|
Đại diện VKS công bố bản cáo trạng vụ sai phạm tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội - Ảnh: Tâm Lụa |
Chiều 21-12, đại diện Viện KSND TP Hà Nội tiếp tục công bố cáo trạng vụ vi phạm trong cho vay, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)
Vụ sai phạm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được xác định là một trong 8 đại án được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào theo dõi chỉ đạo và thống nhất đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII.
Viện KSND tối cao xác định trong vụ Agribank thất thoát gần 2.500 tỉ đồng này có sự góp sức của rất nhiều cán bộ ngân hàng mà đứng đầu là ông Phạm Thanh Tân - nguyên tổng giám đốc Agribank, bà Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) cùng 11 cán bộ khác.
Tiền bị chuyển ra nước ngoài để chiếm đoạt
Cáo trạng xác định quá trình xây dựng dự án Nhà máy dệt - nhuộm may công nghiệp tại Ninh Bình, Công ty cổ phần Enzo Việt (thành lập năm 2007 do một số cá nhân ở nước ngoài và VN góp vốn) đã nhiều lần được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn.
Năm 2011, Công ty Enzo Việt đổi tên thành Công ty liên doanh Lifepro VN, dự án Dệt - Nhuộm - May của được đổi tên thành Dự án Luxfashion. Công ty này tiếp tục lập hồ sơ đề nghị được Agribank cho vay vốn để thực hiện dự án mới.
Quá trình hoạt động, lãnh đạo công ty này đã lập hồ sơ vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang. Hội đồng quản trị Agribank đã phê duyệt nâng quyền phán quyết cho giám đốc Agribank Nam Hà Nội cho vay vốn với các hồ sơ này.
Trên cơ sở đó, các bị can lập hợp đồng chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng, chỉ đạo đồng bọn kê khai khống số lượng vải, hóa chất, máy móc thiệt bị nhập khẩu trong Dự án Luxfashion để chiếm đoạt tiền vay sau khi được giải ngân.
Tính đến tháng 9-2012 (thời điểm khởi tố vụ án), số dư nợ của các công ty tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội là hơn 3.429 tỉ đồng. Đối với một số khoản vay, thực tế không chứng minh được có nguyên liệu nhập về mà khoản tiền vay bị chuyển ra nước ngoài để chiếm đoạt.
Công ty liên doanh Lifepro Việt nam có 5 đối tượng người nước ngoài. Sau khi chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng, các đối tượng này đã bỏ trốn. Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 5 đối tượng trên và đã ra lệnh truy nã nhưng đến nay chưa có kết quả.
“Lách luật” cho doanh nghiệp vay tiền
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định để Agribank thất thoát hàng ngàn tỉ đồng có sự giúp sức tích cực của các cán bộ đều là lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này.
Cụ thể, Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Agribank Nam Hà Nội) là người ký đề nghị HĐQT nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay, giải ngân các khoản đối với Công ty liên doanh Lifepro VN, Công ty cổ phần Vietmade, Công ty cổ phần Lifepro VN.
Lương đã có hàng loạt sai phạm như: chỉ đạo và trực tiếp tham gia quá trình thẩm định, giải ngân đối với Công ty liên doanh Lifepro VN, các khoản cho vay hoàn toàn không có căn cứ, không thẩm định mà chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp, không tổ chức kiểm tra nên không phát hiện việc ngân hàng bị lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản....
Chử Thị Kim Hiền (nguyên phó giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) cũng là người thực hiện tích cực trong toàn bộ hành vi vi phạm của Phạm Thị Bích Lương.
Biết rõ hạn mức cho vay của Công ty cổ phần Enzo VN đã hết, Lương lợi dụng chức vụ, quyền hạn giám đốc chi nhánh cố tình giúp công ty tìm cách “lách” để được tiếp tục vay tiền.
Dưới sự chỉ đạo của Lương, Hiền đã giới thiệu Lê Minh Hiếu (đại diện pháp nhân của hai Công ty cổ phần Lifepro VN và Công ty Vietmade) gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo Công ty cổ phần Enzo Việt ký hợp đồng hợp tác kinh tế, dùng hợp đồng tiếp tục vay vốn ngân hàng.
Sai phạm để hưởng huê hồng
Thực hiện thỏa thuận, Lê Minh Hiếu đồng ý đứng tên ký hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ với Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Hiếu được Lương và Hiền hứa hẹn sẽ được hưởng lời 3,2 đến 3,8% trên trị giá vốn vay.
Bất chấp hai công ty của mình không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng (công ty không có lãi) nhưng do hám lời, Hiếu đã cùng cán bộ ngân hàng chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ pháp lý, tạo lãi khống cho hai công ty để đủ điều kiện vay vốn và thực hiện ký hợp đồng như thỏa thuận.
Thực chất Hiếu sử dụng pháp nhân hai công ty mình để vay tiền và ký giấy nhận nợ, sai đó nhận phần trăm trên tổng số tiền vay được, còn việc nhập hàng hóa là do công ty cổ phần Enzo Việt thực hiện.
Toàn bộ số tiền giải ngân được chuyển ra nước ngoài để các bị cáo khác chiếm đoạt, trong khi không có nguyên liệu được nhập về trong nước.
Sau khi Agribank Nam Hà Nội giải ngân, Hiếu được nhận số tiền hơn 19,5 tỉ đồng. Trong đó, Hiếu đưa cho Chữ Thị Kim Hiền 3 tỉ, số còn lại Hiếu chiếm hưởng.
Với số tiền 3 tỉ đồng, Hiền chia cho các cán bộ cấp dưới 420 triệu đồng, Hiền hưởng 800 triệu đồng, còn lại chi cho công việc chung.
Nguyên Tổng giám đốc Agribank nhận 310.000USD
Bị cáo Phạm Thanh Tân - Ảnh: Tâm Lụa
Quá trình điều hành, ông Phạm Thanh Tân (nguyên tổng giám đốc Agribank) đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của hội sở. Hành vi này là cố ý làm trái nghị quyết hội đồng quản trị của Agribank.
Từ tháng 3 đến tháng 4-2011, Phạm Thanh Tân đã 4 lần nhận tiền từ Phạm Thị Bích Lương với tổng số tiền 310.000 USD.
Trong việc giải quyết vay vốn đối với công ty Lifepro VN, Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra cụ thể khi ký tờ trình gửi Chủ tịch HĐQT đề nghị nâng mức phán quyết tín dụng ngắn hạn lên đến 400 tỉ đồng, phần tăng thêm là 320 tỉ đồng.
Tân được Chủ tịch HĐQT giao cho chỉ đạo thực hiện 2 nghị quyết số 62 và 77 nhưng không có văn bản, chỉ đạo đối với chi nhánh Agribank Nam HN, chi nhánh đã giải ngân 50 triệu USD cho Công ty liên doanh Lifepro VN mua thương hiệu vượt quá mức cho phép 15 triệu USD, giải ngân khi không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được hiệu quả khả thi.
Đến nay khoản tiền giải ngân không có khả năng thu hồi gây thất thoát cho Agribank hàng ngàn tỉ.
Theo Tuổi trẻ