Nghị quyết 68: “Phát pháo lệnh”, cuộc cách mạng về tư duy và thể chế

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết 68 mang tính đột phá, được ví như “tháo chốt” cho “chiếc lò xo” kinh tế tư nhân bị nén lâu nay, đặt doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm, theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về xây dựng và thực thi pháp luật và mới đây là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

“Bộ tứ chiến lược” vừa ban hành đã đưa đến không khí lạc quan, niềm phấn khởi lan tỏa xã hội, trong nhiều tầng lớp, trong nhiều lĩnh vực. Đây là tinh thần ít gặp trong đời sống chính trị, kinh tế vài chục năm qua.

2.jpeg
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Trong đó, Nghị quyết 68 - thể hiện quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, đánh dấu một bước ngoặt tư duy, khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, nâng tầm vai trò so với Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân do trung ương ban hành năm 2017.

Cách đây 7 năm, Nghị quyết 10 được ban hành trong bối cảnh kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển, nhưng chưa được coi là động lực chính. Mục tiêu là biến kinh tế tư nhân thành “một động lực quan trọng” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung vào việc thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển nhưng chưa có các giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ. Chính sách còn mang tính định hướng chung, chưa đi sâu vào tháo gỡ các rào cản cụ thể.

Nghị quyết 10 đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP; năm 2025 khoảng 55% GDP; năm 2030 khoảng 60-65% GDP. Tuy nhiên, đến năm 2024, số lượng doanh nghiệp chỉ đạt gần 1 triệu, thay vì 1,5 triệu như kỳ vọng; chưa có các mục tiêu chi tiết về tăng trưởng, năng suất lao động hay tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đề ra mục tiêu tham vọng hơn, Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp (20 doanh nghiệp/1.000 dân), ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2045, kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân đạt 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung; năng suất lao động tăng 8,5-9,5%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% ngân sách nhà nước, giải quyết 84-85% lao động. Đồng thời nhấn mạnh trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đạt nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 châu Á.

Nghị quyết 68 được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu biến động và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững để đạt các mục tiêu từ nay đến 2030 - 2045. Nghị quyết được ví như “phát pháo lệnh” và “cuộc cách mạng” về tư duy và thể chế, nhằm giải phóng nguồn lực bị kìm hãm.

Nghị quyết 68 đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể và mang tính đột phá hơn:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm 30% thủ tục và chi phí tuân thủ, đặc biệt trong thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp, và phá sản.

Thứ hai, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế: Xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử; đảm bảo tiếp cận nguồn lực (đất đai, vốn, công nghệ) công bằng giữa khu vực tư nhân, nhà nước và FDI.

Thứ ba, khơi thông nguồn lực: Thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu quả; bảo vệ quyền tài sản doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu, bãi bỏ lệ phí môn bài).

Thứ tư, ưu tiên lĩnh vực chiến lược: Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia nghiên cứu, phát triển, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, và các ngành công nghệ cao.

Thứ năm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế: Tạo môi trường pháp lý minh bạch, tránh hình sự hóa các tranh chấp thương mại.

Thứ sáu, phát triển đội ngũ doanh nhân: Đào tạo, tôn vinh doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, và tinh thần yêu nước.

Thứ bảy, cơ chế đặc thù: Thử nghiệm các mô hình mới trong năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, và công nghệ số.

Thứ tám, truyền thông và thể chế hóa: Đẩy mạnh truyền thông, nhanh chóng sửa đổi luật (Luật Đầu tư, Luật Thuế, Luật Đấu thầu...) để cụ thể hóa nghị quyết.

Đặc biệt, Nghị quyết 68 nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, điều mà Nghị quyết 10 chưa đề cập sâu.

20-5 doanh-nghiep-tu-nhan-4.jpg
Hoạt động sản xuất tại một công ty ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN).

Có thể nói Nghị quyết 68 mang tính đột phá, được ví như “tháo chốt” cho “chiếc lò xo” kinh tế tư nhân bị nén lâu nay. Đặt doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm, với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò kiến tạo của Nhà nước.

Nghị quyết được kỳ vọng là bước ngoặt thứ ba trong lịch sử phát triển kinh tế tư nhân (sau Đổi mới 1988-1990 và Luật Doanh nghiệp 1999-2000), giúp thay đổi chất lượng và quy mô khu vực này; tạo “cú hích chiến lược” để kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp lớn hơn vào GDP, ngân sách và việc làm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là tư duy phát triển phải mang tính hệ thống và đồng bộ. Bên cạnh “bộ tứ nghị quyết” đã được ban hành, tôi cho rằng cần phải có thêm các nghị quyết về công nghiệp, nghị quyết về giáo dục đào tạo. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể định hình một chiến lược phát triển toàn diện và bền vững cho đất nước.

Ngoài ra, tắc nghẽn thể chế vẫn là điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển - một vấn đề đã được nêu ra suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ xong.

Chúng ta nói nhiều đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường và xây dựng xã hội dân chủ. Việc cấp bách lúc này là phải kiện toàn lại bộ máy, cải tiến quy trình xây dựng và thực thi chính sách theo hướng vừa đảm bảo tính tuân thủ, vừa đề cao tính linh hoạt và khả năng phản ứng chính sách.

Một điều quan trọng nữa là phải chỉ rõ biện pháp thực hiện, ai là người làm và ai là người chịu trách nhiệm. Nếu không, chúng ta có thể sẽ tiếp tục bàn về những nút thắt thể chế trong những năm tiếp theo.