Các công ty công nghiệp, học viện và chính phủ sẽ cùng hợp tác để thực hiện nỗ lực này, hứa hẹn mang đến một sự đổi mới mang tính cách mạng trong các lĩnh vực như sản xuất và dịch vụ tài chính.
Một kế hoạch đã được đề xuất trong một cuộc họp vào thứ Tư, trong đó có nội dung kêu gọi xây dựng ít nhất 5 trung tâm đổi mới lượng tử trong vòng 5 năm tới.
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ lượng tử ở cấp quốc gia và doanh nghiệp.
Vào tháng 10, Google tuyên bố đã đạt được bước đột phá lớn trong lĩnh vực máy tính lượng tử, theo đó phát triển thành công máy tính lượng tử Sycamore 53 qubit - siêu máy tính nhanh nhất thế giới có khả năng trong 200 giây giải quyết một phép tính mà siêu máy tính thông thường phải mất tới 10.000 năm tính toán. Cả Google và IBM đều đã sản xuất máy tính lượng tử với bộ xử lý trong phạm vi 50 qubit.
Theo kế hoạch của chính phủ, Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất được một cỗ máy 100 qubit trong khoảng 10 năm, sau đó là một chiếc máy tính lượng tử mạnh mẽ hơn vào khoảng năm 2039.
Tokyo coi điện toán lượng tử là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu đối với nghiên cứu và phát triển bên cạnh trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Ngoài điện toán lượng tử, các lĩnh vực liên quan như cảm biến, thông tin liên lạc, mã hóa cũng như sản xuất các vật liệu công nghệ cao cũng được chú trọng phát triển. Riêng với điện toán lượng tử, Nhật Bản muốn tạo ra một cuộc cách mạng trong các lĩnh vực như viễn thông, sản xuất và tài chính. Nhật Bản đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ này vào các thế mạnh hiện có của đất nước như phát triển vật liệu công nghệ cao.
Chính phủ dự kiến sẽ đầu tư khoảng 30 tỷ yên (27,6 triệu USD) tài trợ cho nghiên cứu lượng tử vào năm 2020, gấp đôi so với năm trước. Công nghệ điện toán lượng tử cũng nằm trong trọng tâm của chương trình R&D, trong đó chính phủ sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ yên.
Theo Nikkei Asian Review