Ngày 16/4, Mobifone Service sẽ lên Upcom, giá tham chiếu 26.300 đồng/cp

VietTimes -- Trong năm 2018, MobiFone Service đã thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động kinh doanh, trả hết nợ vay dài hạn. Báo cáo tài chính năm 2018 cũng ghi nhận nhiều giao dịch giữa MobiFone Service và MobiFone cùng công ty con khác của tập đoàn này. 
Ảnh minh họa (Nguồn: MFS)

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hơn 7,06 triệu cổ phiếu MFS của CTCP Dịch vụ kỹ thuật MobiFone (MobiFone Service) sẽ chính thức giao dịch trên sàn Upcom vào ngày 16/4/2019 sắp tới. Với mức giá tham chiếu là 26.300 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của MFS ngày "lên sàn" ước tính đạt gần 186 tỷ đồng.

Đánh chú ý, MobiFone Service cũng là thành viên đầu tiên trong “hệ sinh thái” của Tổng công ty Viễn Thông MobiFone (MobiFone) niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đặt mục tiêu doanh thu “nghìn tỷ” vào năm 2020

Được thành lập ngày 28/1/2008, MFS có quy mô vốn điều lệ ban đầu là 34,587 tỷ đồng. Sự ra đời của doanh nghiệp này nhằm tập trung sức mạnh nguồn vốn huy động được từ các cổ đông sáng lập để kinh doanh các dịch vụ thuộc lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin.

Sau nhiều lần tăng vốn, MFS có vốn điều lệ đạt 70,629 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/11/2018, công ty này có 3 cổ đông lớn là MobiFone, Công ty TNHH Thiên Việt và cá nhân ông Lê Dũng (sinh năm 1989) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 31,26%; 6,25% và 7,33%.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, MFS cho biết chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm: Dịch vụ Hạ tầng - Viễn thông, Dịch vụ chăm sóc khách hàng (CSKH) và Dịch vụ Giá trị gia tăng (VAS). Với việc có cổ đông lớn nhất là MobiFone, doanh nghiệp này cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ và những ưu thế cạnh tranh nhất định trên từng lĩnh vực.

Cụ thể, MFS đang là một trong 3 đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho MobiFone và cũng là một trong số các công ty cung cấp dịch vụ VAS lớn cho tập đoàn này cả về số lượng dịch vụ và doanh thu.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của MFS trong những năm gần đây cũng khá tích cực với kết quả kinh doanh có lãi và thực hiện chi trả cổ tức khá đều đặn (từ 12 - 15% tùy từng năm).

Năm 2018, MFS ghi nhận doanh thu đạt 627,2 tỷ đồng - giảm 33,3% so với năm trước. Công ty cho biết nguyên nhân là do hoạt động cơ cấu lại các mảng kinh doanh hàng hóa và dịch vụ theo hướng giảm doanh thu hàng hóa có biên lợi nhuận thấp.

Mặt khác, công ty cũng thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí bán hàng (giảm 70%), chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 22%) giúp lợi nhuận sau thuế năm 2018 của MobiFone Service vẫn tăng 8,02% so với năm trước và đạt 28,4 tỷ đồng. Mức thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của năm 2018 đạt 4.022 đồng.

Năm 2019, MFS đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 9,1%, đạt mức 684 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 5%, đạt mức 29,8 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2019 dự kiến sẽ tương đương với năm 2018, ở mức 15%.

Về mục tiêu dài hạn, MFS cho biết sẽ trở thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin bền vững, có năng lực cạnh tranh mạnh trong 3 lĩnh vực hoạt động cốt lõi.

Doanh nghiệp này cũng hướng tới cột mốc doanh thu “nghìn tỷ”, đạt mức 1.250 tỷ đồng, vào năm 2020; phấn đấu tăng trưởng doanh thu bình quân từ 10 - 15%/năm, tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt từ 5 - 7%/năm cho tới năm 2025.

“Hình bóng” AVG

Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2018 đã kiểm toán của MFS cũng cho thấy sự “tái cơ cấu” mạnh mẽ trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn khi giá trị ghi nhận tại các khoản phải thu, khoản phải trả và nợ vay giảm mạnh.

Trong đó, tính đến cuối năm 2018, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của MFS cũng giảm tới gần một nửa so với đầu năm, đạt mức 127,6 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2018). Nguyên nhân chủ yếu từ việc MFS ghi nhận giảm khoản phải thu với MobiFone (giảm 45,29 tỷ đồng) và cá nhân ông Đặng Quang Huy (87,56 tỷ đồng).

Điều này góp phần khiến quy mô tổng tài sản của MFS giảm 32%, xuống mức 263,35 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2018.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của MFS cũng giảm từ mức 219,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 97,8 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 55%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá trị các khoản phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, các chi phí phải trả ngắn hạn giảm mạnh.

Đáng chú ý, MFS đã không còn ghi nhận số dư vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) trên BCTC. Được biết, công ty này đã chủ động trả “trước hạn” các khoản vay dài hạn, góp phần giảm thiểu chi phí lãi vay.

Các giao dịch chủ yếu của MobiFone Service với một số bên có liên quan (Nguồn: MFS)

Mặt khác, BCTC đã soát xét năm 2018 cũng cho thấy mối quan hệ có phần gắn bó giữa MobiFone và MFS. Trong năm 2018, MFS đã ghi nhận giá trị giao dịch hơn 338,96 tỷ đồng (giảm 126 tỷ đồng so với năm trước) từ bán hàng hóa, dịch vụ cho MobiFone.

Bên cạnh đó, MFS cũng ghi nhận doanh thu hơn 9,22 tỷ đồng đối với CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), tăng 3,77 tỷ đồng so với năm trước. Được biết, MFS đang cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho các thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình của AVG. Doanh thu phát sinh hàng tháng sẽ được xác định căn cứ trên biên bản nghiệm thu dịch vụ.

Tại thời điểm 31/12/2018, AVG đã không còn là công ty con của MobiFone, tuy nhiên, ban lãnh đạo của MFS cho biết việc trình bày các giao dịch trong năm và số dư đối với công ty này nhằm phục vụ cho việc so sánh.

Ngoài ra, BCTC cũng cho thấy (tổng) mức thu nhập của Ban Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị của MFS sụt giảm tới 15% so với năm trước.

Hiện nay, Hội đồng quản trị (HĐQT) MFS bao gồm 5 thành viên, do ông Tường Duy Phúc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông Tường Duy Phúc được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch vào ngày 20/12/2018, thay thế cho ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Tổng Giám đốc MobiFone), và đang đại diện sở hữu cho 993.600 cổ phần của MobiFone tại MFS.

Ban Tổng Giám đốc MFS có sự góp mặt của 3 thành viên, trong đó, ông Vũ Quang Hải giữ vai trò Tổng Giám đốc. Ông Hải cũng đang đại diện cho 772.800 cổ phần mà MobiFone đang sở hữu tại MFS./.