Những tình thế khác nhau đòi hỏi những giải pháp khác nhau để vượt qua, đó là nguyên tắc bất biến trong tổ chức cuộc sống. Khi nguy cơ dịch COVID-19 ở Vĩnh Phúc khác xa ở Bến Tre thì giải pháp của hai địa phương này phải khác nhau là hợp lẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cách nay 2 tuần rất hợp lý, thực tiễn khi hướng dẫn các tỉnh, thành và tham mưu Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tế địa phương để quyết định có cho học sinh nghỉ học hay không, nghỉ từ ngày nào đến ngày nào.
Một ví dụ tiêu biểu về “tình thế nào giải pháp nấy” là việc Đại học Y Hà Nội quyết định dạy và học bình thường trong những ngày gần như cả nước dừng học để tránh COVID-19. Một khi đã hiểu rõ dịch bệnh, cơ chế cụ thể của phòng tránh dịch bệnh, tổ chức tốt được việc phòng tránh theo quy trình nghiêm ngặt thì không việc gì phải dừng học hết. Vả lại Đại học Y Hà Nội là trường số 1 của đất nước trong chuyên ngành đào tạo bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh mà phải tạm dừng hoạt động thì những nhà máy, nông trường, những cửa hàng, công sở, rồi quân đội, công an bảo vệ chủ quyền và an ninh an toàn cho đất nước cũng tạm dừng hoạt động cả hay sao?
Nên chăng có kỳ nghỉ Xuân dài hơn thường lệ, và khoảng nghỉ này sẽ được khấu trừ vào tổng quỹ thời gian nghỉ hàng năm?
|
Cho nên có thể nói việc thầy trò trường Y Hà Nội vững vàng hoạt động có tác dụng động viên, khuyến khích, nêu gương, truyền lửa bản lĩnh, chủ động cho mọi ngành nghề, mọi bộ phận của nền kinh tế và toàn bộ đất nước. Nghệ An và Bến Tre vẫn cho trường học hoạt động trong những ngày đầu của đợt phòng dịch cũng là làm tốt nguyên tắc tôn trọng thực tiễn.
Nhấn mạnh nguyên tắc "tình thế nào, giải pháp nấy", đề cao hoạt động đặc biệt của những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, song đến đây cũng cần thừa nhận rằng mọi địa phương trong cả nước từ lâu đều đã có một điểm giống nhau, đó là nên cho học sinh phổ thông mỗi năm nghỉ học vài đợt ngắn thay vì một đợt dài duy nhất. Bình thường thì việc này đã nên làm để chất lượng dạy và học được nâng cao, vào những năm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thì việc này càng nên làm hơn bao giờ hết.
Thêm nữa, vài ngày qua thông tin từ Trung Quốc cho thấy đại dịch COVID-19 nguy hiểm và nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng ban đầu rất nhiều. Hôm qua, 13/2, WHO còn cho biết “chưa rõ đại dịch này sẽ đi về đâu”.
Vậy thì thay vì băn khoăn có nên cho học sinh trở lại trường từ thứ Hai 17/2 tới hay không, nên chăng chúng ta sẽ quyết định dứt khoát, trên toàn quốc việc nghỉ học sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi có quyết định mới. Cũng có thể coi như năm nay học sinh (và sinh viên một số trường ngoài ngành Y) sẽ có kỳ nghỉ Xuân dài hơn thường lệ, và khoảng nghỉ này sẽ được khấu trừ vào tổng quỹ thời gian nghỉ hàng năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở địa phương và các trường học trên cả nước sẽ điều chỉnh lịch học, ôn tập và thi cho phù hợp. Viêc đó cũng mất công sức và thời gian, nhưng nhất định chúng ta làm được mà không gây quá nhiều xáo trộn.
Vả lại đó là việc sớm chậm cũng phải làm khi ngành Giáo dục cũng đã có chủ trương phù hợp mong đợi của xã hội là chia tổng thời gian nghỉ hàng năm thành vài đợt để giúp việc dạy, học và nghỉ ngơi của thày trò đạt hiệu quả lớn hơn.
Có nên cho học sinh tới trường sau 17/02?
|
Cuối cùng, một cái lợi to lớn mà ai nấy đều dễ dàng tán thành: kỳ nghỉ Xuân kéo dài năm nay chắc chắn sẽ giúp tránh xa COVID-19 cho hàng chục triệu học sinh trên toàn quốc, cho thầy cô và người thân của các em. Cũng là cho cả nước vậy.