Nhà mạng “đốc thúc” nộp ảnh chân dung, các chủ thuê bao quyết liệt phản ứng

VietTimes -- Về tổng quan, việc các nhà mạng hoàn thiện thông tin thuê bao đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng. Đây chính là một trong những biện pháp khả thi quản lý thị trường SIM số, tránh nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã gây bức xúc nhiều năm nay. Tuy nhiên, riêng yêu cầu bắt buộc phải có hình chân dung đã vấp phải những phản ứng gay gắt của đông đảo chủ thuê bao di động.
Thông tin thuê bao di động giờ đây phải bổ sung thêm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng”. Ảnh: VinaPhone
Thông tin thuê bao di động giờ đây phải bổ sung thêm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng”. Ảnh: VinaPhone

Đây không phải lần đầu yêu cầu này bị mang ra mổ xẻ. Vào giữa tháng 6/2017, ngay sau khi Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 được đăng tải, cư dân mạng đã đưa ra rất nhiều bình luận khác nhau trước quy định phải cung cấp ảnh chân dung khi mua SIM, đăng kí thông tin thuê bao.

Hạn chót cho việc này là ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.

Theo đó, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ, chính là “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”. Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp. Vấn đề là quy định được đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng đã quá quen thuộc với cách làm hiện tại khi việc đăng ký sim phụ thuộc vào giấy tờ tùy thân là chính, mà đặc biệt là chứng minh nhân dân (CMND).

Càng gần tới ngày giới nghiêm, các nhà mạng càng hối thúc người dùng hoàn tất đăng ký thông tin thuê bao, trong đó, phần nhiều là yêu cầu người dùng tới các điểm giao dịch để được chụp ảnh chân dung. Việc này khiến sự bức xúc của chủ thuê bao càng bị đẩy lên cao độ.

Chị Thùy Linh (La Thành – Hà Nội) đặt vấn đề: “Chỉ cần căn cứ vào CMND (hay CCCD) là đủ, vì đây là loại giấy tờ tùy thân được chấp nhận trong giao dịch với cơ quan công quyền hay ngân hàng. Ở ngân hàng, giao dịch tiền lên đến cả tỉ đồng cũng đều chỉ yêu cầu sử dụng CMND, ở CMND cũng đã có hình. Trong khi đó, chỉ quản lý sim điện thoại mà nhà mạng đòi chụp hình chân dung, gây rất phiền hà cho khách hàng. Vậy khi đăng ký sử dụng CMND làm gì?!”.

Anh Nguyễn Hải (Quỳnh Mai – Hà Nội) thì lật lại vấn đề rằng yêu cầu này không phù hợp cho các chủ thuê bao lớn tuổi. Họ dùng điện thoại chỉ biết nghe với gọi thôi thì làm sao có thể hoàn thiện được đầy đủ các thông tin như yêu cầu. Chưa kể, những người ở vùng quê, nông thôn, đi lại xa xôi, khó khăn. Để có được cái điện thoại và số thuê bao liên lạc mà làm khó họ quá vậy? Đâu phải ai cũng biết nhiều về công nghệ.

Thậm chí, một bạn đọc còn đặt nghi vấn, trước nay, người dùng chỉ mỗi đăng ký họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú mà đã bị “bán thông tin” các đơn vị bảo hiểm, công ty bất động sản,… làm phiền người dùng, giờ đây nếu thêm ảnh chân dung thì không biết sẽ còn như thế nào.

Nhà mạng “đốc thúc” nộp ảnh chân dung, các chủ thuê bao quyết liệt phản ứng ảnh 1 Viettel gửi thông báo đến các chủ thuê bao nếu có đầy đủ thông tin trước ngày 24/4, thuê bao sẽ bị khóa 1 chiều.

Trao đổi với VietTimes, đại diện một nhà mạng cho biết, mặc dù khi triển khai chụp ảnh chân dung theo yêu cầu của nghị định 49, họ đều có cam kết với khách hàng “tất cả thông tin và hình ảnh của khách hàng sẽ được số hóa và bảo mật trong cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông”, tuy nhiên, đa số các khách hàng tỏ ra rất bức xúc và không ủng hộ việc chụp ảnh khách hàng khi thực hiện đăng ký SIM di động.

Vị này còn cho biết, hầu hết quốc gia trong khu vực không cần thiết chụp ảnh chân dung thuê bao. Ngay cả khách du lịch cũng chỉ cần cung cấp hộ chiếu để nhà mạng scan, hoặc chụp lại nhằm lưu trữ, xác thực. Do đó, việc xem xét để có cách hướng dẫn nghị định vừa ban hành theo hướng đơn giản hóa, giảm khả năng phải làm thủ công, giảm thời gian đi lại cho người dân và chi phí cho doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết.

Qua việc triển khai quy định chụp ảnh khách hàng đối với thuê bao hòa mạng mới trong thời gian qua, có thể thấy việc chụp ảnh gây khá nhiều bức xúc cho khách hàng và đa số khách hàng không hợp tác. Do đó, các nhà mạng đang có chủ trương “đề xuất các cơ quan chức năng có thể xem xét lại quy định này để điều chỉnh cho hợp lý hơn”.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3/2018, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,3 triệu thuê bao,giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thuê bao di động là 118,7 triệu thuê bao, giảm 0,8%; thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt 12,2 triệu thuê bao, tăng 27,5%. Doanh thu hoạt động viễn thông quý I/2018 ước tính đạt 96,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.