Bổ sung ảnh chân dung thuê bao di động nhằm bảo vệ người dân

VietTimes -- Bổ sung thêm ảnh chân dung thuê bao di động là việc làm hết sức cần thiết, đảm bảo việc triển khai cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ người dân, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông.
Theo quy định tại Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển sim mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng thì chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Theo quy định tại Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển sim mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng thì chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/4/2017 đối với việc hạn chế sim rác đã bổ sung thêm một số thông tin thuê bao so với quy định trước đây đặc biệt là phải có ảnh chụp người đến giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung.

Về thủ tục, người sử dụng sẽ không phải tự điền bản khai đăng ký thông tin thuê bao như trước đây mà chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân; nhân viên giao dịch của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT) sẽ làm phần còn lại. Thủ tục đơn giản hơn, nhanh hơn; đặc biệt khi các doanh nghiệp viễn thông áp dụng các ứng dụng CNTT...

Theo quy định, ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao.

Trên thực tế, việc chụp ảnh này đã có nhiều  quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật thực hiện trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử cá nhân. Ngoài ra, các nước như Thái Lan, Pakistan gần đây đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao với chi phí rất cao và thủ tục phức tạp hơn rất nhiều so với việc chụp ảnh.

Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác, như các thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng qui định trong thời gian vừa qua thì không cần chụp ảnh mà doanh nghiệp chỉ cần bổ sung ảnh chụp và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó. Doanh nghiệp sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin sai với qui định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP đến đăng ký lại, trong đó có việc chụp ảnh chân dung thuê bao.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ, ứng dụng di động cũng đã phát sinh nhiều nguy cơ trở thành công cụ phương tiện vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong đó đặc biệt có thể kể đến các vụ tấn công khủng bố tại nhiều quốc gia như Pháp, Thái Lan. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng các SIM thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật (đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo,…).

Trong các trường hợp này, nếu các SIM thuê bao có thông tin chính xác thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Vì vậy, Việt Nam là một trong số hơn 80 quốc gia trên thế giới (Đức, Thụy Sỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, …) đã có những quy định quản lý về thông tin thuê bao nhằm bảo đảm tối đa tính chính xác của thông tin thuê bao.

Trên cơ sở đó, việc bổ sung thêm ảnh chân dung thông tin thuê bao di động là việc làm hết sức cần thiết, đảm bảo việc triển khai cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định, nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ người dân. Đồng thời cũng nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc triển khai các điểm đăng ký thông tin thuê bao của mình, hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn những đối tác để ủy quyền và sự tuân thủ quy định của pháp luật của các đối tác đó và phù hợp thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng quy định đến  việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao trong đó có ảnh chụp. Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Bộ Luật hình sự.

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, việc thu thu thập các thông tin có liên quan mật thiết người đăng ký là cần thiết để chứng minh giao dịch là có thật. Vì thế, để đăng ký thông tin thuê bao trả trước, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp.

Việc này được xác định là yếu tố quan trọng nhằm tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các sim thuê bao khác, thậm chí có trường hợp ngay cả cá nhân đó cũng không biết không biết, trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số sim thuê bao.