Báo Global Post cho hay từ nhiều năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra hạn định thắt chặt số người tị nạn được chấp nhận, vì lo sợ dòng chảy tị nạn sẽ làm ảnh hưởng đến chế độ xã hội thuần nhất của nước này.
Trong số 27 người tị nạn may mắn trên, chỉ có 6 người Afghanistan, 3 người Syria, 3 người Ethiopia, 3 người Sri Lanka, 2 người Eritrea và 2 người Nepal, hoàn toàn trái ngược với hàng chục ngàn người dân ồ ạ kéo đến các nước châu Âu xin tị nạn.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong năm 2015, nước này đã nhận được con số kỷ lục 7.586 đơn xin tị nạn. Điều này có nghĩa hơn 99% đơn xin tị nạn vào Nhật đều đã bị từ chối.
Tuy nhiên, Bộ cho biết đây đã là con số gia tăng đáng kể so với năm ngoái, với chỉ 11 người được tiếp nhận. Con số này vào năm 2013 là 6 người.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạt động nhân quyền trong nước đã kêu gọi chính phủ Nhật nên rộng tay tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn nữa.
Hiệp hội người tị nạn Nhật Bản cho biết: “chúng tôi hy vọng Nhật sẽ tổ chức các cuộc bàn thảo với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và các tổ chức phi chính phủ về vấn đề này, đồng thời nhanh chóng xem xét các biện pháp để xác minh những người tị nạn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế".
Các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và các cộng đồng di dân tại Nhật Bản trong nhiều năm qua cũng phàn nàn về cách đối xử khắc nghiệt của các quan chức nhập cư và về điều kiện sinh hoạt tại các trung tâm giam giữ người tị nạn.
Theo số liệu của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản là nơi trú ẩn của chỉ 2.419 người tị nạn, so với con số 267.222 ở nước đồng minh Hoa Kỳ và 1,8 triệu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Tuổi trẻ