời, thai phụ đã ra viện sau 5 ngày và hiện đã đi dạy học trở lại. Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình về bệnh nhân được cứu sống kịp thời nhờ công tác chỉ đạo tuyến (CĐT) mà BV HN Việt Đức đã triển khai trong nhiều năm qua. Nhờ đó, nhiều BV tuyến huyện đã nâng cao chất lượng chuyên môn, làm chủ được nhiều kỹ thuật khó.

Thai phụ chửa ngoài dạ con bị vỡ (áo vàng) được cấp cứu kịp thời đã đi làm trở lại

Đợt bão Yagi, nhiều khu vực ở Lào Cai, nhất là Làng Nủ, bị chia cắt, cán bộ y tế tuyến huyện đã chủ động cấp cứu các nạn nhân theo phương án “4 tại chỗ” trước khi liên lạc được với tuyến trên để cầu viện, đã chứng minh vai trò và khả năng của BV tuyến huyện.

Do đã thiết lập hệ thống KCB từ xa qua Telemedicine, nên khi có thảm hoạ, thiên tai, các chuyên gia của BV HN Việt Đức đã hội chẩn, hỗ trợ trực tuyến cho các BV tuyến dưới cấp cứu nạn nhân, như vụ sập cầu Phong Châu, đặc biệt là các bệnh nhân nặng ở Làng Nủ, bệnh nhân nguy kịch do sập nhà ở Văn Yên (Yên Bái)…

BV HN Việt Đức còn đưa các chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, chấn thương sọ não lên Yên Bái giữa bão lũ, đưa ra ý kiến chuyên môn để hỗ trợ tuyến dưới phân loại bệnh nhân, giúp các bác sĩ tự tin và bệnh nhân yên tâm điều trị.

Nâng cao chất lượng tuyến huyện vùng biên

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết: Công tác CĐT của BV HN Việt Đức đã triển khai nhiều năm, được Bộ Y tế đánh giá cao, khi giúp các BV tuyến dưới, nhất là các tỉnh biên giới, vùng cao làm chủ được nhiều kỹ thuật, từ đó, đã giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến và tử vong.

Tháng 2/2021, BV HN Việt Đức được Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh (RCS) công nhận đạt tiêu chuẩn toàn cầu về đào tạo ngoại khoa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hội nhập và phát triển của BV

Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, BVHN Việt Đức tổ chức các đoàn trở lại khảo sát, phát hiện nhiều cán bộ y tế tuyến dưới đã “rơi rụng” nên thiếu nhân lực, trang thiết bị cũ hỏng, khiến chuyên môn chệch choạc. Tỉ lệ chuyển tuyến tăng vọt, tỉ lệ biến chứng cao, kỹ thuật thông thường không làm được, kỹ thuật mới không cập nhật.

Các chuyên gia của BV HN Việt Đức trực tiếp đến BV Bảo Thắng (Lào Cai) để hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới

Để khắc phục tình trạng này giúp người dân địa phương được cứu chữa kịp thời, BVHN Việt Đức đã về các BV tuyến dưới, tìm hiểu nhu cầu của họ để hỗ trợ chuyên môn.

Thực tế, các tỉnh biên giới như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng… vẫn rất khó khăn, nhất là tuyến huyện, do đường xá xa xôi, cách trở, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân tăng.

Sau khi hỗ trợ tuyến tỉnh cơ bản ổn định, BV HN Việt Đức quyết định “với tay” xuống hỗ trợ tuyến huyện, đặc biệt các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Quang (Hà Giang), Sốp Cộp, Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La), Nghĩa Lộ (Yên Bái), nhằm cứu sống những bệnh nhân mà nếu chuyển tuyến sẽ tử vong trên đường, giúp người dân được hưởng các kỹ thuật cao tại quê hương, giảm chi phí đi lại, đồng thời, giảm tải cho tuyến trên. Đây là BV TW đầu tiên hỗ trợ tới tuyến huyện.

Các BV vùng cao cũng rất mong được chuyển giao kỹ thuật, để rút ngắn khoảng cách về chuyên môn và thời gian đào tạo, như BV huyện Đồng Văn xa trung tâm tỉnh 150km, nhu cầu KCB cao vì là địa bàn du lịch, trong khi cán bộ y tế ít.

BV HN Việt Đức đã khẩn trương mở lớp các cấp cứu chấn thương ban đầu, đào tạo kỹ thuật ngoại khoa, gây mê hồi sức vv …cho tuyến huyện ở các tỉnh biên giới phía bắc.

Ở Nghệ An, BV Con Cuông được chuyển giao để làm chủ kỹ thuật mổ sọ não, sọ hở, máu tụ ngoài màng cứng…

Bệnh nhân (người Dao) đầu tiên được thay khớp háng nhân tạo tại BVĐKKV Bắc Quang, Hà Giang, gặp lại PGS. Nguyễn Mạnh Khánh - người trực tiếp chỉ đạo cuộc phẫu thuật

Lãnh đạo BV HN Việt Đức còn làm việc với lãnh đạo các tỉnh, đề nghị đầu tư cơ sở vật chất các BV huyện, tỉnh, có cơ chế chính sách phù hợp thu hút nhân lực.

Nhờ đó, BV nhiều tỉnh, huyện đã được cải tạo, xây mới, phát triển cả về trình độ kỹ thuật lẫn cơ sở vật chất. Nhiều BV được nâng hạng. Đặc biệt, các BV vệ tinh đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó nên tỷ lệ chuyển tuyến giảm mạnh, thậm chí không còn chuyển tuyến với các kỹ thuật mổ gãy vùng mấu chuyển xương đùi, cầm máu trong xuất huyết dạ dày, điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc, bơm xi măng thân đốt sống đoạn bản lề thắt lưng - thắt lưng cùng, mổ nội soi can thiệp qua đường niệu đạo …

Thống kê năm 2023 và 2024 cho thấy, các BV biên giới, vùng cao đã được BV HN Việt Đức CĐT, tỉ lệ chuyển tuyến giảm hẳn, thấp hơn cả nhiều BV ở đồng bằng.

“Y tế tuyến huyện rất quan trọng, vì có thể cấp cứu những ca nặng mà không thể chuyển tuyến. Vì thế, mong Bộ Y tế và các địa phương có chính sách ưu tiên cho y tế tuyến huyện vùng cao, biên giới.

Năm 2025, BV HN Việt Đức sẽ tiếp tục mở rộng công tác CĐT tới các huyện ở vùng cao, vùng khó khăn, với mong muốn bệnh nhân ở đây được chữa trị kịp thời, góp phần giảm tải cho tuyến TW” - PGS. Khánh chia sẻ.

Đánh giá cao công tác chỉ đạo tuyến, hôm nay, 7/11, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với BV HN Việt Đức, để nâng cao chất lượng KCB ở địa phương, thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tỉnh.