Giá xe điện ở Trung Quốc đang giảm, nhưng Rio Liu, 38 tuổi, sống ở Bắc Kinh, lại không muốn chi tiền mua chiếc ô tô mới mà anh vô cùng mong muốn. Đầu tiên, anh cần bán chiếc xe hiện tại của mình, nhưng giá xe cũ cũng đang giảm. “Điều này khiến tôi rơi vào tình thế khó xử”, anh nói.
Giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rơi vào giảm phát trong 4 tháng qua, trong tháng 1 giảm với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 15 năm. Trong chỉ số giá tiêu dùng chung được thúc đẩy bởi thực phẩm và giá cả ở các lĩnh vực khác đang tăng cao, các doanh nghiệp bán mọi thứ từ mỹ phẩm đến đồ điện lại đều đang giảm giá. Giá ô tô đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 22 tháng.
Dữ liệu giảm phát càng nêu bật mối quan ngại lâu nay về nhu cầu của người tiêu dùng khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách khôi phục động lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 là nhờ hiệu ứng cơ bản, so sánh với mức tăng trưởng thấp của năm đại dịch, người tiêu dùng sẽ phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong năm nay nếu nền kinh tế Trung Quốc muốn tăng trưởng trở lại với tốc độ tương tự.
Nhưng với thị trường bất động sản, vốn là động lực cốt lõi của niềm tin, vẫn đang chịu áp lực, sự thận trọng của người tiêu dùng vẫn tồn tại ngay cả khi người dân bước vào dịp Tết Nguyên đán, theo truyền thống là giai đoạn chi tiêu tăng mạnh. Sức tăng giá yếu cũng không khuyến khích người dân chi tiêu.
“Về mặt lý thuyết, giá thấp sẽ làm tăng sức mua của người tiêu dùng, nhưng điều đó đã không xảy ra”, Louise Loo, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết. “Chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do tâm lý giảm phát đã ăn sâu”.
“Tôi nghĩ đây là sự khởi đầu của một xu hướng mang tính cấu trúc”, bà nói thêm. “Mọi người đã trở nên đề phòng hơn rất nhiều...Họ suy nghĩ kỹ hơn rất nhiều về cách họ muốn ra số tiền thu nhập”.
Dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã tăng 7,4% trong tháng 12 năm ngoái, mặc dù so với mức thấp vào tháng 12/2022, giai đoạn đại dịch Covid. Xét cả năm, doanh số bán lẻ đã tăng 7,2%, nhưng đó là so sánh với giai đoạn phong toả do đại dịch.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng của Morgan Stanley vào tháng 12, được công bố vào tháng 1, cho thấy chỉ hơn một nửa số người được hỏi kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện trong 6 tháng tới. Bản khảo sát lưu ý rằng 76% người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu cho ít nhất một danh mục trong 6 tháng qua; và trên tất cả các danh mục, người tiêu dùng chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn thay vì hướng đến các nhãn hiệu cao cấp hơn.
Fred Neumann, đồng giám đốc Kinh tế châu Á tại HSBC, cho rằng “thiếu tăng trưởng thu nhập” là nguyên nhân dẫn đến mức tiêu dùng thấp. Cuộc khảo sát của Morgan Stanley cho thấy chỉ 45% người tiêu dùng Trung Quốc kỳ vọng tình hình tài chính hộ gia đình sẽ được cải thiện trong 6 tháng tới, mức thấp nhất trong năm qua.
Doanh số bán ô tô, tăng 12% so với năm 2023, là một dấu hiệu cho thấy giá cả thấp hơn đang thúc đẩy nhu cầu, mặc dù ông Loo cho biết dữ liệu ô tô “không ổn định”.
BYD đã giảm giá 10.000 NDT đối với mẫu xe Tang của họ vào cuối năm ngoái, xuống còn 249.800 NDT sau khi vượt qua doanh số 3 triệu chiếc. Trong khi đó, Tesla đã cắt giảm giá mẫu Model 3 của mình 15.500 NDT, xuống còn 245.900 NDT.
Ở phía bắc Thượng Hải, một công ty thương mại điện tử chuyên về hàng xa xỉ cho biết đây “không còn là thị trường của người bán”.
Công ty này, được yêu cầu giấu tên, nói thêm rằng Tmall, nền tảng trực tuyến mà họ hợp tác, đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải “cạnh tranh về giá” trong năm 2024. Trong quảng cáo của mình, Tmall cho biết họ cung cấp “mức giá trực tuyến thấp nhất” .
Đối với tất cả các thương hiệu lớn ở Trung Quốc, việc giảm giá thực sự khó có thể được nhận biết, bởi thông thường họ đã đưa ra hàng loạt các chương trình giảm giá và ưu đãi.
Constance Chu, 31 tuổi, sống và làm việc tại Bắc Kinh, cho biết đã có “sự giảm giá đáng chú ý” đối với các mặt hàng quần áo mới trên các cửa hàng trực tuyến.
Yaling Jiang, một nhà phân tích thị trường tiêu dùng, cho biết một số đợt giảm giá, chẳng hạn như đợt giảm giá điện thoại mới của Apple, chỉ là "tiếp thị thông thường". Tuy nhiên, bà nói thêm rằng “mức giá người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đang giảm xuống”, một phần vì những người mua nội địa thông thái hơn có “hiểu biết cao hơn về quy trình sản xuất”.
Gần đây, sau khi đặt hàng giảm giá trực tuyến từ một trong những nhà hàng yêu thích ở Thượng Hải, Jiang nhận thấy thịt bò thông thường đã được thay thế bằng một loại khác có giá rẻ hơn nhiều được sử dụng trong các món lẩu. “Đối với một số món ăn, điều đó không thể chấp nhận được”, bà nói.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, Rio Liu đã hướng tới “cách sống hợp lý hơn”. Anh từng mua bít tết vài lần mỗi tuần nhưng giờ mỗi tháng chỉ mua một lần. Và mặc dù vẫn đang theo dõi giá ô tô, kế hoạch mua của anh hiện đang bị trì hoãn. “Mọi người đều đang tính về việc giảm tiêu dùng. Tất cả các loại hàng hóa đều đang đối mặt với thách thức này”, Liu cho biết.
Xe điện Trung Quốc chuẩn bị ồ ạt tiến vào thị trường châu Âu nhờ những tàu vận tải cỡ lớn
“Xuân vận” Tết Giáp Thìn – con đường về nhà khổ ải của người Trung Quốc
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc
Theo Financial Times