Nhập khẩu ô tô từ ASEAN không tăng đột biến: Đúng nhưng chưa đủ?

VietTimes -- Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tình hình nhập khẩu ô tô không tăng đột biến từ ASEAN dù mức thuế đã giảm về 0%. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này chưa được vị Bộ trưởng này nhắc tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tiến hành trả lời chất vất của một số đại biểu Quốc hội. Một vấn đề được đại bộ phận người dân quan tâm chính là các chính sách liên quan đến nhập khẩu ô tô.

Để trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong quá trình tham gia hội nhập, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có cam kết phải cắt giảm thuế quan và đơn giản các thủ tục hành chính.

Đối với Hiệp định AFTA mà Việt Nam đã ký với khối ASEAN, từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu đối với ô tô sẽ về mức 0%. Tuy nhiên, trước những thách thức này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quá trình giảm thuế nhập khẩu về 0% đã được tính toán kỹ trong quá trình đàm phán để đảm bảo lợi ích quốc gia, nhu cầu của thị trường nội địa, của người tiêu dùng cũng như lợi ích của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng không có vấn đề lớn đặt ra cho câu chuyện thị trường nội địa và nhập khẩu ô tô. (Ảnh: trích VTV)
Bộ trưởng Công Thương  Trần Tuấn Anh cho rằng không có vấn đề lớn đặt ra cho câu chuyện thị trường nội địa và nhập khẩu ô tô.  (Ảnh: trích VTV)

Người đứng đầu ngành Công thương còn cho biết Bộ vẫn đang tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ô tô trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nhằm hướng tới phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Chưa hết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra: “Từ đầu năm nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN chưa có tình trạng tăng đột biến trên tổng thể chung kim ngạch nhập khẩu ô tô hàng năm. Quy mô thị trường ô tô nội địa hiện tại khoảng 500.000 xe, nhập khẩu hàng năm khoảng trên dưới 200.000 xe nên không có vấn đề lớn đặt ra cho câu chuyện thị trường nội địa và nhập khẩu ô tô”.

Tuy nhiên, còn một lý do khác nữa dẫn tới tình hình nhập khẩu từ khu vực ASEAN và các nước khác như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản chưa tăng đột biến, thậm chí còn suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái - mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chưa đề cập. Đó là các điều kiện chặt chẽ về nhập khẩu tại Nghị định 116 và Thông tư 03.

Trên thực tế, nó đã khiến cho quá trình nhập khẩu ô tô các doanh nghiệp bị định trệ tới gần hơn nửa năm và chỉ mấy tháng gần đây mới có dấu hiệu phục hồi hoạt động nhập khẩu ô tô. Xe nhập về dù đang tăng dần về số lượng theo từng tháng nhưng nhìn chung có lẽ vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu quá lớn của thị trường.

Việc cầu vượt quá cung cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý người mua khi nhiều đại lý ô tô chính hãng đã tranh thủ cơ hội này để tăng giá với hình thức "bia kèm lạc" để có được xe sớm thay vì phải đợi chờ nhiều tháng.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đưa ra một số câu hỏi dành cho cho Bộ trưởng Công Thương xung quanh tình trạng thuế nhập khẩu ôtô giảm mà giá không giảm. (Ảnh: Minh Thăng/Vietnamnet)
Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đưa ra một số câu hỏi dành cho cho Bộ trưởng Công Thương xung quanh tình trạng thuế nhập khẩu ôtô giảm mà giá không giảm. (Ảnh: Minh Thăng/Vietnamnet)

Đây cũng là nội dung mà đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đã dành cho cho Bộ trưởng Công Thương xung quanh tình trạng thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm từ mức 30% về 0% nhưng giá xe không giảm, ngược lại còn có xu hướng tăng giá.

Ông Thưởng còn hỏi thêm loạt câu hỏi về việc Nhà nước có bị thất thu thuế trong năm 2018 không (?); Người dân có bị thiệt hại không và ai chịu trách nhiệm (?); Doanh nghiệp có được lợi hay không (?).

Liên quan đến chất vấn này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính trả lời đại biểu Thưởng bằng văn bản.

Những tranh cãi quanh quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03 khiến doanh nghiệp khó nhập xe về Việt Nam lại được nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, diễn ra vào ngày 4/7 vừa rồi - theo tờ VnExpress.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ôtô và Xe máy, người cũng là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đánh giá rằng, một số quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017 và thực thi Nghị định 140/2016 về Lệ phí trước bạ đang khiến "thị trường ôtô Việt Nam bất ổn".

Cụ thể, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu từ các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu ... trong nửa đầu năm 2018. Hàng loạt đơn hàng xe nhập cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy. "Việc hủy đơn hàng đe dọa tới hàng ngàn việc làm, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe. Khách hàng buộc phải chờ đợi lâu hơn để có xe do thiếu nguồn cung từ đầu năm. Bất ổn này xảy ra với cả doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp trong nước", ông nói.

Chưa kể, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, theo ông, đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và công ty sản xuất, lắp ráp xe trong nước khi họ không đủ thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện các giấy tờ theo yêu cầu. 

Dẫn dữ liệu của VAMA, ông cho biết hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ôtô ở Việt Nam giảm 31% từ khi Nghị định 116 có hiệu lực ngày 1/1.