|
Giáo sư James Breiner là một trong những nhà tư vấn uy tín nhất trong lĩnh vực báo chí và truyền thông số. Ảnh: Miquel Pellicer |
Nhà báo kỳ cựu, giáo sư James Breiner là người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm phóng viên và biên tập viên. Ông đã tham gia đào tạo các nhà báo ở nhiều quốc gia, bao gồm Mexico, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Anh, Ba Lan và Belarus. Ông cũng từng làm cố vấn biên tập cho News University, một trang web giáo dục trực tuyến thuộc Viện Báo chí Poynter, công ty báo chí ACBJ, tập đoàn truyền thông Crain Communications (Mỹ).
Giáo sư James Breiner đã có bài báo bình luận về khả năng tạo ra kinh tế từ sự tin tưởng của độc giả đối với báo chí. Bài viết của ông đã được đăng trên tạp chí The Fix vào ngày 11/8/2021. Dưới đây là toàn bộ bài viết của ông:
Để hiểu hơn về thế giới này, mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện ở mọi lúc mọi nơi. Hiện nay, nhiều “người kể chuyện” khác nhau đang cạnh tranh để thu hút sự chú ý của chúng ta. Động cơ của họ rất đa dạng: gây ngạc nhiên, hoang mang, giải trí, gây hiểu nhầm, khơi mào sự đố kỵ, nhận được phiếu bầu, khơi dậy sự thù địch, kiếm tiền…
Chúng ta đang chìm đắm trong những câu chuyện với nhiều hình thức kể chuyện cạnh tranh lẫn nhau. Vậy làm thế nào để mọi người có thể tìm kiếm và xác định được đâu là những câu chuyện đáng tin cậy?
Trong bài viết này, tôi muốn đưa ra một số chiến thuật và chiến lược mà các công ty báo chí, truyền thông uy tín sử dụng nhằm thu hút độc giả và hỗ trợ tài chính cho tổ chức.
Trọng tâm của tất cả các chiến lược và chiến thuật trên là sự minh bạch triệt để về tài chính, chủ sở hữu, khuynh hướng chính trị, đội ngũ biên tập và quy trình thu thập tin tức.
Nội dung thiếu tính tin cậy
Như tôi đã viết trong một bài báo về “Gian lận quảng cáo” trước đó, hệ sinh thái quảng cáo số thực sự rất độc hại: “Hệ thống được tự động hóa, được điều hướng bởi các thuật toán độc quyền không rõ ràng. Các thuật toán đó được thiết kế để tối đa hóa việc nhắm mục tiêu quảng cáo đến thị hiếu và hành vi của từng cá nhân đồng thời giảm thiểu chi phí cho nhà quảng cáo. Nó trông giống như một mô hình kinh doanh hiệu quả. Nhưng, nó che giấu thông tin sai lệch”.
Nếu báo chí, truyền thông không kiểm soát được việc bán quảng cáo và nội dung quảng cáo của chính họ thì nó sẽ khiến uy tín của tổ chức bị giảm sút nghiêm trọng. Các tổ chức có thể đang chạy những quảng cáo có nội dung gây khó chịu hoặc vô tình “lái” độc giả tới những trang web như vậy.
"Cơn lũ" thông tin sai lệch này đã làm gia tăng sự suy giảm lòng tin của công chúng đối với tất cả các tổ chức, bao gồm báo chí, chính phủ, tín ngưỡng tôn giáo, doanh nghiệp, khoa học…
Sự tín nhiệm có giá trị kinh tế
|
Có một nghịch lý là sự suy giảm lòng tin lại tạo cơ hội cho những tổ chức tin tức luôn cung cấp được những thông tin chất lượng và phục vụ công chúng. Về mặt kinh tế, sự khan hiếm thông tin đáng tin cậy đang tạo ra nhiều giá trị hơn. Mọi người có xu hướng sẵn sàng trả tiền cho nó nhiều hơn.
Năm 2018, tôi đã viết một bài báo về sự tín nhiệm: “Báo chí nên tập trung vào người dùng và sự tín nhiệm, tránh xa các quảng cáo số”. Trong đó, tôi đã đề cập đến việc sự tín nhiệm đã trở thành một đơn vị tiền tệ mới như thế nào. Một số xu hướng mới trong báo chí số đã thúc đẩy điều này, trên cả phương diện kinh tế lẫn nội dung:
- Rời khỏi quảng cáo và hướng tới doanh thu do người dùng tạo ra
- Tập trung vào mối quan hệ với người dùng thay vì mở rộng quy mô
- Tập trung vào nhu cầu của người dùng hơn là nhu cầu của các nhà quảng cáo
- Hướng tới xây dựng một cộng đồng hơn là một số lượng lớn độc giả
- Chất lượng hơn số lượng, tạo ra những thông tin độc nhất cho độc giả
- Tạo ra vốn xã hội (social capital) chứ không phải vốn tài chính (financial capital)
- Hợp tác hơn là cạnh tranh
Trước những xu hướng này, các tổ chức tin tức dịch vụ công cộng đang tìm kiếm các mối quan hệ với cộng đồng của họ. Họ nhấn mạnh tính minh bạch hơn là sự khách quan chỉ mang tính lý thuyết để tạo dựng độ tin cậy.
Hãy minh bạch về nội dung
Tina Kaiser, một phóng viên điều tra của tờ báo Die Welt (Đức) đã mô tả một số cách giúp các tổ chức tin tức có thể trở nên đáng tin cậy hơn.
1. Hiệu chỉnh một cách minh bạch
Nếu bạn đưa ra một thông tin sai, bạn cần nhanh chóng nhận lỗi, đồng thời minh bạch cách bài viết đó được thực hiện. Nếu một tổ chức chỉ đơn giản nói “thông tin này không chính xác” thì công chúng sẽ nghi ngờ về lý do tại sao thông tin đó được chỉnh sửa.
Đó có phải là một sai lầm, một vi phạm các tiêu chuẩn của báo chí ngoài ý muốn, hoặc thông tin không chính xác do một nguồn cung cấp? Nếu không có một lời giải thích thỏa đáng, độc giả có thể cho rằng việc điều chỉnh đã được thực hiện vì áp lực và ảnh hưởng từ một số bên liên quan.
2. Tạo ra câu chuyện
Đối với bất kỳ loại câu chuyện điều tra dài kỳ hoặc những câu chuyện về doanh nghiệp nào, một tổ chức tin tức cũng phải đưa ra được lời giải thích về cách thông tin được thu thập, nguồn tin là ai, nơi các nhà báo đến để phỏng vấn mọi người và thực hiện nghiên cứu, cho công chúng thấy thông tin đã được kiểm tra kỹ lưỡng và được xác minh.
3. Thực hiện một cuộc phỏng vấn
Đối với các cuộc phỏng vấn mở rộng, đặc biệt là các nhân vật gây tranh cãi hoặc nhân vật nổi tiếng, một bài báo nên chứa các thông tin về thời gian, địa điểm và cách thức cuộc phỏng vấn được tiến hành.
Các nhà báo cần minh bạch mọi thứ cho dù đó là phỏng vấn trực tiếp, qua điện thoại, trao đổi email, phỏng vấn tại nhà hoặc văn phòng của nhân vật, thời gian kéo dài bao lâu, thời điểm diễn ra, có ai khác có mặt hay không và nếu cuộc phỏng vấn được ghi lại bằng âm thanh hoặc video thì nó đã được chỉnh sửa như thế nào?
Độc giả có quyền được biết bối cảnh của các câu hỏi và câu trả lời. Đây là một cuộc trò chuyện thân thiện, ngẫu nhiên hay là một cuộc phỏng vấn căng thẳng, đối đầu? Tất cả những chi tiết này có thể giúp độc giả đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin.
4. Chụp ảnh tất cả các nguồn
Các phóng viên nên chụp ảnh tất cả những người mà họ phỏng vấn, ngay cả khi không có ý định công bố bức ảnh. Trong nội bộ tổ chức, các biên tập viên có thể sử dụng ảnh để xác minh xem đồng nghiệp của mình có nói đúng sự thật hay không và liệu thông tin của họ có đáng tin cậy hay không.
5. Chụp ảnh các địa điểm chính và các nhân tố làm nên câu chuyện
Ông Kaiser đã đề cập rằng tờ Der Spiegel (Đức) đã có thể tránh được một vụ bê bối lớn bằng cách yêu cầu phóng viên của họ - Claas Relotius chụp một bức ảnh về một tấm biển có nội dung “Tránh xa người Mexico” mà Claas nói là nó được đặt ở ngoại ô thị trấn Minnesota - khu vực được coi là “lãnh địa” của cựu Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, tấm biển đó thực tế không tồn tại và Claas đã tự “bịa đặt” ra nhiều chi tiết về thị trấn Minnesota cũng như con người ở nơi đây một cách có hệ thống. Anh ta đã nhiều lần làm điều này trên những câu chuyện khác của Der Spiegel.
6. Công bố các tài liệu
Đối với các bài báo long-form và điều tra, việc trích xuất các liên kết đến tài liệu nguồn (source documents) hiện đã có thể xuất hiện trên mạng, cho phép người đọc xem tài liệu gốc ban đầu.
7. Không có nguồn ẩn danh
Báo chí nên hạn chế để nguồn ẩn danh. Trong trường hợp bất khả kháng, phải có những lý do đặc biệt - ví dụ như bảo vệ an toàn cho một nhân chứng và gia đình của họ và tổng biên tập nên giải thích lý do với công chúng.
Minh bạch về tài chính, đạo đức, chủ sở hữu
|
Hầu hết các tổ chức đã sai lầm khi cho rằng công chúng hiểu các tiêu chuẩn báo chí và đạo đức mà họ đang tuân thủ. Nhiều tổ chức đã không mô tả các quy trình xác minh mà họ sử dụng hoặc cách họ quyết định khi nào nội dung đó đủ tin cậy để đưa lên trang web hoặc khi nào cần xác minh thêm.
Một nền tảng có tên NewsGuard đã và đang trở thành công cụ đắc lực giúp kiểm tra mức độ uy tín của nguồn tin. Đến nay, NewsGuard đã đưa ra xếp hạng uy tín và minh bạch cho hơn 6.000 tổ chức dựa trên họ có tuân thủ các tiêu chuẩn báo chí chuyên nghiệp hay không.
Trong số các xếp hạng, tính minh bạch thể hiện ở chủ sở hữu tổ chức tin tức là ai, các cổ đông và khuynh hướng chính trị của họ cũng như tác giả của các bài báo, những xung đột lợi ích tiềm ẩn.
Sự tin tưởng sẽ hỗ trợ tài chính cho tổ chức báo chí như thế nào?
Một trong những mô hình tiêu biểu cho xu hướng này là tờ báo trực tuyến elDiario.es (Tây Ban Nha). Tờ báo này công bố kết quả tài chính hàng quý với đầy đủ chi tiết về doanh thu và các chi phí, bao gồm cả mức lương trung bình của nhân viên.
Mặc dù các bài viết trên trang web của họ đều miễn phí nhưng cho đến nay đã có hơn 60.000 độc giả sẵn sàng trả tiền cho tờ báo nhằm hỗ trợ sứ mệnh báo chí độc lập.
elDiario.es cũng công khai tên, địa chỉ email và tiểu sử của tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo cũng như các nhân viên của họ. Theo ông Ignacio Escolar, nhà đồng sáng lập và CEO của tờ báo, các nhân viên có nhiệm vụ phản hồi mọi khiếu nại.
Ông Escolar nói rằng các nhân viên đã gửi cho ông tên những người hủy đăng ký trả phí với lý do họ không đồng ý với việc đưa một tin tức nào đó hoặc người phụ trách chuyên mục quan điểm.
Nhà sáng lập elDiario.es trực tiếp gửi email và giải thích cho những độc giả này các chính sách biên tập của tòa soạn. Ông Escolar cho rằng những cuộc trò chuyện này rất có ý nghĩa. “Tôi đã hiểu hơn về độc giá của mình thông qua những trao đổi này”, ông Escolar nói.
Các sáng kiến mới để khôi phục lòng tin
Khi đối mặt với tất cả những thách thức trong bối cảnh mà sự tín nhiệm bị các thuật toán phát tán hàng loạt những lời nói dối một cách tự động, bạn phải là một người lạc quan. Nếu không, bạn sẽ bỏ cuộc.
Chúng ta có thể sẽ thấy nản lòng khi mọi người dễ dàng tin vào những lời nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để làm tổn hại báo chí và các thế chế dân chủ khác. Tuy nhiên, như bà Christine Schmidt của Nieman Lab đã báo cáo, các tổ chức báo chí uy tín đang nỗ lực với nhiều sáng kiến để khôi phục lòng tin của mọi người.
Độc giả ở khắp mọi nơi đang tìm kiếm các nguồn tin mà họ có thể tin tưởng. Họ đang gặp khó khăn trong việc sàng lọc tất cả các ý kiến và thông tin trái chiều và họ cần được giúp đỡ.
Trong thế giới thông tin gần như vô hạn như hiện nay, nhu cầu về thông tin đáng tin cậy là rất lớn. Các tổ chức tin tức có thể tận dụng điều đó để xây dựng cộng đồng tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ tài chính.
Theo nhà báo James Breiner