Trong phiên giao dịch ngày 11/1, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,68 điểm, đóng cửa ở mức 1.162,22 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE cũng giảm với giá trị giao dịch đạt hơn 17.300 tỉ đồng.
Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng 152,5 tỉ đồng sau 7 phiên bán ròng liên tiếp. Họ mua ròng chủ yếu các mã cổ phiếu ngân hàng như STB, OCB, VPB, VCB.
CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/1, việc VN30 chưa vượt kháng cự 1.168 thành công có thể tiếp tục thúc đẩy lực bán tại nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt (ngân hàng), qua đó tạo áp lực lên VN-Index.
Trường hợp chỉ số này bị bán xuống dưới đường MA5 tại 1.158 điểm, nhịp điều chỉnh của VN30 có thể kéo dài xuống vùng 1.150 điểm.
Tuy nhiên, theo Vietcap, trong một thị trường phân hóa, diễn biến này có thể chưa gây ảnh hưởng đáng kể lên các chỉ số còn lại.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực cản từ nguồn cung và khả năng điều chỉnh có thể xảy ra trong thời gian tới.
"Hiện tại, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu, hạn chế mua giá cao và chờ mua tại vùng giá hỗ trợ. Trong ngắn hạn vẫn nên tận dụng các nhịp tăng của thị trường để chốt lời các cổ phiếu đã tăng đến vùng kháng cự", VDSC khuyến nghị.
Còn CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục củng cố trên ngưỡng 1.160 điểm. Tuy nhiên, dấu hiệu suy yếu về thanh khoản cùng với áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số chính sẽ có những phiên rung lắc tại vùng điểm này.
CTCP Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận VN-Index tịnh tiến lên sát vùng 1.170 nhưng đã không giữ vững đà tăng, và quay về vùng 1.155 - 1.164. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX chưa thay đổi tín hiệu tích cực.
"Đà tăng có phần suy yếu, nhưng tín hiệu điều chỉnh vẫn chưa rõ ràng, nên chỉ số VNIndex sẽ duy trì trong vùng tích lũy 1.155 - 1.164", SSI dự báo./.