Nhật Bản chi 2 tỷ USD hỗ trợ nghiên cứu công nghệ 6G

VietTimes -- Gói kích cầu trị giá 2 tỷ USD được đưa ra với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa Nhật Bản với các quốc gia khác trong cuộc đua công nghệ mạng không dây.
Ảnh: Printerest
Ảnh: Printerest

Nhật Bản có kế hoạch dành 220 tỷ yên (2,03 tỷ USD) để khuyến khích khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ mạng 6G.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe dự định phát triển nguồn quỹ này như là một phần của gói kích cầu kinh tế. Đề xuất kích cầu sẽ được hoàn thành vào đầu tháng tới.

Nhật Bản sẽ ra mắt dịch vụ 5G vào năm tới, chậm chân hơn một chút so với Trung Quốc và Hàn Quốc đã ra mắt 5G trong năm nay.

Ảnh: Nikkei Asian Review

6G hứa hẹn sẽ có tốc độ mạng nhanh hơn tơí1.000 lần so với các kết nối mạng hiện tại. Ảnh: Nikkei Asian Review

Chính vì thế, trong cuộc đua 6G, Nhật Bản đang nỗ lực nhiều hơn nữa. Một số công ty Nhật Bản đã bắt đầu phát triển công nghệ mạng 6G, dự kiến sẽ tạo ra tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 1000 lần so với các mạng hiện tại. Để hỗ trợ công tác nghiên cứu, Tokyo sẽ thành lập quỹ thuộc Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng do nhà nước hậu thuẫn.


Quỹ này sẽ hợp tác với các ngành công nghiệp như sản xuất chip, viễn thông, ô tô và máy móc công nghiệp để triển khai các hoạt động R&D đối với các chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến phục vụ các hệ thống liên kết. Nỗ lực nghiên cứu này sẽ kéo dài 3 đến 5 năm, bắt đầu vào tháng 4 của năm tài chính mới.

Gói kích cầu kinh tế của chính phủ Nhật Bản đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2016 với mục tiêu phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế, đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và ứng phó với thiên tai.

Tokyo cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản sẽ tạo ra một khung pháp lý dành riêng cho việc sáp nhập và mua lại các công ty ở nước ngoài, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến tháng 6/2021, khoảng 4.000 tỷ yên của các quỹ công và tư nhân sẽ được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ các công ty phát triển thị trường ở nước ngoài.

Theo Nikkei Asian Review