Nghiện trò chơi điện tử đã trở thành một chủ đề đặc biệt nóng khi mà Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức công nhận đây là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Lo lắng về việc nghiện game có thể ảnh hưởng đến thể chất giới trẻ, Hiệp hội sinh viên Jammu và Kashmir nói rằng nghiện game PUGB còn tệ hơn cả nghiện ma túy.
Tình trạng nghiện game đã trở nên đáng báo động hơn nghiện ma túy khi nhiều người trẻ dành cả 24 giờ để chơi game trên điện thoại mà không làm gì khác.
“Chúng tôi đang kêu gọi chính quyền cấm trò chơi PUBG ngay lập tức”, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Raqif Makhdoomi nói. Có vẻ như hội sinh viên đang đổ lỗi cho PUBG Mobile vì thành tích học tập kém cỏi của học sinh ở trường, vì thế họ muốn cấm hoàn toàn trò chơi này.
Việc kêu gọi cấm trò chơi điện tử không phải là điều gì mới mẻ. Ngoại trừ Trung Quốc, ở các nước khác trên thế giới thì điều này hiếm khi xảy ra. Trên thực tế, game chiến đấu Fortnite - đối thủ chính của PUBG - mới bị nhiều lời chỉ trích và kêu gọi cấm phổ biến.
PUBG là một game sinh tồn (battle royale). Người chơi sẽ được thả xuống một hòn đảo, tự nhặt vũ khí và chiến đấu. Họ sẽ thắng khi loại bỏ được hết các đối thủ trên đảo, cũng là những người chơi online. PUBG đã mất một lượng người chơi đáng kể khi game Fortnite trở nên nổi tiếng cũng như sự ra mắt của những đối thủ battle royale khác như chế độ Blackout của Black Ops 4. Tuy nhiên, phiên bản PUBG dành cho mobile vẫn còn sức hút và nó đang “hot” trở lại, nhất là sau khi PUBG được bổ sung cho thiết bị PS4, cũng như tung ra một số tính năng mới như bản đồ tuyết Vikendi.
Miễn là các nhà phát triển có thể giữ được sự thu hút của game và tránh cho nó không bị cấm ở một số quốc gia, PUBG sẽ vẫn là một trong những game hấp dẫn trong cộng đồng battle royale trong thời gian tới.
PUBG hiện đã có mặt trên các nền tảng iOS, Android, PC, PS4 và Xbox One.