Agribank "sa lầy" tại Lifepro Việt Nam, vì sao?

Những bí ẩn xung quanh vụ án Lifepro Việt Nam thế chấp tài sản "vịt giời" để vay cả nghìn tỷ đồng của Agribank đã hé lộ. Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này đã bị truy tố vì cho vay sai phạm, gây thiệt hại vốn nhà nước tới 2.755 tỷ đồng.
Agribank "sa lầy" tại Lifepro Việt Nam, vì sao?

Còn nhớ, tháng 4/2012, Đoàn thanh tra của Tổng cục Hải quan đã tiến hành thanh tra đột xuất, phát hiện và truy thu công ty Lifepro Việt Nam hơn 479,5 tỷ đồng tiền thuế VAT và tiền phạt chậm nộp (đến thời điểm thanh tra còn nợ thuế 460,79 tỷ đồng). Số tiền nợ thuế này vẫn chưa "nhằm nhò" gì so với số tiền mà Ngân hàng Agribank đã giải ngân cho Lifepro vay và bị thiệt hại.

Chỉ 4 tháng sau, Nhà máy dệt-nhuộm- may xuất khẩu có tên Luxfashion (tại KCN Cán Khẩu, Ninh Bình) bất ngờ tạm dừng hoạt động, lãnh đạo người nước ngoài "biến mất".

Phi vụ "bơm" hơn 3.000 tỷ đồng

Đầu năm 2012, ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank, đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm liên quan đến khoản vay này. Từ đây, quá trình điều tra vụ án đã hé lộ ra nhiều sai phạm trong việc ngân hàng thẩm định, cho vay, nhận tài sản thế chấp dẫn tới nợ xấu nghìn tỷ.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, dự án nhà máy Luxfasion đã được công ty cổ phần Enzo Việt Nam đầu tư xây dựng từ năm 2007. Sau khi đổi tên thành công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, chủ đầu tư đã tăng vốn đầu tư từ 47,1 triệu USD lên tới 305 triệu USD. Ông Yang Hong (quốc tịch Trung Quốc) làm Chủ tịch HĐQT, ông Boubker El Fehdi (quốc tịch Canada) là Tổng giám đốc nhưng hầu như không xuất hiện điều hành.

Agribank đã cho công ty Lifepro Việt Nam vay 3.099 tỷ đồng để đầu tư dự án này và giao cho chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và Ninh Bình cấp vốn. Cụ thể, tháng 4/2012, Ngân hàng Agribank đã phê duyệt khoản vay 150 triệu USD của Lifepro Việt Nam (gồm cả phần nhận nợ của chủ đầu tư trước là 41,35 triệu USD).

Ngân hàng đã nhận nhiều tài sản thế chấp của doanh nghiệp, chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay như: nhà xưởng, dây chuyền, máy móc, quyền sử dụng đất, nguyên phụ liệu và quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang.

Đến tháng 2/2012, dư nợ vay của Lifepro Việt Nam tại ngân hàng đã tăng lên gần 3.100 tỷ đồng. Tức là trong vòng 3 tháng, ngân hàng đã giải ngân chóng vánh 2.238 tỷ đồng cho DN vay, để rồi sau đó nhà máy này đóng cửa.

Đầu năm 2013, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự này thì dư nợ vay là hơn 3.125 tỷ đồng. Việc xử lý tài sản bảo đảm đã không thể thực hiện được vì chủ doanh nghiệp vắng mặt, tài sản bị niêm phong phục vụ điều tra hơn 2 năm qua.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vụ án sai phạm này đã gây thiệt hại cho vốn nhà nước tại Agribank tới 2.755 tỷ đồng. Và đây cũng là 1 trong 8 vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII với việc truy tố 18 bị can là nguyên các lãnh đạo ngân hàng, cán bộ hải quan…

Trong đó, truy tố: Phạm Thanh Tân, nguyên TGĐ Agribank, Phó TGĐ Kiều Trọng Tuyển, Đỗ Quang Vinh, nguyên Trưởng ban tín dụng DN, Phạm Thị Bích Lượng, nguyên GĐ Agribank chi nhánh Nam Hà Nội… vì hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

"Vịt giời" đổi nghìn tỷ

Trong vụ án Lifepro Việt Nam, vấn đề đáng ngạc nhiên nhất là Agribank đã nhận thế chấp tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang cao cấp. Tài sản này được định giá tới 70 triệu USD nhưng thực tế lại không có thật.

Điều không tưởng này có thể lý giải khi những quy trình thẩm định, định giá, trình duyệt khoản vay, quản lý rủi ro… của ngân hàng đã bị buông lỏng, tạo kẽ hở cho cán bộ làm sai.

Cáo trạng cho biết, từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2012, bị can Phạm Thị Bích Lượng, Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, đã ký đề nghị HĐQT Agribank nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp tài sản, phê duyệt cho công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, công ty cổ phần Vietmade, công ty cổ phần Lifepro Việt Nam vay vốn sai quy định. Thay vì thẩm định thực tế, cán bộ ngân hàng chỉ dựa vào thông tin DN cung cấp, bỏ qua các quy định về quản lý của ngân hàng.

Tổng giám đốc Phạm Thanh Tân đã ký duyệt cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ hội sở là trái với nghị quyết của HĐQT Agribank. Để có được chữ ký duyệt của ông Tân, cáo trạng cho biết, lãnh đạo Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã biếu quà cho ông Tân là 310.000 USD.

Các thành viên HĐQT gồm Phạm Thanh Tân, Hoàng Tuấn Anh; Đỗ Quang Vinh, Kiều Trọng Tuyển được xác định đã có hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong đề nghị nâng quyền phán quyết khoản vay của Lifepro Việt Nam…

Ngoài ra, các bị can khác gồm cán bộ ngân hàng, cán bộ hải quan cũng bị truy tố vì làm sai quy định, dẫn tới thiệt hại lớn cho ngân hàng.

Trong khi vụ án sai phạm tại Agribank vẫn chưa có hồi kết thì khoản nợ vay nghìn tỷ đã chuyển thành nợ xấu, khối tài sản của DN vẫn chưa thể xử lý được. Và chưa rõ, khi nào có thể thu hồi được tiền nhà nước đã bị thiệt hại, thất thoát trong phi vụ cho vay "không tưởng" của Agribank.

Theo TBKD