Nhân lực cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - Trách nhiệm không chỉ của riêng ngành CNTT

VietTimes – Trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo 2019 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội từ 14 đến 16/8/2019, chiều 15/9/2019 đã diễn ra hội thảo về phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).  
GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch CLB các khoa, viện, trường đào tạo CNTT chủ trì hội thảo

Trí tuệ nhân tạo là hạt nhân của chuyển đổi số

Mở đầu hội thảo, GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Câu lạc bộ các Khoa, Viện trường Đào tạo CNTT (FISU) cho biết, trong số 7 giáo sư của ngành CNTT ở Việt Nam hiện nay thì có đến 6 người là chuyên gia về AI. Điều đó cho thấy, AI là một lĩnh vực quan trọng hàng đầu của CNTT không chỉ tại Việt Nam.

Theo GS TS Nguyễn Thanh Thủy, AI chính là hạt nhân của chuyển đổi số. Và cũng chính nhờ AI mà mọi nhu cầu về ứng dụng CNTT đều có thể trở nên thông minh hơn. Tuy nhiên, muốn có AI thì phải dựa vào nền tảng là dữ liệu được xử lý. Chính vì thế mà song hành với AI chính là khoa học dữ liệu (Data Science – DS).

Còn theo GS TS Hồ Tú Bảo – Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học, AI phải có và thâm nhập vào mọi ngành nghề. Tuy nhiên, ông nhắc lại quan điểm của TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Đại học FPT là “nếu không có trí tuệ tự nhiên ngon lành thì không thể làm được trí tuệ nhân tạo”. Giải thích cho quan điểm này, GS TS Hồ Tú Bảo khẳng định là vai trò của người thầy rất quan trọng trong đào tạo AI.

Tuy nhiên, có một thực tế là sinh viên ngành CNTT sẽ không thể làm được AI nếu không có dữ liệu. Vì thế, việc hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường trong lĩnh vực này là hết sức quan trọng. Nói về thực tế của chính mình, ông Vũ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Xuất sắc và Trí tuệ Nhân tạo của Tập đoàn Viettel cho biết, 60 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ thông tin di động của Viettel đã và đang là một động lực lớn để Viettel phải đầu tư cho AI. Chính những kết quả xử lý thông tin khách hàng bằng AI sẽ là cơ sở để Viettel có những quyết sách và chiến lược phát triển đúng đắn cho chính mình.

Có thể nói, không chỉ với những doanh nghiệp lớn mới có nhu cầu về AI mà nhu cầu này còn là với cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, vấn đề theo ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chọn cách thức đầu tư như thế nào để ứng dụng được AI trong năng lực tài chính còn hạn chế của mình. Trả lời cho câu hỏi này, GS TS Nguyễn Thanh Thủy cho biết, bảng tính điện tử Excel của Microsoft có đến 190 hàm tính toán. Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa biết khai thác cho hết các hàm này trong công tác quản lý của họ thì về cơ bản cũng là đã ứng dụng được AI.

Nhân lực cho trí tuệ nhân tạo: Cần là một bài toán chung

GS TS Hồ Tú Bảo cho biết, nguồn nhân lực cho AI ở các nước phát triển có rất nhiều cung bậc. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT chỉ là một thành tố và phải cần đến thành tố khác rất quan trọng là những người có chuyên môn khác đã được đào tạo về AI.

GS TS Nguyễn Thanh Thủy lại cho biết, bản thân ông là chuyên gia về AI đã 30 năm nay. Ở thời kỳ chưa có Internet nhiều năm trước, ông phải truyền cảm cho sinh viên không khác gì các nhà văn viết truyện khoa học giả tưởng. Và sản phẩm có thể làm khi đó chỉ có thể là game mà thôi. Sẽ là thành công nếu như người chơi game không thắng được máy tính. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì việc đào tạo AI cho sinh viên đã có nhiều thuận lợi vì không chỉ có Internet để khai thác dữ liệu mà nhu cầu chuyển đổi số trong đó có AI của các doanh nghiệp là rất lớn.

Đại diện công ty tuyển dụng trực tuyến Navigos giới thiệu về nhu cầu nhân lực CNTT

Nhắc lại về những thực tế về nhân lực của các ngành khác có kiến thức về CNTT nói chung cùng AI nói riêng, GS TS Nguyễn Thanh Thủy cho rằng với các đại học chuyên ngành có mở khoa CNTT cần đi theo những hướng riêng rẽ để ứng dụng CNTT cho các lĩnh vực có nhu cầu của chính mình. Ông cũng đề cập đến những thành công của hệ đào tạo CNTT văn bằng 2 từng mở ra ở các đại học hàng đầu từ những năm 1990 đã góp phần bổ sung thêm đội ngũ nhân lực CNTT và góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT cho các lĩnh vực có nhu cầu. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực mang tính hạt nhân về CNTT và AI cho các lĩnh vực có nhu cầu không nên chỉ là đào tạo văn bằng 2 mà cần là bổ sung các kiến thức này vào chương trình của các đại học về kinh tế và kỹ thuật.

Ông Trần Hồng Thắng - Giám đốc Dữ liệu của Ngân hàng Công thương Việt Nam đề cập rằng vai trò hợp tác của doanh nghiệp với các đại học trong đào tạo nhân lực là hết sức quan trọng. Dữ liệu chính là tài sản quý của doanh nghiệp và phải được khai thác triệt để bằng các công cụ AI. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT thường không nắm được nghiệp vụ chuyên môn và ngược lại thì sinh viên các ngành học khác lại ít người có hiểu biết sâu sắc về CNTT để có thể cùng làm việc được với nhau.

Theo GS TS Nguyễn Thanh Thủy, để có thể làm việc một cách hiệu quả trong môi trường thực tế thì sinh viên không chỉ nên học theo cách để có điểm số cao ở trường mà rất cần đến môi trường thực tế. Để làm được điều này thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường cần là Pull - Push (kéo - đẩy) vì một mục tiêu chung là có được đội ngũ nhân lực đáp ứng được công việc thực tiễn.