Tác động của các biện pháp quản chế xuất khẩu bán dẫn của Mỹ đối với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Do tác động từ việc Mỹ quản chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và nhu cầu về các sản phẩm điện tử bị thu hẹp, nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đã bị giảm mạnh.
Các biện pháp quản chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ đã khiến nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc giảm mạnh (Ảnh: Shutterstock).
Các biện pháp quản chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ đã khiến nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc giảm mạnh (Ảnh: Shutterstock).

Tờ The Wall Street Journal của Mỹ ngày 23/12 trích dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã mua số thiết bị sản xuất chip trị giá 2,3 tỉ USD vào tháng 11, giảm tới 40% so với một năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đạt đỉnh cao là 4 tỉ USD vào tháng 6/2021; sau khi chính quyền của ông Joe Biden áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với việc bán cho Trung Quốc thiết bị sản xuất chip bán dẫn tiên tiến vào tháng 10, giá trị nhập khẩu bị giảm rất nhanh. Vào thời điểm đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ muốn ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ để tăng cường khả năng giám sát xã hội và sức mạnh quân sự của họ.

Dữ liệu cũng cho thấy nhập khẩu thiết bị bán dẫn giảm trong tháng 11 và 6 nhà cung cấp thiết bị chip lớn của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan, đều giảm tỷ lệ phần trăm mức hai con số.

Báo này chỉ ra rằng trước khi Mỹ áp dụng các biện pháp quản chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới trong năm nay, khiến nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của các hãng chế tạo thiết bị sản xuất chip Mỹ Applied Materials Inc. (AMAT), KLA Corp (KLAC) và Lam Research Corp (LRCX).

Trong một nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc (Ảnh: WSJ).

Trong một nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc (Ảnh: WSJ).

Doanh số bán chip yếu và tình trạng dư thừa trong ngành gần đây đã khiến các nhà sản xuất chất bán dẫn trên khắp thế giới cảm thấy “giá lạnh". Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc bất ngờ bị cấm mua các sản phẩm này đã khiến hoạt động kinh doanh chip toàn cầu vốn đang trong xu hướng đi xuống lại càng sa sút.

Trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu về các sản phẩm kỹ thuật số từng có dạo tăng vọt, kéo theo nhu cầu về chip của các nhà sản xuất sản phẩm điện tử cũng tăng theo. Giờ đây, khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với điện thoại thông minh và máy tính cá nhân suy giảm, các nhà sản xuất thiết bị điện tử này đang tiêu chip tồn kho thay vì đặt hàng mới.

Lệnh cấm chip của Mỹ không chỉ cấm các công ty Mỹ xuất khẩu một loạt chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, mà còn cấm xuất khẩu sang Trung Quốc sản phẩm của các quốc gia khác nếu họ sử dụng bất kỳ công nghệ nào của Mỹ để sản xuất các sản phẩm này.

Dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố cho biết, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ các đối tác thương mại lớn bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan đều giảm sau các biện pháp hạn chế mới của Mỹ.

Dữ liệu cho thấy nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm xuống còn 349 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với một năm trước đó. Con số đó giảm gần 30% so với nhập khẩu trong tháng 9, trước khi các quy tắc mới được công bố.

Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Nhật Bản của Trung Quốc đã giảm 40% xuống còn 687 triệu USD trong tháng 11. Nhật Bản là một trong những nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu thiết bị từ Hàn Quốc giảm mạnh 50% trong tháng 11 so với tháng 9, xuống còn 227 triệu USD.

Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ các quốc gia này đã giảm, cho thấy động thái của Mỹ đã có tác động ngay lập tức. Các nhà phân tích cho rằng sự hợp tác của các đồng minh của Mỹ là chìa khóa thành công cho các biện pháp quản chế xuất khẩu đối với Trung Quốc của Mỹ.

Hiệu quả của các quy tắc này đã khiến nhiều người trong ngành bất ngờ, không kịp trở tay. Các công ty chế tạo thiết bị sản xuất chip đã rút nhân viên khỏi các Nhà máy Trung Quốc và tạm dừng nghiệp vụ ở Trung Quốc, cho thấy uy lực quản chế xuất khẩu của Mỹ khá hiệu quả.

Biện pháp quản chế của Mỹ đã tác động mạnh đến ngành sản xuất chip của Trung Quốc (Ảnh: WSJ).

Biện pháp quản chế của Mỹ đã tác động mạnh đến ngành sản xuất chip của Trung Quốc (Ảnh: WSJ).

Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc và tác động đến khả năng cạnh tranh với phương Tây về công nghệ tiên tiến của họ, nhưng các quy tắc này có phạm vi rộng cũng có thể khiến các công ty Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD do mất doanh thu.

Theo báo cáo của các công ty Applied Materials Inc. (AMAT), KLA Corp. (KLAC) và Lam Research Corp (LRCX), năm 2021, khách hàng Trung Quốc đã mua của họ thiết bị sản xuất chip trị giá 14,5 tỉ USD.

Cả ba công ty này đã công khai nói về tác động của các biện pháp quản chế xuất khẩu của Mỹ được đưa ra vào tháng 10. Lam Research cho biết, bị ảnh hưởng bởi các quy định mới, họ dự kiến ​​​​doanh thu sẽ bị mất từ 2 tỉ USD đến 2,5 tỉ USD vào năm tới. Vào tháng 11, Applied Materials cho biết họ có thể mất tới 2,5 tỉ USD doanh thu trong năm tài chính 2023 do các biện pháp này. Công ty này cho biết họ đang tìm kiếm giấy phép và phê chuẩn thích hợp. Lam Research cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu dự kiến ​​sẽ làm giảm doanh thu khoảng 100 triệu USD trong quý IV/2022 kết thúc vào tháng 12.