Trước đó, có thông tin cho rằng Mỹ đang lôi kéo Hà Lan và Nhật Bản, cùng hợp lực để hạn chế việc Trung Quốc có được thiết bị bán dẫn tiên tiến.
Nhật Bản sẽ sửa đổi "Luật ngoại hối và ngoại thương" để phối hợp hơn nữa với các biện pháp kiểm soát. Tuyên bố của chính phủ Nhật Bản viết: "Chúng tôi đang hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia công nghệ và đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế".
Theo Nikkei Asia, bản tu chính án này dự kiến sẽ ban hành vào tháng 5 và thực hiện vào tháng 7 năm nay. Mặc dù tên của Trung Quốc hay quốc gia cụ thể khác không được ghi vào danh sách đối tượng quản chế nhưng 23 sản phẩm mới được bổ sung cần phải được chính phủ Nhật Bản phê duyệt trước khi có thể xuất khẩu. Các quan chức Nhật Bản cho biết động thái này không nhằm vào Trung Quốc mà nhằm nâng cao khả năng giám sát và ngăn chặn việc sử dụng công nghệ của Nhật Bản vào mục đích quân sự.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura thông báo việc quản chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip (Ảnh: Hk01). |
Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp quản chế xuất khẩu đối với 6 loại thiết bị được sử dụng để sản xuất chip, bao gồm các lĩnh vực như làm sạch, lắng đọng, ủ (annealing), vi ảnh, khắc và thử nghiệm. Khi các hạn chế có hiệu lực, 10 công ty, trong đó có Tokyo Electron Limited (TEL), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Nhật Bản, sẽ bị ảnh hưởng.
Reuters dẫn lời ông Suzuki Takamoto, một học giả tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Marubeni, nói các biện pháp này sẽ là đòn đánh vào các nhà sản xuất thiết bị Nhật Bản do thiếu thị trường chip mạnh ở trong nước. “Nó sẽ phá hoại sự phát triển thị trường của các công ty Nhật Bản và chắc chắn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của họ về mặt giám quản”, ông nói.
Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản cho biết biện pháp này sẽ có tác động hạn chế đối với các nhà cung cấp Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 31/3 rằng Nhật Bản sẽ thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với 23 loại sản phẩm thuộc 6 loại thiết bị được sử dụng trong sản xuất wafer; chính phủ sẽ lấy ý kiến của công chúng trước khi các quy tắc mới có hiệu lực vào tháng 7.
Ông Nishimura nói, chính phủ Nhật Bản dự đoán các biện pháp này sẽ chỉ có tác động hạn chế đối với các công ty trong nước và không nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể nào.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết các biện pháp này sẽ cải thiện việc giám sát và ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ tiên tiến cho mục đích quân sự. Họ cho biết việc xuất khẩu đối với khoảng 40 đối tác thương mại có lợi nhất cho Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng hơn 40 đối tác thương mại này không bao gồm Trung Quốc đại lục.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 13/1/2023 (Ảnh: AP). |
Nhật Bản có công nghệ bán dẫn tiên tiến hàng đầu thế giới và Tokyo Electron Limited là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Công ty Applied Materials của Mỹ và ASML, một nhà sản xuất chất bán dẫn của Hà Lan.
Năm ngoái, Tokyo Electron Limited đã hạ dự báo doanh số tính đến tháng 3 năm nay xuống 250 tỉ yên (khoảng 1,9 tỉ USD), tức 10,6%, một phần nguyên nhân do Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, doanh số bán thiết bị chip của công ty tại Trung Quốc đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,4% tổng doanh số trong quý.
Mỹ, Nhật, Hà Lan hợp sức
Vào đầu năm nay, các nguồn tin truyền thông chỉ ra rằng Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được thỏa thuận cùng nhau hạn chế Trung Quốc có được các thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đều đã đến thăm Nhà Trắng để thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Các biện pháp quản chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến của Mỹ, Nhật và Hà Lan được cho là nhắm vào Trung Quốc (Ảnh: Hk01). |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh từng đáp lại điều này bằng cách nói rằng Mỹ dùng "bá quyền tài chính” để vươn dài cánh tay quản lý, "hạ thấp khái niệm về an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu", kêu gọi Mỹ dừng việc hạn chế xuất khẩu.
Mỹ tuyên bố các chip tiên tiến có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để sản xuất vũ khí và xâm phạm nhân quyền.Vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm chip đối với Trung Quốc, mục tiêu là ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Chính phủ Hà Lan vào đầu tháng 3 năm nay đã công bố họ sẽ hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu một số thiết bị bán dẫn của ASML. Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Đàm Tiễn sau đó tuyên bố rằng ông đang liên lạc với phía Hà Lan về vấn đề này và hy vọng phía Hà Lan sẽ "hiểu rõ" về tác động tiêu cực của vấn đề này và “giữ đầu óc tỉnh táo”, nếu các biện pháp đó gây tổn hại cho Trung Quốc, Trung Quốc sẽ "thực hiện các hành động để bảo vệ lợi ích của mình."
Nếu Nhật Bản thực hiện các biện pháp quản chế xuất khẩu chất bán dẫn mới, Trung Quốc cũng có thể áp dụng các biện pháp đối phó. Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến của Mỹ sang Trung Quốc đã vi phạm các quy định của WTO.
Chiều ngày 31/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã tuyên bố hành vi của Nhật sẽ gây hại cho người khác và chính họ. Bà Mao Ninh cho rằng, sự hình thành và phát triển của chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chip toàn cầu là kết quả của sự vận động chung của quy luật thị trường và sự lựa chọn của doanh nghiệp.
Bà nói, việc chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ, phá hoại sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, hành vi như vậy sẽ chỉ gây hại cho người khác và chính mình.