Nóng: Xung đột ngoại giao Pháp – Trung, “Đại sứ Chiến lang” tại Paris bị triệu tập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, sứ quán Trung Quốc tại Pháp lại đưa ra tuyên bố gây sửng sốt khi nói "Chiến lang tồn tại là do chó điên quá nhiều, quá dữ", đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thực thi "ngoại giao cừu non".
Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (trái) và học giả Pháp Antoine Bondaz - hai người gây nên sóng gió ngoại giao Pháp - Trung hiện nay (Ảnh: Lefigaro).
Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (trái) và học giả Pháp Antoine Bondaz - hai người gây nên sóng gió ngoại giao Pháp - Trung hiện nay (Ảnh: Lefigaro).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 23/3, tình hình càng trở nên căng thẳng khi sau đó Bộ Ngoại giao Pháp thông báo sẽ "triệu kiến" Đại sứ Trung Quốc, thì Đại sứ quán trả lời rằng ngày hôm sau đại sứ sẽ tới "giao thiệp". Hai bên ăn miếng trả miếng, mùi thuốc súng càng ngày càng nồng nặc.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian viết trên Twitter hôm thứ Hai (22/3) rằng ông không thể chấp nhận những lời xúc phạm và đe dọa lặp đi lặp lại các nghị sĩ và học giả Pháp trên tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris và ông đã yêu cầu triệu tập ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), Đại sứ Trung Quốc tại Pháp tới để "nhắc nhở ông ta phải chú ý”.

Ông Jean-Yves Le Drian cũng nhấn mạnh trong một tweet khác rằng, trong quan hệ Pháp - Trung, không ai được phép xúc phạm và tìm cách đe dọa các đại biểu dân cử và các nhà nghiên cứu. Ông nói: “Chúng tôi bảo vệ những người là hiện thân của tự do ngôn luận và dân chủ. Đó là điều luôn nhất quán”.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã, người tiêu biểu cho kiểu "ngoại giao Chiến lang" (Ảnh: Đa Chiều).

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã, người tiêu biểu cho kiểu "ngoại giao Chiến lang" (Ảnh: Đa Chiều).

Về vấn đề này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp phản hồi rằng Đại sứ Lư Sa Dã đã có lịch trình vào ngày 22/3 và sẽ đến Bộ Ngoại giao Pháp vào ngày 23 để “giao thiệp với phía Pháp về các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt của EU và vấn đề liên quan đến Đài Loan”. Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của EU dựa trên sự dối trá và gây hiểu lầm, là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Pháp đã trả lời, nói sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trừng phạt một số công dân EU, trong đó có Raphaël Glucksmann, thành viên Nghị viện châu Âu của Pháp.

Raphaël Glucksmann luôn dám nói, ông tuyên bố "được bạo chúa trừng phạt là một vinh dự" và trước một loạt các bản tweet từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, ông nói: “Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta vẫn còn một chút phẩm giá và ý thức dân tộc thì cần ngay lập tức triệu tập Đại sứ của họ (Trung Quốc) và nhấn mạnh rằng, nếu ông tiếp tục hoang dã, thì sẽ phải trở về Trung Quốc”.

Ông Antoine Bondaz ủng hộ các nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan khiến Bắc Kinh tức giận (Ảnh: FRS).

Ông Antoine Bondaz ủng hộ các nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan khiến Bắc Kinh tức giận (Ảnh: FRS).

Bà Agnes von der Muhll, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hàng ngày rằng Trung Quốc không nên thông qua công kích tự do học thuật, tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ cơ bản để đáp lại những quan ngại chính đáng của EU. Như thế cũng không giúp cho họ thúc đẩy đối thoại với 27 quốc gia trong EU.

Deutsche Welle nhận xét, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn một năm, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cũng đã nhiều lần đưa ra những phát biểu nồng nặc mùi thuốc súng đáp trả những cáo buộc từ bên ngoài nhằm vào Trung Quốc và được coi là đại diện cho kiểu “ngoại giao Chiến lang” của Trung Quốc. "

Đại sứ quán Trung Quốc: Không theo đuổi “ngoại giao cừu non”

Tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp ngày 19/3 gọi ông Antoine Bondaz, một học giả, chuyên gia của Pháp về châu Á và Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) là “Petite frappe” (côn đồ, lưu manh tỉnh lẻ) đã khiến dư luận Pháp nổi sóng. Nguyên nhân khiến Đại sứ quán Trung Quốc nhục mạ ông Antoine Bondaz là do ông này đã hoan nghênh kế hoạch thăm Đài Loan của Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, đồng thời khiêu khích Đại sứ quán Trung Quốc trên Twitter: “Gửi đến ông và những con quái vật của ông một nụ hôn dài”.

Trả lời của Đại sứ quán Trung Quốc ngay lập tức gây phản ứng dữ dội trong dư luận Pháp, nhiều cơ quan truyền thông và chính trị gia đã cáo buộc Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã “nói năng thô lỗ”, cho rằng đây lại là một ví dụ cho “ngoại giao Chiến lang” của Trung Quốc.

Bản tweet của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp gọi ông Antoine Bondaz là “Petite frappe” (côn đồ) đã khiến dư luận Pháp nổi sóng (Ảnh chụp màn hình).

Bản tweet của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp gọi ông Antoine Bondaz là “Petite frappe” (côn đồ) đã khiến dư luận Pháp nổi sóng (Ảnh chụp màn hình).

Hai ngày sau, vào ngày 21/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp một lần nữa "thêm dầu vào lửa" khi đăng một bài báo có tựa đề “Thảo luận dân chủ về tự do ngôn luận” trên trang web chính thức và tài khoản Twitter của Đại sứ quán bằng tiếng Trung và tiếng Pháp, chỉ trích “một học giả nào đó không chịu im miệng, lòe bịp thiên hạ, đi chệch khỏi đường hướng bình thường của các cuộc thảo luận, tiến hành khiêu khích chống lại Đại sứ quán Trung Quốc”; nói vì “ông ta có quyền tự do khiêu khích Đại sứ quán Trung Quốc, chúng tôi cũng có quyền tự do giáng trả”. Bài báo cũng cho rằng ông ta (Antoine Bondaz) về cơ bản không phải là một học giả, mà là một “vòi phun ý thức hệ”, việc dùng từ “petite frappe” (côn đồ) đáp lại sự khiêu khích của ông ta “cũng là để tránh đôi co với ông ta”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cho rằng thuật ngữ “petite frappe” (côn đồ) thể hiện sự “khinh thường chứ không xúc phạm” của Trung Quốc đối với Bondaz và giễu cợt "chả phải ở Pháp Thượng Đế cũng có thể bị khinh bỉ hay sao?”. Bài báo thậm chí còn biện hộ cho “ngoại giao Chiến lang”, nhấn mạnh rằng “nếu lợi ích và hình ảnh quốc gia của Trung Quốc bị đe dọa và bị tổn hại, các nhà ngoại giao của chúng tôi sẽ liều mình lao vào bảo vệ”; “Nếu thực sự có Chiến lang, đó là vì có quá nhiều 'chó điên', quá hung dữ, bao gồm một số ‘chó điên’ mặc áo choàng học thuật và truyền thông đang điên cuồng cắn xé Trung Quốc”, “Kỷ nguyên ngoại giao cừu non ... đã biến mất vĩnh viễn, không bao giờ quay lại”.

Ngay từ năm 2019, khi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã còn làm Đại sứ tại Canada, ông đã từng công khai tuyên bố rằng phía Canada yêu cầu chính phủ Trung Quốc thả hai người Canada bị bắt là “thể hiện lối tư duy người da trắng uy quyền tối thượng”. Sau khi được chuyển qua sang làm Đại sứ của Trung Quốc tại Pháp, ông Lư Sa Dã đã nhiều lần chỉ trích lập trường của Pháp và Liên minh châu Âu về các vấn đề như vấn đề Hồng Kông và dịch bệnh COVID-19, cáo buộc họ là "đạo đức giả".