Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Để làm rõ những vấn đề hệ trọng mà Nghị quyết đã nêu ra VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lập - Luật sư Điều hành Cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Chủ tịch Công ty TNHH VietPro Consultant, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chuyên gia độc lập nghiên cứu luật kinh tế- tài chính.

Củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên của kinh tế tư nhân
- Trong Nghị quyết 68 đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”; đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP”. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam lớn tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu đếm không hết một bàn tay. Theo ông thì mục tiêu này phải làm như thế nào để đạt được?
- Tôi rất tâm đắc khi Nghị quyết chỉ đích danh về sự tham gia của Việt Nam trong “chuỗi giá trị” mà không phải “chuỗi cung ứng” toàn cầu bởi đó là hai phạm trù rất khác nhau nhưng dư luận hay nhầm lẫn. Với độ mở của nền kinh tế hướng đến xuất khẩu tới gần 200% thì rõ ràng Việt Nam đã gắn chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu rồi.
Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói và cũng đáng buồn là 70% các giá trị liên quan thuộc về khối FDI mà không phải người Việt. Thực chất chính là chúng ta mang sức lao động và cung ứng hạ tầng để gia công hàng hoá cho người khác, thay vì các đóng góp gia tăng vào các chuỗi giá trị của hàng hoá. Để đạt được mục tiêu thứ hai này, rõ ràng các doanh nghiệp Việt phải tăng cường được các năng lực đổi mới sáng tạo về công nghệ. Nhưng bằng cách nào?
Đầu tiên cần xác định đó là công việc hay sứ mệnh của doanh nghiệp mà Nhà nước không thể làm thay. Có nghĩa rằng doanh nghiệp phải ý thức rõ đó là nhiệm vụ sống còn, nếu không làm và làm thành công thì sẽ không sống sót. Một khi doanh nghiệp đã xác định như vậy thì chính họ, chứ không phải ai khác sẽ biết mình phải làm gì và cần hỗ trợ gì từ phía Nhà nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước thông qua những nhà lập chính sách sẽ đối thoại với doanh nghiệp để bàn về sự hỗ trợ và hợp tác, bao gồm cả tháo gỡ các rào cản thể chế và các biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Đây là cách tiếp cận từ dưới lên với hai chiều, là điểm rất khác biệt trong ứng xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nó được gọi là đối thoại chính sách, chẳng hạn giữa các bộ ngành và VCCI hay các Hiệp hội ngành hàng, là các hoạt động đã từng có nhưng nay cần được làm thực chất hơn.
Tôi cũng không nghĩ cứ phải doanh nghiệp lớn thì mới tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu mà vấn đề là phải có các doanh nghiệp có chất lượng, tức đạt chuẩn về quản trị, nhân lực, tài chính và nếu có thể cả cơ sở vật chất, một khi chúng ta ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế tạo.
Vậy thì về mặt chủ động, Nhà nước hay các cơ quan lập chính sách có thể làm gì không trong khi hoặc nếu thiếu sự sẵn sàng từ phía các doanh nghiệp ? Tôi hỏi vậy bởi nhớ ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từng nói “Thể chế nào doanh nghiệp ấy”, hàm ý rằng nếu các doanh nghiệp của chúng ta èo uột hay thụ động thì cũng một phần bởi thể chế chưa tạo điều kiện cho họ tự do phát triển, sáng tạo.
Có nghĩa Nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế đi kèm với tạo lập các thiết chế và cơ chế để hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp. Ý tưởng khái quát ở vế thứ nhất, vì đây là nhiệm vụ lớn nên cần xác định chủ đề trọng tâm trước mắt và theo tôi, đó không còn là thủ tục hành chính mà chính là lĩnh vực đất đai và hệ thống tư pháp. Còn ở vế thứ hai, thay vì hỗ trợ một chiều theo kiểu xin- cho, tôi cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để mở rộng và áp dụng thực chất, sáng tạo cơ chế hợp tác đối tác công- tư.

- Nghị quyết đưa ra nhiều yêu cầu: “củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của kinh tế tư nhân”. Niềm tin vào cơ chế, luật pháp rõ ràng là rất quan trọng. Nhưng nếu nhìn lại các vụ án kinh tế lớn trong thời gian vừa qua như SCB, FLC, Tân Hoàng Minh, đặc biệt là Vạn Thịnh Phát. Vậy làm sao để doanh nghiệp tư nhân có nhiều sáng tạo, đột phá trong SXKD mà không nơm nớp lo sợ như các doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý kể trên?
- Trong khía cạnh này, tôi muốn phân loại các doanh nghiệp theo hai nhóm chính bao gồm sản xuất và dịch vụ liên quan, bất động sản và tài chính-ngân hàng. Phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam, nếu nhóm thứ nhất hoạt động khá độc lập, ít liên quan đến Nhà nước thì ngược lại với hai nhóm còn lại, các doanh nghiệp này về cơ bản kinh doanh dựa trên sự phụ thuộc hay khai thác các yếu tố chính sách và quan hệ Nhà nước. Bởi sự kết nối và phụ thuộc ấy, rủi ro vướng vào vòng lao lý đối với các chủ doanh nghiệp này là đương nhiên và lớn hơn.
Cho nên nói đến nỗi sợ luật pháp hay thiếu niềm tin của các doanh nhân vào sự bảo vệ của pháp luật thì cần tiếp cận theo hướng phân loại và phân định cụ thể. Tôi tin các doanh nhân, doanh nghiệp phụ thuộc vào chính sách và quan hệ Nhà nước hoàn toàn ý thức được điều đó nhưng đã quyết định lựa chọn theo phương châm rủi ro cao thì lợi nhuận cao, tức họ đã hay buộc phải chấp nhận tình thế của mình cho bài toán đánh đổi.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ tâm lý của cộng đồng doanh nhân nói chung sẽ chịu sự tác động thế nào từ bức tranh tổng thể về thể chế và luật pháp mà ở đó còn nhiều khoảng tối, nơi mỗi người không biết hành xử ra sao và bấu vứu vào đâu để bảo vệ an toàn cho cá nhân và tài sản của mình, khi họ chứng kiến những sự vụ như Vạn Thịnh Phát, SCB hay FLC. Tất cả đến từ suy luận đơn giản, đó đều là những người sắc sảo và có vị thế nhưng họ vẫn dính vòng lao lý thì phận mình sẽ ra sao?
Tôi tin người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã thấu hiểu điều này nên chủ trương quyết liệt cải cách thể chế và pháp luật nhưng muốn được nói thêm. Đó là trong việc tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn cho sáng tạo, đổi mới trong sản xuất, kinh doanh thì cần đề cao tiêu chí minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng tiên lượng, dự báo. Đồng thời, nếu đổi mới trong lập pháp và hành pháp là câu chuyện dài hơi thì nên tập trung nhiệm vụ hay ưu tiên trước mắt vào cải cách lĩnh vực tư pháp.
Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế!
- Nói về cải cách tư pháp, một trong những chỉ đạo rất mới của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 68 là “nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo”. LS có thể phân tích sâu hơn vấn đề này không?
- Với tư cách một luật sư, tôi hoan nghênh việc Nghị quyết đã đề ra nội dung khá chi tiết, rõ ràng để giảm thiểu sự nhầm lẫn trong nhận thức hay sự chần chừ, bất nhất trong hành động ở khía cạnh này, mà tựu trung đó là hai quan điểm: Thứ nhất, “không hình sự hoá các quan hệ hành chính, dân sự và kinh tế”; thứ hai, trong trường hợp đến mức xử lý hình sự thì sẽ ưu tiên biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho hình phạt khác là tù hay thậm chí tử hình.
- Về chủ trương “không hình sự hoá”. Điều này đã được nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói ra từ mấy chục năm trước như để giải toả bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng tiếc rằng hầu như không đi vào cuộc sống. Tại sao và cái khó ở đâu?
- Về thực chất, đó không phải là vấn đề của hệ thống pháp luật mà thuộc về quan điểm tiếp cận vấn đề, thái độ và hành vi ứng xử của con người trong cuộc. Về phía các cơ quan chức năng, đó là cách thức dễ nhất để xử lý các công việc không chỉ liên quan đến đấu tranh chống tội phạm mà còn thuộc phạm trù chung là “quản lý nhà nước”.
Cách làm này đã mang đến hiệu quả ngay. Chẳng hạn, đối với một vi phạm hành chính, các thủ tục xử lý có thể qua nhiều cấp và bị kéo dài, kèm theo khó khăn trong khắc phục hậu quả, nhưng khi chuyển qua điều tra hay khởi tố hình sự thì được xử lý nhanh chóng bằng việc đối tượng liên quan có thể bị bắt giam, hạn chế hay tước hết các quyền dân sự.
Có thể coi rằng đó là cách bộ máy hành chính nhất thời chọn lối hành xử tiện cho mình, nhưng hệ luỵ là dần dần nó trở thành thói quen và thông lệ chung được chấp nhận. Do đó, với nội dung của Nghị quyết mới xử lý vấn đề này, tôi cho rằng là một bước chuyển lớn có ý nghĩa về chất theo hướng cải cách tư pháp được xã hội hoan nghênh.
Cũng xin nói thêm rằng vấn nạn “hình sự hoá” có một phần nguyên nhân từ phía người dân và doanh nghiệp.
Về nhận thức và tâm lý, khá nhiều người không tin vào pháp luật và các thiết chế liên quan như luật sư, thanh tra hay Toà án khi cần nhờ cậy để giải quyết các sự vụ về pháp lý, cho rằng nó phức tạp, tốn kém và không hiệu quả. Thay vào đó, nếu tiếp cận Cơ quan công an thì sẽ được giải quyết ngay, thậm chí không chỉ đối với vi phạm pháp luật mà còn cả tranh chấp hợp đồng.
Xin nói thêm ở các nước người ta coi tư pháp là một loại dịch vụ công mà khách hàng là người dân, doanh nghiệp. Vậy thì khi muốn cải thiện cái dịch vụ ấy một cách tổng thể, cả hai phía cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen ứng xử của mình.
Còn về chủ trương ưu tiên biện pháp kinh tế khi xử lý hình sự, tôi cho rằng đó là cách tiếp cận phù hợp và thực tế xét trong bối cảnh hiện tại khi các Cơ quan chức năng gặp khó khăn hay bất lực trong việc thu hồi tài sản để bù đắp thiệt hại trong các vụ án kinh tế, nay họ được tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp có tính “đòn bẩy”.
Tuy nhiên, không có chính sách nào mà không gây tác động, đặc biệt là các tác động không mong muốn. Chẳng hạn như sẽ có các tội phạm toan tính bỏ tiền một cách chủ động để thoát hay giảm nhẹ tù tội, qua đó mục tiêu công lý hình sự có nguy cơ bị huỷ hoại. Do đó, khi triển khai thể chế hoá nội dung rất hệ trọng này của Nghị quyết, tôi hy vọng các Cơ quan chức năng sẽ thiết kế được các chế định pháp luật với chất lượng khoa học ở cấp độ tối ưu nhất có thể.

Quyền định đoạt tài sản linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn
- Về cơ hội tiếp cận đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực của doanh nghiệp tư nhân, trong Nghị quyết đã quy định rất rõ những vấn đề này, LS có ý kiến gì thêm không?
- Tôi xin nói rõ hơn một vấn đề, xét từ góc độ tháo gỡ điểm nghẽn thể chế với một trọng tâm mới sau quá trình tập trung cắt giảm thủ tục hành chính. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh quan điểm bảo vệ các quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp, vậy điều đó là gì và nó có ý nghĩa như thế nào?
Lĩnh vực quan trọng nhất là các tài sản phải đăng ký sở hữu, trọng tâm là bất động sản hay tài sản liên quan đến đất đai. Trong một báo cáo phân tích pháp lý tôi đã nêu quan điểm rằng suy cho cùng nếu anh sở hữu nhà mà không sở hữu đất thì tức là không sở hữu gì cả vì thứ nhất, nếu chủ sở hữu thu hồi đất thì anh không chuyển nhà đi chỗ khác được; và thứ hai, nếu anh muốn làm gì với nhà của anh mà trái với mục đích sử dụng đất, vượt quá thời hạn sử dụng đất do Nhà nước ấn định thì đều phải xin phép, chưa nói tới nếu cả hai điều kiện này thay đổi thì giá trị của ngôi nhà và mảnh đất anh đang sử dụng sẽ biến động theo.
Đó chính là vấn đề mấu chốt và là điểm nghẽn căn bản nhất mà bao nhiêu lần sửa Luật Đất đai chúng ta liên tục tìm cách tháo gỡ nhưng dường như không bao giờ xong cả. Thêm vào đó còn có Luật Quy hoạch, tức là anh muốn làm gì với tài sản trên đất của thì không chỉ tuân theo các yêu cầu của Sổ Đỏ mà còn cả các quy hoạch khác nhau nữa.
Cho nên tôi đã từng đề xuất rằng hãy tích hợp tất cả các quyền can thiệp của Nhà nước đối với quyền sở hữu tài sản gắn với đất của người dân vào một công cụ thôi, đó là một quy hoạch thống nhất, trong đó cũng nên đơn giản hoá bằng việc phân định không gian giữa đất được xây dựng và đất không được xây như thực tiễn của nhiều nước.
Muốn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân kinh doanh thì phải cho họ quyền xác lập sở hữu tài sản chắc chắn và quyền sử dụng, định đoạt tài sản linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn. Chẳng hạn, trong một phóng sự trên VTV gần đây, có người dân tại Hà Nội kêu than rằng muốn tách thửa đất của bố mẹ để chia cho các con mà không được vì vướng chỉ tiêu tối thiểu 80m2.
Mà nếu không tách thửa gắn với tách sổ được thì các con không có quyền sở hữu riêng, không thể tự định đoạt tài sản cũng như thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn kinh doanh. Tôi không hiểu tại sao Hà Nội lại làm thế một khi đã có các tiêu chuẩn về an toàn công trình, và phải chăng đó chính là điểm nghẽn mới về thể chế? Nó chắc chắn hạn chế quyền dân sự và cả năng lực khởi sự kinh doanh của người dân.

Đối xử bình đẳng về chính sách giữa các thành phần kinh tế
- Để “hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu”, nghị quyết yêu cầu: “Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia; Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia”. LS có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Tôi ủng hộ chủ trương này vì đó không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các cơ hội kinh doanh từ lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn vốn đầu tư công. Quan trọng hơn, đó là sự đối xử bình đẳng về chính sách giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt sở hữu.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả thì cần phân định rất rõ từ xác định mục tiêu đến cách làm. Chẳng hạn, nếu đặt mục tiêu cho doanh nghiệp tư nhân được trải nghiệm thi công các dự án lớn để qua đó trưởng thành về năng lực quản trị và công nghệ thì sẽ rất khác so với chỉ duy nhất đặt mục tiêu vào hoàn thành dự án.
Với mục tiêu thứ hai thì đơn giản chỉ cần tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn nhà thầu phù hợp nhất, trong khi với mục tiêu đầu thì việc tổ chức thực hiện đòi hòi sự công phu hơn rất nhiều, là cái mà tôi gọi là hợp tác theo phương thức đối tác công-tư. Tức là chủ trương rõ ràng tốt nhưng cái khó sẽ là làm sao để triển khai đúng để đạt được ý đồ chính sách, tránh các lạm dụng hay chệch hướng.
- Nghị quyết lần này cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. LS có thể phân tích sâu hơn về vấn đề này không?
- Tôi chỉ muốn nói thêm rằng cho tới nay chúng ta mới đề cao các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả hộ kinh doanh cá thể do nhóm đối tượng này có số lượng lớn và mang lại nhiều công ăn việc làm. Điều đó đúng nhưng chưa đi vào thực chất của vấn đề nếu xét đến các yếu tố nền tảng cơ bản của bài toán phát triển kinh tế.
Tôi đã tiếp xúc với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ thậm chí doanh nghiệp gia đình của Nhật Bản, Đức, Italia, Đài Loan (Trung Quốc)... Họ nói rằng có rất nhiều sáng tạo công nghệ là sáng chế hay giải pháp mới đến từ khu vực này. Lý do đơn giản là ở đó con người có tình yêu, sự đam mê và cả niềm tự hào trong phát triển bản thân và doanh nghiệp.
Cái tinh thần ấy được hun đúc, giữ gìn và có thể truyền nối qua nhiều thế hệ. Còn lại những gì thuộc về hạn chế, thua kém khách quan của loại doanh nghiệp nhỏ và vừa như nguồn vốn hay tiếp cận thị trường thì họ sẽ được Nhà nước hỗ trợ.
Tôi nghĩ thực tiễn với cách nghĩ, cách làm ấy cần là tham khảo tốt cho con đường phát triển của Việt Nam.
- Xin cám ơn Luật sư!

Những giải pháp thay đổi cách làm luật từ “quản lý” sang “phục vụ”

Quyết liệt gỡ nút thắt thể chế
