|
Học sinh trong giờ học. Ảnh: Minh Thúy |
Nhà xuất bản nói gì?
Sau khi VietTimes phản ánh việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao liên tục nhiều năm liền cho lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng của Sở GD&ĐT TP.HCM, nhiều bạn đọc đã gửi thư bày tỏ sự quan tâm trước vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực giáo dục này.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trả lời câu hỏi của VietTimes, ông Nguyễn Văn Tùng xác nhận việc chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, như thông tin VietTimes đã phản ánh trong bài "Nóng: Nhà xuất bản chi thù lao gần 3 tỷ cho lãnh đạo Sở GD&ĐT, trưởng, phó phòng chuyên môn: Việc lựa chọn sách giáo khoa liệu còn khách quan?"
Theo ông Tùng, từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiến hành chuẩn bị nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.Nhà xuất bản Việt Nam đã phối hợp với Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền nam (bộ SGK được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía Nam – bộ SGK mang tên Chân trời sáng tạo) với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,... cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo.
Các thành viên Ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất, mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
|
Việc cơ sở chọn bộ SGK nào để sử dụng rất quan trọng với nhà xuất bản
|
Trước nhiều ý phản ứng về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao hàng tháng cho lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh thì không chỉ khiến việc chọn SGK thiếu công bằng, mà còn gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Tùng cho rằng: 24 bản mẫu SGK lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 đều bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng và phù hợp với học sinh.
“Tôi cho rằng các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các nhà xuất bản trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy và học” – ông Tùng giải thích.
Ai sẽ lựa chọn sách giáo khoa?
Trao đổi với PV VietTimes, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội – cho biết: Tôi có nắm được thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh trong Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam từ năm 2015.
|
TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội
|
"Theo tôi biết, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh có ra một bộ sách riêng, kết hợp cùng làm với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nếu Nhà xuất bản chi tiền để làm sách thì đó là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu Nhà xuất bản chi tiền để hối lộ để các địa phương dùng sách của họ thì không được." - TS. Lâm nói.
Trước thắc mắc về việc ai sẽ lựa chọn SGK khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều Trưởng, Phó phòng, TS. Lâm bày tỏ quan điểm: “Khi Bộ GD&ĐT đã giao việc lựa chọn SGK cho các trường thì Bộ không nên giao cho Sở GD&ĐT tham gia nữa. Các Sở GD&ĐT không được ra văn bản chỉ đạo can thiệp vào việc chọn SGK mà phải để các trường tự đăng ký. Như thế, việc lựa chọn SGK mới khách quan, công bằng, ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra. Các cơ sở giáo dục nên thành lập một hội đồng để lựa chọn SGK một cách công khai, minh bạch.”
GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông GDPT năm 2018 - nhấn mạnh: “Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật đã quy định.”
|
GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông GDPT năm 2018
|
Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, không có điều nào giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở thuộc tỉnh đứng ra phối hợp với doanh nghiệp để làm SGK. Tức là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sở thuộc tỉnh không có chức năng làm SGK.
“Nghị quyết 88 giao quyền chọn SGK cho các trường và Luật Giáo dục giao việc chọn SGK cho UBND cấp tỉnh, nếu Sở GD&ĐT tham gia biên soạn SGK thì làm sao chỉ đạo cấp dưới một cách khách quan? Làm sao tham mưu cho cấp trên để lựa chọn SGK chính xác được?” – GS. Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đồng quan điểm với GS. Nguyễn Minh Thuyết, nhiều ý kiến còn đề nghị Bộ GD&ĐT cần cân nhắc có nên phê duyệt bộ SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hay không, khi bộ sách này có vấn đề về mặt pháp lý.